Chuyện về họa sĩ dị nhân tên Bứa

Nghệ danh rất đẹp là họa sĩ Hoàng Như Thủy An nhưng ông tên thật là Hoàng Như Bứa. Cái tên Bứa luôn cô đơn giữa đám đông. Bứa nhiều lần muốn đi tu. Hễ cứ thấy chênh vênh, thất hẫng, buồn tủi là Bứa nghĩ đến nhà thờ, nhà chùa. Nhưng đi tu thì không còn được mơ mộng và vẽ tranh, vậy nên hành trình đi tu của Bứa “dở dang” hoài.

Hồn nhiên như trẻ thơ

Bứa cho rằng cuộc đời mọi thứ đều phải đẹp, trong sáng, chân thật. Bứa tin cái xấu, cái ác, cái dối gian không thể tồn tại được trên đời. Bứa rất dễ vui và cũng rất dễ buồn. Một kẻ to xác, nhiều tuổi trong thân hồn đứa trẻ. Hở cái là Bứa khóc, bất cứ lúc nào, sụt sùi, tức nước mắt thành dòng hẳn hoi và kéo dài. Bứa nhạy cảm, thơ ngây, mong manh. Một Bứa với thời nào cũng… lạc.

Cứ thấy phụ nữ nào đẹp là Bứa rung động. Tự yêu thôi chứ chẳng bao giờ đụng vào họ, làm tổn thương họ. Bứa cao to điển trai, lãng tử, vẽ tranh tài hoa nên xưa giờ cô gái nào cũng thích, muốn giao du nhưng chả ai chọn để gắn bó. Rồi thì cũng có một phụ nữ thấy Bứa đẹp mã nên lấy. Được hai năm, khi đứa con của hai người chưa đầy một tuổi, người phụ nữ kia bỏ Bứa đi theo người đàn ông khác. Mẹ Bứa ở Huế thương thằng cháu quá, lên đưa về chăm, rồi đến lượt chị của Bứa ở Quy Nhơn ra tay rước cháu vô nuôi.

Thằng bé con rồi cũng thành thiếu niên, được đưa quay lại Đà Lạt sống với bố. Hai cha con lây lất từng năm và tóc Bứa cũng bạc dần. Rồi thằng Văn cũng bước vào tuổi lấy vợ, có con. Có cháu nội rồi mà Bứa vẫn còn làm nũng với con trai và với bè bạn. Tôi là thằng giang hồ, chả máu mủ hay nợ nần gì với Bứa, chỉ là lâu không ghé thăm, vậy nhưng gặp tôi giữa đường, Bứa chặn lại giận lẫy: “…Tao giờ chả cần thằng nào là bạn nữa!”. Thằng Văn chững chạc, tóc tai gọn gàng trong khi cha nó hết thả dài đến lưng quần lại cạo trọc, rồi chơi đầu đinh. Cứ nhìn Bứa bước ra khỏi nhà mà trước ngực còn đeo cái túi dây bé con hình quả dâu tây chín đỏ như bọn trẻ trường mầm non thì mường tượng được “bản thể của ngài”.

 

Họa sĩ Bứa bên bức tranh vẽ bằng tay trái.  Ảnh: NGUYỄN HÀNG TÌNH

Năn nỉ… kẻ trộm.  Ảnh: NGUYỄN HÀNG TÌNH

Bứa vẽ bằng cánh tay trái còn lại.  Ảnh: NGUYỄN HÀNG TÌNH

Gửi mộng vào tranh

Bứa vụng về mọi chuyện đời. Tranh thì đẹp mà ngoại giao trên mây thế thì làm quái gì thiết lập được quan hệ để người ta biết đến tranh mình mà bán. Trong các căn phòng trọ cũng là xưởng vẽ đó, Bứa nhìn tranh và tranh nhìn Bứa.

Tranh của Bứa y chang con người Bứa. Nó tinh khiết, trong vắt từ màu sắc, đường nét đến chủ đề. Trong số ấy có bức hình một anh nhà thơ gầy gò hiện ra bằng một hóa thân giữa con người với một loài thú mộng lành, vác một cành lá xanh bé tẹo đi giữa sắc cam vàng. Khi Bứa bán bức tranh này cho một nhà sưu tập ở Hong Kong, họa sĩ Hồ Hữu Thủ ở Sài Gòn lúc này có mặt, đã nói với Bứa: “Ông bán cái chân dung ông rồi!”.

 Từ khi đi dạy học Bứa đã vẽ. Vẽ màu nước thì ít tốn tiền. Chuyển sang sơn dầu, với nhiều người là bình thường nhưng với Bứa vật liệu này là đắt đỏ quá sức. Bứa từng ngồi chực trước một ngân hàng ở trung tâm Đà Lạt để hy vọng gặp được lãnh đạo ngân hàng xin vay 500.000 đồng để về Sài Gòn mua sơn dầu. Cho đến khi gặp được họ, họ bảo phải thế chấp. Bứa vô sản thì “thế” bằng cái gì? Hai năm sau, một ông quan chức biết Bứa từ hồi cùng xuống đường phản đối chế độ Nguyễn Văn Thiệu nên đứng ra bảo lãnh cho Bứa vay. Bứa về Sài Gòn, mua được sơn dầu.

Bứa vẽ chuyên nghiệp, tranh lạ, đẹp, giá trị cao, là một trong ba họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật Đà Lạt đương đại (cùng họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn và Nguyễn Minh Thành) nhưng xứ này mấy ai mua tranh treo đâu. Có giai đoạn Bứa phải mang tranh bán cho hãng bia hơi địa phương, cho bưu điện và đậm nhất là gá nợ cho một tay kinh doanh tranh thêu ở Đà Lạt. Thiên hạ mua ép giá tranh Bứa. Trong cuộc lê thê quẫy đạp giữa mơ mộng và áo cơm, Bứa vẫn miệt mài dành dụm làm năm cuộc triển lãm riêng ở Đà Lạt và hai cuộc chung ở Sài Gòn tại Gallery Tự Do và Không Gian Xanh.

Vẽ với cánh tay còn lại

Một chiều cận Tết năm 2012, Bứa lang thang quanh hồ Xuân Hương. Đột nhiên người khụy xuống. Người ta đưa Bứa đến bệnh viện. Ba tháng chuyển qua ba nhà thương, Bứa xuất viện với nửa người bên phải không còn cử động được, như chim bị xệ cánh. Cái tay phải Bứa cầm cọ coi như “xong”, hết tác dụng. Bứa đau khổ. Không được vẽ với Bứa là sự đau khổ còn hơn bị vợ bỏ hay cơn nghèo khó triền miên. Một năm rưỡi cố tập nhưng vẫn không phục hồi được cánh tay phải, còn chân thì lết cà nhắc từng chút. Bứa khóc, hằng ngày trong xưởng vẽ, Bứa ngồi nhìn đống sơn dầu dưới sàn kia như mèo nhìn mỡ để tủ kính; nhìn giá vẽ như nhìn thiên đường đã mất. Tôi nhìn Bứa, thương đến chết lặng. Những lúc ấy, tôi thà đi quanh xưởng vẽ của Bứa, nhìn vào sự hoang tàn, đổ nát còn hơn nhìn Bứa. Khi liệt mất cánh tay thuận, chính sự cô độc và cái nghèo tận đáy đã đẩy Bứa trỗi dậy. Vậy là Bứa bắt cái tay còn lại phải hoạt động mỹ thuật. Bứa khởi động lại từ đầu nghề hội họa. Những nét vẽ nhọc nhằn, xót xa. Mất thêm nửa năm để “đào tạo” cho tay trái nhuần. Cánh tay ấy quá nghịch nên Bứa vẽ chậm, kỹ, chăm chút hơn cánh tay thuận. Những bức tranh bằng cánh tay trái ra đời. Quái lạ là tranh còn đẹp hơn trước kia. Hai năm qua, Bứa đã vẽ 33 bức bằng cánh tay tội nghiệp đó. Ngoài tôi ra, không ai biết Bứa đã làm nên điều kỳ diệu này. Cuối năm 2016, những người trong giới mới giật mình khi thấy Bứa đưa số tranh này ra triển lãm ở Trung tâm Hòa Bình. Mọi người thấy Bứa tái sinh. Có kẻ tinh khôn còn dụ Bứa đưa số tranh này vào treo suốt sáu tháng ở điểm du lịch của mình để bán vé cho du khách vào xem và… khoe về tình trạng bại liệt của tác giả, đổi lại họ cho Bứa ít tiền để sống, trước khi Bứa mở triển lãm công khai (?).

“Chú nghèo lắm, đừng lấy cắp”

Bứa đã có 43 năm đến Đà Lạt. Căn nhà Bứa đang ở nhờ trước cửa để hàng chữ như năn nỉ bọn thanh niên hư hỏng: “Chú làm thơ nghèo khổ, đừng lấy cắp của chú. Cần gì chú giúp. Ký tên: Chú Bứa”. Đã nghèo, lại nghệ sĩ tính quá cỡ nữa, sá chi mặc cảm. Bứa từng dám ở cả hốc cầu thang ở một trường trung học mà mình đang làm giáo viên kia mà, mặc cho đồng nghiệp và học trò hằng ngày bước lên xuống cầu thang.

Bứa là họa sĩ nổi tiếng nhưng không xuất thân từ trường mỹ thuật. Bứa nổi tiếng đi dạy không bao giờ có giáo trình. Không biết cái tên Bứa làm học trò dễ nhớ hay vì kiểu dạy lạ lùng mà giờ gặp những người từng học Bứa, họ đều khen và tự hào về người thầy Bứa. Có người còn bảo ngày đó chỉ có thầy Bứa là hay tranh thủ xúi học trò đi biểu tình chống Nguyễn Văn Thiệu.

Mỗi khi Bứa vẽ, nếu không mở nhạc Kitaro thì cũng phải Trịnh Công Sơn, chứ không thì Bứa vẽ không được. Đôi lần tôi lén thử tắt nhạc thì y như rằng Bứa buông cọ ngay.

Sau 48 năm rời xa quê nghèo làng Thủy An, vùng Cầu Hai nước lợ dưới chân núi Bạch Mã của xứ Thừa Thiên, kết quả đời Bứa không có gì ngoài mấy bức tranh kia. Nếu Bứa ham tiến thân thì biết đâu sự cống hiến cho giáo dục cùng thành tích “xuống đường” kia đã đưa Bứa thành cán bộ hay quan chức. Bứa bỏ đời công chức để tìm cuộc đời tự do bên mỹ thuật từ 29 năm trước.

 Dưới từng bức tranh của mình, Bứa ký nghệ danh là Hoàng Như Thủy An - tên làng quê xứ cũ. Thế mà ai cũng gọi chào là “anh Bứa”. Hình như cái âm thanh “Bứa” đã dễ thương, réo rắt nghệ thuật rồi, từ cái tên thật Hoàng Như Bứa.

Ngày 28-12-2016, Bứa - tức họa sĩ Hoàng Như Thủy An mở cuộc triển lãm số tranh 33 bức, vẽ bằng cánh tay trái còn lại của mình tại nhà triển lãm Trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Triển lãm kéo dài đến ngày 10-1-2017.

Sinh năm 1948 tại Huế, tốt nghiệp ngành canh nông sau khi học Trường CĐ Sư phạm Nông Lâm Súc Sài Gòn, Bứa vào đời bằng nghề dạy toán và văn chương ở Tùng Nghĩa, Đơn Dương, Đà Lạt (Lâm Đồng) từ trước 1975 đến sau này.

Ông là người vẽ bìa và thiết kế ba số đầu tiên tạp chí Lang Bian của Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng khi hội mới thành lập năm 1987.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…