Cổ tích ở xóm Dốc Dù

1. Gọi là xóm, kỳ thực đó là những căn chòi lá buông nằm ven quốc lộ tây giáp núi và đường xe lửa, phía đông giáp biển. 20 năm trước, cả xóm nhìn mặt ra đường để mưu sinh. Con nít bán san hô, thanh niên đào cây cảnh, lên rừng đốt than và hái phong lan, còn đàn bà người làm thuê, người bán hàng cho cánh xe tải dường dài. Những người đàn bà ấy dựng tạm mái chòi, sắp ra một cái bàn nhỏ bán kẹo, bán nước, đêm về thêm mấy chai bia và hột vịt lộn.

Có nhiều người trong số họ tưởng khô héo theo từng ngọn gió, có ngày những khát khao như than nóng ủ trong đám tro tàn ấy cháy bùng. Nhiều đứa trẻ ra đời mà không có cha, họ lầm lũi nuôi con và mỗi ngày đêm hướng ra phía mặt đường… Cái nghèo và sự bế tắc khiến nhiều người trong số họ tặc lưỡi, thành nghề. Xe tải ghé tấp nập hơn và những đứa trẻ không cha ra đời ngày một nhiều hơn như những hạt cỏ gió thổi đi gieo nơi này nơi kia.

2. Đầu hè 1995, cuối Dốc Dù có một căn chòi mọc lên bên mép biển. Vợ chồng bà Năm Tốt, hai ông bà già hưu trí ở Phan Rang vào đây dựng lên một mái nhà nhỏ. Mỗi ngày họ tỉ mẩn trồng những cây dương và chăm tưới. Giữa vùng đất cằn ven biển mấy tháng sau mọc lên một khoảnh rừng dương liễu chắn gió cho căn chòi ngay khúc quanh bờ biển. Họ cất một quán cơm, quán bà Năm nhanh chóng trở thành nơi dừng chân của khách đường xa và dân phượt. Rồi bà Năm tìm đất nuôi tôm. Cần mẫn và chịu học hỏi nên trời thương, năm nào cũng có lãi.

Quán vừa ổn định thì bà Năm đi đến xóm Dốc Dù, ghé đến từng nhà, hỏi thăm rồi nói với mẹ bọn nhóc: Bay coi cho tụi nhỏ đi học chớ để dốt tội nghiệp. Chị em phân bua trường xa quá mà nhà nghèo không có tiền đóng, không biết phải làm sao. Bà nói khó quá thì nói tụi nhỏ qua tao, tao dạy cho biết chữ.

Bà đi mua tập vở, bảng đen và sách rồi về gom được đâu chục đứa con nít, dạy chữ cho chúng. Nhưng bà thầm lo: Tuổi cao rồi, không chừng một ngày dạy hai ngày đau ốm thì lại để tụi nó bơ vơ. Cuối tuần đó bà Năm đi Phan Rang, khi quay về, đi theo bà là một cô gái trẻ. Bà nói với tụi nhóc: Đây là cô giáo Oanh, từ nay cô sẽ dạy tụi con! Oanh trẻ măng, học xong cao đẳng sư phạm xin mãi chưa có việc làm. Bà Năm nói về làm cho bà, bà trả lương ngang lương nhà nước, bao ăn ở sinh hoạt và đóng cả bảo hiểm xã hội, chỗ lương dành làm vốn.

Có cô giáo, tụi trẻ càng ham học. Chị Bảy, một người mẹ, kể: “Nhỏ lớn tui chỉ nghe hai đứa nhỏ chửi thề. Cái bữa nó ở nhà bà ngoại Năm về, nó vòng tay thưa má con đi học về, tui mừng tui khóc! Ơn bà ngoại Năm kể không hết!”.

Nhưng rồi tụi nhỏ học hết lớp 1, những đứa khác lại xin vào. Bà Năm lụi cụi đi gặp lãnh đạo xã, huyện xin đất dựng trường. Huyện cấp đất bên mép biển. Một phòng học mới ra đời. Sáng chia đôi cho lớp 1 và lớp 2, chiều dạy lớp 4.

Nhiều đứa nhỏ nói muốn đi học nhưng nhà con ở đầu dốc, nhà bà Năm cuối dốc, cách xa bảy, tám cây số sao đi nổi? Bà Năm đi gặp các chủ xe đò chạy tuyến Phan Rang-Phan Rí, tất cả gật đầu cái rụp khi bà nói cho tụi nhỏ đi nhờ xe. Bà may cho mỗi đứa hai bộ đồng phục có dấu hiệu riêng, xe chạy ngang thấy tụi nhóc ngoắc tay là dừng lại. Dân Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân xuýt xoa: Học miễn phí mà đi học được ngồi ô tô thì chỉ có mấy đứa học trò trường bà ngoại Năm.

Bà Năm Tốt và những đứa học trò Dốc Dù. Ảnh: VIỄN SỰ


Ông Năm Tốt bên một con đập dẫn nước từ Sình Bà Bão về. Ảnh: VIỄN SỰ

Rồi Oanh nghỉ dạy vì hoàn cảnh riêng, bà Năm lại đi tìm được một cậu thanh niên người Chăm vừa đỗ tú tài về dạy cho tụi nhỏ, rồi thêm cô giáo Phụng. Rồi bà lên huyện: Tụi nhỏ sắp hết cấp I rồi, giờ hông lẽ để nó dốt, tụi nó còn muốn học nữa. Phòng giáo dục cử người về ra đề thi, tụi con nít học trường bà ngoại Năm đều lên lớp.

Lứa học trò đầu tiên vào cấp II, với xóm Dốc Dù là một giấc mơ vĩ đại thành hiện thực. Nhiều người từng nuốt nước mắt vào trong vì sợ cái dốt đeo đẳng con mình, nay khóc khi ngày đầu tiên nhìn tụi nhỏ xúng xính đồng phục đến trường. Ngày tụi nhỏ vào lớp 6, bà ngoại Năm cho sách, tập, đóng học phí, cho gạo và còn cho cả tiền. Nói cho ngay, mấy tháng hè sợ chúng nó lêu lổng sinh hư, bà bắt đến trường ôn bài, cho ăn cơm, rồi phụ bán quán và trả lương đàng hoàng, tới cuối hè đem tiền tới cho cha mẹ nó. Nhận đồng tiền do con mình làm ra bằng những ngày hè vừa học vừa làm, những bà mẹ đơn thân xóm Dốc Dù thêm lần nữa khóc.

3. Có vốn, vợ chồng bà Năm lại lo chuyện khác: Bà con ở đây đã nghèo mà tiền mua nước mỗi ngày gần bằng tiền đong gạo. Đất đây không có mạch ngầm, chỗ có thì trên là đá sỏi, dưới là nước mặn không đào giếng được. Bàn với chồng, ông Năm Tốt nhớ ra: Mình à, hồi xưa tui đi kháng chiến, căn cứ đóng bên kia núi, cách cỡ… 10 cây số. Bộ đội mình phát hiện ra trên núi ở độ cao 500 m có một cái hồ nước thiên nhiên cả ngàn khối gọi là Sình Bà Bão. Tui sẽ đưa nước về.

Nói chuyện này ra, dân đi rừng ai cũng nói ông già điên hay lẩn thẩn. Để tới Sình Bà Bão, thanh niên luồn rừng cũng mất một ngày, ông già có khùng hay không đòi dẫn nước từ rừng về biển?

Trong 10 năm, ông Năm Tốt đã 50 lần luồn rừng tìm đến Sình Bà Bão, ngủ lại và hôm sau tìm đường khác trở về. 50 lần khảo sát ấy giúp ông mường tượng ra con đường dẫn nước nhờ lợi dụng địa thế. Ông nhờ một người bạn kỹ sư thủy lợi giúp mình về kỹ thuật. Họ thiết kế… 12 con đập trữ nước thành từng bậc thang băng rừng xuống núi. Con đập lớn nhất dài đến hơn 30 m, vai đập hình thang rộng 6 m và cao gần 5 m. Tất cả xây bằng đá.

Ở một vùng đất cao, ông xây một bể chứa và đường ống dẫn nước đến từng nhà. Năm 2009, ông Năm Tốt làm xong công trình đưa nước về thôn Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Năm 2011, công trình đưa nước về xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) cũng hoàn thành. Tổng cộng 12 con đập và hơn 20 km đường ống dẫn nước lẫn bể chứa, ông bà đã đầu tư đến 7 tỉ đồng tích lũy được trong mười mấy năm trời nuôi tôm sú và kinh doanh nhà hàng.

Mấy trăm hộ dân mừng khôn tả. Nếu trước đây ngày ngày họ phải đi nhiều cây số để chở 40 lít nước bằng đôi thùng bên xe đạp, chỉ đủ để ăn uống còn tắm nhờ nước đọng và nước lợ thì giờ 700 gia đình có nước ngọt mát lành từ đỉnh núi. Họ không còn phải mua với giá 20.000-30.000 đồng/m3 khi khan hiếm nước. Vợ chồng ông bà Năm Tốt cho bà con sử dụng miễn phí trong hai năm đầu, sau đó thu tiền nhưng với giá rất phải chăng: 5.000 đồng/m3 đối với các hộ gia đình, 7.000 đồng/m3 đối với các hộ kinh doanh.

4.Câu chuyện kéo dài từ 19 năm trước. Lũ trẻ học bà Năm nay nhiều đứa đã ra đời, có nghề nghiệp, việc làm. Sự thất học ở Dốc Dù đã chấm dứt. Chị em người buôn bán nhỏ, người làm công nhân. Những bà mẹ đơn thân ngày nào giờ đã có người thành bà ngoại, bà nội ầu ơ ru cháu. Giấc ngủ đã thôi lam lũ, nhọc nhằn. Hàng trăm đứa trẻ, hàng trăm gia đình đã có một diện mạo khác, không phải chỉ để sống lầm lụi với nhau trong tủi nhọc mà để vươn ra với cuộc đời.

Nhiều năm nay, tôi đã thấy những đứa trẻ Dốc Dù lớn lên, đã thấy những cay đắng trên mặt những người đàn bà Dốc Dù dần phai dù có già theo tuổi tác.

Trước tết rồi về quê, ghé thăm ông bạn già của cha tôi ở Phan Rang, ông kể chuyện ngày xưa hoạn nạn được vợ chồng bà Năm giúp nên thoát khỏi vụ oan khiên. Bởi bà Năm khi ấy là chánh án thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, còn chồng bà công tác ở Ban Kinh tế Tỉnh ủy Ninh Thuận. Càng nghe, chắp nối với ký ức 20 năm của Dốc Dù càng thấy đôi vợ chồng già ấy thật… vĩ đại.

28 tết, tôi rời quê trở lại Sài Gòn, như mọi khi lại dừng quán bà Năm. Nó là quán Biển Vĩnh Hảo nhưng tôi thích gọi quán cô Năm hơn, để ăn sáng. Anh quản lý chạy ra. Tôi hỏi thăm bà Năm. Anh nói dạ cô Năm Tốt của con mất hôm kia rồi, sáng nay chôn, quán nghỉ bán.

Bà Năm Tốt đã sống cuộc đời hơn cả cái tên mình. Nếu ở cuộc đời này có cổ tích thì sự đổi thay của Dốc Dù chính là cổ tích. Tôi nghĩ thế!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm