Có quản nổi lao động giúp việc nhà?

Người giúp việc được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục/mỗi tuần; mỗi năm được nghỉ 12 ngày làm việc hưởng nguyên lương nếu người giúp việc có đủ 12 tháng làm việc.

Trong ngày nghỉ hằng tuần, người giúp việc làm thêm được hưởng ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo ngày làm việc. Làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết thì mức lương bằng ít nhất 300% tiền lương tính theo ngày làm việc. Nếu không bố trí cho người lao động nghỉ hằng tuần được thì chủ nhà phải có trách nhiệm bảo đảm cho người giúp việc được nghỉ bình quân ít nhất bốn ngày/tháng và phải trả lương làm thêm giờ như đã nói trên.

Nhiều người băn khoăn trước việc Thông tư 19 vừa ban hành ngày 15-8 hướng dẫn Nghị định 27/2014 về quản lý lao động là người giúp việc đề ra một số “ràng buộc” như trên.

Dội với quy định mới

Nhiều người giúp việc cho rằng họ khó thích nghi với quy định của pháp luật về việc này. Chị Phùng Thị Cẩm, một người giúp việc, cho rằng chuyện quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc chỉ nên  thỏa thuận miệng. Chị quan niệm: “Trong quá trình làm việc, đôi bên có gì không vừa lòng nhau thì cứ nói ra để cùng bàn bạc rồi thay đổi chứ ký hợp đồng giấy trắng mực đen rồi thì cứng nhắc lắm. Vào những ngày lễ mà họ cần mình giúp thì trả công cho mình bằng nhiều hình thức, có khi là biếu quà, khi thì họ cấp thêm chi phí để đi lại về thăm nhà chứ khó mà đòi phải trả gấp ba như luật được, kỳ lắm. Chủ yếu là tình cảm giữa đôi bên thôi”.

Tuyển lao động tại hội chợ việc làm cho phụ nữ ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Ngược lại, cũng có người giúp việc muốn giấy trắng mực đen rõ ràng hết mọi chuyện. Chị Mai Thanh Huyền, giúp việc cho một gia đình ở quận 9, chia sẻ: “Tôi từng làm việc cho một chủ nhà mà cả hai bên không làm hợp đồng lao động. Việc không có hợp đồng thật sự cũng có nhiều khó khăn cho mình. Có những trường hợp vì hai bên không quy định rõ ràng nên đến khi có chuyện lại không có cơ sở để trao đổi. Tôi cũng vì xích mích với chủ nhà mà nghỉ việc. Vào một số ngày lễ, do có việc nên người ta nhờ mình làm thêm, do không thỏa thuận được mức lương trả thêm vào những ngày đó nên cả hai bên cũng có tranh cãi. Tôi thì cũng không rõ về quy định này nọ, người ta thì cũng không sòng phẳng nên hai bên không vừa lòng nhau”.

Bà Hoàng Thủy Thư (Tân Bình) từng thuê nhiều người giúp việc thì băn khoăn: “Nhà tôi ngày nào cũng cần người giúp việc. Chúng tôi thỏa thuận với nhau khi nào người giúp việc có việc nhà riêng thì nghỉ, thỉnh thoảng cũng đưa người ta đi chơi cho thư giãn. Nếu mà tính tiền làm thêm giờ kiểu đó thì không lẽ tôi phải thuê hai người giúp việc để thay thế nhau lúc họ nghỉ?”. Theo bà Thư, khi Nghị định 27/2014 về quản lý lao động là người giúp việc có hiệu lực ra đời, bà đã thấy mọi chuyện hợp đồng, trả tiền làm thêm giờ, bồi thường thiệt hại nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật… là phức tạp quá. Nếu không làm đúng luật thì về lâu dài có thể bị xử phạt vi phạm hành  chính. Bà cho biết từ tháng 5-2014, khi quy định này có hiệu lực, bà đã cho người giúp việc đã làm cho bà ba năm nay nghỉ việc. Thay vào đó là bà thuê người giúp việc theo giờ, bởi những quy định này không áp dụng với lao động khoán việc (chẳng hạn như người giúp việc theo giờ). Bà Thư cho biết những người bạn của bà cũng đang chuyển đổi bằng cách thuê người giúp việc theo giờ giống như bà.

Thêm việc cho phường, xã

Từ ngày 5-10 tới đây (ngày Thông tư 19 có hiệu lực thi hành), chủ nhà khi thuê người giúp việc phải gửi thông báo cho chính quyền xã, phường trong vòng 10 ngày sau khi ký hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với người giúp việc (trừ khi thuê lao động khoán việc). Theo nhiều chuyên gia lao động, quy định này sẽ thêm việc cho chủ nhà và cán bộ cấp phường, xã.

Hầu hết các phường trên địa bàn TP.HCM cho biết đang khảo sát, thống kê số lượng lao động là người giúp việc. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1, hiện phường chưa nắm Thông tư 19. Hiện nay lao động là người giúp việc ở phường có khoảng 20 đến 25 người, làm theo giờ và phần nhiều là thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng lao động. “Phường có làm công tác khảo sát trên địa bàn để thống kê các hộ có người giúp việc cũng như xem người giúp việc có bị ức hiếp không. Tuy nhiên, công tác quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc cập nhật vì thường người giúp việc làm không cố định, nay làm mai nghỉ” - bà Lệ nói.

Ông Trần Hữu Cảnh, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Gò Vấp, cho biết sắp tới công việc của cán bộ LĐ-TB&XH sẽ rất nhiều việc. Tuy nhiên, đây là chủ trương đúng đắn nên địa phương sẽ thực hiện nghiêm túc. Phường cũng đang chuẩn bị bố trí hai cán bộ phụ trách riêng về vấn đề này.

Tại phường 15, quận Bình Thạnh, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết hiện chỉ có một cán bộ phụ trách mảng LĐ-TB&XH nên sắp tới công việc sẽ rất nhiều. Để giảm áp lực cho cán bộ phụ trách thì người lao động cũng như người sử dụng lao động phải nắm rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình, chấp hành thông báo kê khai đúng quy định.

LÊ THOA - THANH TUYỀN

Xu hướng giúp việc theo giờ sẽ tăng

Những quy định mới về lao động là người giúp việc nhằm định hướng cho nghề giúp việc đi vào chuyên nghiệp, được trọng vọng, không bị ai coi thường. Với những lao động là người giúp việc cho người nước ngoài với thu nhập cao thì quy định này hoàn toàn phù hợp. Còn với các gia đình là người có thu nhập bậc trung ở đô thị, tôi e là cả phía chủ nhà và người giúp việc chưa thích nghi liền với quy định này được. Quy định mới này sẽ là một áp lực cho những gia đình trung lưu ở đô thị (thường làm việc trong khu vực hành chính). Họ sẽ không kham nổi, sẽ có một số gia đình cắt bớt khoản thuê người giúp việc nhà mà để họ tự làm hoặc thuê người giúp việc theo giờ. Chính chỗ này sẽ thúc đẩy việc cho ra đời những đơn vị cho thuê người giúp việc gia đình, hình thành những nhóm làm việc theo giờ. Đây là một xu hướng phát triển tất yếu ở đô thị. Xu hướng này dành cho xã hội hiện đại, thượng tôn pháp luật. Cứ để luật vận hành rồi các cơ quan chức năng theo dõi, điều chỉnh từng bước để luật sát với thực tiễn cuộc sống.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố

Người giúp việc phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa gồm: 20,2% bị mắng chửi; 16% gặp nguy cơ bị lạm dụng tình dục; 2,4% bị đánh đập/tát, đẩy ngã; 1,8% bị giữ lương; 2% không được cho về thăm nhà… 

(Nguồn: Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế )

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm