“Con không kỳ dị!”

An học lớp 2D (Trường Tiểu học Trường Tây D, huyện Hòa Thành, Tây Ninh), được cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Huệ San xếp ngồi ngay bàn đầu. Giờ tiếng Việt, An luôn giơ tay xung phong đọc bài. Cánh tay ngúc ngoắc của An không giơ lên cao quá đầu được. Cô cho phép ngồi đọc nhưng An rướn người đứng lên chiếc ghế con kê ngay dưới chân, đọc bằng giọng khào khào, thỉnh thoảng hụt hơi, ngắt quãng. Cả lớp im phăng phắc, cô Huệ San đứng sát bên để nghe An đọc. Các bạn ở cuối lớp không thể nghe rõ giọng đọc của An. Nhưng khi cô nhận xét: “Bạn An đọc rất tốt, cô khen bạn An”, cả lớp vỗ tay rào rào. An cười tươi, phô hàm răng chỉ còn lưa thưa vài cái răng sún.

Cậu bé đặc biệt

An không thể nói rõ như các bạn vì bị hẹp đường thở và bị bệnh tim bẩm sinh. An phải đứng lên ghế đọc bài vì An chỉ nhỉnh hơn 70 cm, bằng chiều cao của em bé ba tuổi. An có đôi mắt to trên gương mặt cũng to, cái đầu to quá khổ so với thân hình nhỏ xíu của em.

Giờ ra chơi, An ra ghế đá ngồi chơi với các bạn. Lúc này mới thấy rõ đôi chân An nhỏ xíu, cong vẹo, lưng An còn bị gù. Em lom khom khó nhọc bước ra băng đá, không kìm được tiếng thở dốc. Có bạn định cõng An chạy ù ra cho nhanh nhưng An không chịu, nhất định tự bước đi. An nói chuyện, các bạn phải ghé sát mới nghe rõ. Các bạn cũng phải nói lớn vô tai vì thính lực của An rất yếu.

Tôi ghẹo An: “Chắc con ăn kẹo dữ quá nên mới bị sún hết răng chứ gì?”. An trả lời: “Không phải con ăn kẹo đâu. Bác sĩ nói con thiếu can xi nên răng bị hư. Nhưng con còn mấy cái răng thiệt xịn nè cô”. An nhe răng khoe mấy cái răng “thiệt xịn” rồi cười vui vẻ.

 
An trong giờ ra chơi với ccác bạn. Ảnh: HỒNG MINH

Trước đây, khi mới vô lớp 1, An còn nhút nhát và thu mình lại. Có bạn chọc ghẹo An bằng những từ ngữ dễ tổn thương như An lùn, An đầu bự… Thậm chí có bạn nói An quái dị. Mẹ An biết được, động viên con: “Con hãy ráng học giỏi, hãy cho mọi người thấy rằng con có thể làm được nhiều việc. Con là một cậu bé đặc biệt, con không kỳ dị”. Đến bây giờ, mẹ An vẫn luôn nói với con mình như vậy.

Kiên cường và tự lập

An đã hòa nhập với bạn bè bằng sự lạc quan và ham học, vượt qua bệnh tật và những sự khác biệt. Kết quả là An luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Các bạn trong lớp ai cũng thương và nể An vì em học rất giỏi.

Từ năm lên ba tuổi, cha mẹ đã suýt mất An mấy lần khi cơ thể An bắt đầu trở chứng với bệnh tim. Vô lớp 1, An phải trải qua hai lần mổ tim. Sức vóc của An bé xíu nhưng An kiên cường và hồi phục mạnh mẽ đến ngạc nhiên.

Từ khi mổ tim đến nay, hằng tháng An phải đi khám bệnh và uống thuốc ở BV Nhi đồng. An ngồi chút xíu là đã thở gấp, thở dốc. Nhưng hễ đi khám bệnh về, An lại đòi mẹ chở ra lớp học ngay. An không muốn nghỉ học buổi nào.

Nhà An khá khó khăn, chỉ có mình cha An đi làm thợ sơn tường nuôi cả gia đình. Ở nhà còn bà ngoại già yếu và em trai An bốn tuổi. Mẹ An trước đây làm công nhân, nay đã nghỉ việc để chăm sóc mẹ già và hai con nhỏ. Khó khăn là vậy nhưng cha mẹ An luôn lạc quan và rất chú trọng việc dạy con.

Cha mẹ dạy An phải tự lập, tự chăm sóc được bản thân mình, không dựa vô sự giúp đỡ của người khác. Mẹ An tâm sự: “Nhiều lúc thấy xót con lắm, muốn làm thay hết cho con nhưng phải dằn lòng lại. Mình dạy con tự lập để mai này không có cha mẹ bên cạnh, con cũng có thể tự lo liệu được”.

An được một người tốt bụng tặng chiếc máy vi tính. Mẹ An đã tự mày mò học rồi dạy lại cho An. Đến nay An đã có thể soạn thảo văn bản, vẽ hình trên máy vi tính. An vẽ ngôi nhà của mình, vẽ biển đảo Trường Sa…

Hỏi An có ước mơ gì, An lại cười tươi phô hàm răng lưa thưa chiếc còn chiếc mất: “Con tính lớn lên làm… giám đốc đó cô”.

Nói chuyện mới biết thực ra An muốn làm bác sĩ vì An rất yêu quý những bác sĩ đã tận tâm chữa bệnh cho em nhưng đôi tay An cầm đồ vật rất khó nên em mới quyết tâm học giỏi để sau này làm giám đốc.

An được cô giáo miễn học môn thủ công và môn thể dục. Môn thể dục thì An chịu thua nhưng môn thủ công An vẫn hì hục làm với các bạn. Không cầm kéo cắt giấy màu được thì An tự xé giấy, ráng làm cho giống mẫu của cô rồi dán vô tập vở.

Hằng ngày mẹ chở An tới cổng trường rồi để An tự băng qua quãng sân rộng đi vô lớp. Các cô giáo nói mẹ An cứ chở em tới cửa lớp nhưng mẹ An từ chối. An bước đi những bước bé xíu, xiêu vẹo, thở dốc. Nhìn dáng đi của em ai cũng xót xa. Nhưng An kiên quyết: “Con không tự đội nón được (vì cơ xương biến dạng) nhưng con tự đi được mà”.

Có một lần An không tự bưng được chén cơm, phải đặt xuống nền nhà rồi cúi gồng mình xúc cơm ăn. Bà ngoại An xót quá định xúc cơm cho An nhưng cha mẹ ngăn lại để An tự làm. Sau bữa đó, cha An cưa cụt chân bàn, chân ghế, chân giường trong nhà để An có thể tự phục vụ, sinh hoạt như người bình thường. Cha An còn làm cây bóng rổ cao gần… 80 cm để em tập thể thao.

________________________________________

Lúc mới vào chủ nhiệm lớp, tôi lo cho An lắm, tôi nghĩ một cậu bé khuyết tật nặng như An sẽ khó hòa nhập. Nhưng tôi bất ngờ vì tính An rất hài hước, dễ hòa đồng. Đó là một cậu bé đáng yêu và thông minh. An học giỏi nhất lớp đó.

Cô giáo HUỆ SAN (trường Tiểu học Trường Tây D, tây Ninh)

   

HỒNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm