Chuyện người thương binh “không chế độ”

Vết hõm giữa trán - dấu tích lần bị thương hở hộp sọ thời còn trong quân ngũ, càng làm gương mặt ông Quang khắc khổ.

Thực ra, giấy tờ trong hồ sơ của ông đã gần đủ, chỉ cần giấy xác nhận của thủ trưởng cũ về hoàn cảnh bị thương của ông nữa là có thể được xem xét. Tuy vậy, do không đủ tiền đi tìm người thủ trưởng cũ, ông Quang đành xếp hồ sơ lại, ngày ngày vật lộn với cuộc mưu sinh.

Bị thương vẫn xin quay lại chiến trường

Tháng 10-1978, Quang xin nhập ngũ đi bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đầu năm 1979, Quang được biên chế về Tiểu đoàn 47 (thuộc Quân khu 7) rồi được đưa sang Campuchia chiến đấu ở các chiến trường Svay Rieng, Kompong Cham, Siem Reap. Một thời gian sau, Quang được rút về nước để đi học lớp hạ sĩ quan ở Trường Đào tạo cán bộ cơ sở (ở Bà Rịa-Vũng Tàu).

Học xong khóa học kéo dài bảy tháng, Quang được thăng cấp bậc trung sĩ, giữ chức vụ tiểu đội trưởng và được điều động đến một số điểm để huấn luyện tân binh. Sau một chuyến huấn luyện diễn tập kéo dài một tháng ở Bà Rịa, Quang nhận lệnh về đơn vị tiếp tục sang Campuchia chiến đấu. Trên đường về tới Củ Chi, xe quân sự của tiểu đoàn bị lật, hơn 20 người trên xe bị thương. Riêng Quang bị thương nặng, được đưa vào quân y viện với tình trạng chấn thương cột sống và hở hộp sọ. Mặc dù tình trạng thương tật như vậy nhưng Quang chỉ nằm vài ngày rồi lại xin theo đơn vị qua Campuchia tiếp tục chiến đấu.

 
Ông Quang nấu hủ tíu ở căn-tin mỗi buổi sáng. Ảnh: HỒNG MINH

Người thương binh hồi tưởng lại: “Lúc đó tôi mới 19 tuổi, chỉ muốn được chiến đấu tiếp. Hồi đó, nhiều gia đình người anh vừa hy sinh, em trai mới 16, 17 tuổi lại xin nhập ngũ”.

Nhưng do sức khỏe không tốt nên qua Campuchia được một thời gian, Quang thường xuyên phải điều trị vết thương ở BV Quân y 7E đóng ở Siem Reap. Trong thời gian này, gia đình không nhận được thư từ liên lạc của Quang, lại nghe tin Quang bị thương nặng rồi hy sinh nên người nhà đã khóc hết nước mắt và lập bàn thờ.

Đến tháng 10-1982, Quang được cấp trên ký quyết định cho phục viên vì sức khỏe giảm sút 31%.

Những biến cố và mất mát

Được phục viên trở về địa phương với nhiều thương tật trên người, Quang được một cô gái đem lòng yêu thương. Cả hai đến với nhau trong khó khăn chồng chất. Quang lang bạt khắp nơi, làm đủ mọi nghề để lo cho vợ con. Vợ Quang là một cô gái chăm chỉ, tảo tần nhưng sau khi sinh con gái đầu lòng (năm 1987) thì đau ốm triền miên. Hai vợ chồng Quang không có nhà ở, phải đi ở nhờ trên đất của xí nghiệp gạch ngói rồi về ở nhờ nhà em gái.

Một hôm, Quang đi làm về, gọi hoài không thấy vợ ra mở cửa. Quang bước vào phòng, thấy vợ đã cứng đờ, tắt thở do bị cảm gió. Con gái lớn mới hơn ba tuổi, con gái út bốn tháng tuổi khóc ngằn ngặt. Quang cũng chết lặng.

Nhưng Quang vẫn phải gượng dậy để nuôi con. Quang gửi con cho vợ chồng em gái giữ giúp rồi đi làm mướn khắp nơi, xuống tận TP.HCM đi phụ hồ cho người ta. Sau đó cha Quang và mẹ kế đón hai cô bé về đùm bọc. Quang vẫn đi làm để kiếm tiền gửi về cho con.

Trong lúc khốn khó nhất, Quang nghĩ tới việc xin làm chế độ thương binh để bớt khó khăn phần nào. Quang mang hồ sơ xuất ngũ đến Phòng LĐ-TB&XH và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để nộp. Nhưng ngành chức năng cho biết hồ sơ còn thiếu giấy giám định y khoa. Giấy giám định ngày trước đã được quân y viện giao lại cho đơn vị là Tiểu đoàn 47 vào thời điểm làm hồ sơ xuất ngũ cho Quang. Nghe vậy, Quang lên Quân khu 7 xin lại giấy chứng nhận y khoa thì được biết đã thất lạc. Tuy vậy, nếu có giấy xác nhận của đại đội trưởng về trường hợp bị thương của Quang thì vẫn có thể xem xét. Nhưng thủ trưởng cũ của Quang đã về hưu rất lâu, đơn vị cũ cũng không có thông tin gì về đồng chí này để giúp Quang. Quang chỉ nhớ tên đồng chí này là Tiềm, dường như là Nguyễn Xuân Tiềm.

Mãi đến năm 2013, lúc này ông Quang đã 53 tuổi, ông mới có cơ duyên gặp lại hai đồng đội cũ, họ đã cùng viết giấy xác nhận hoàn cảnh bị thương của ông. Nhưng ông không còn đủ sức theo đuổi việc làm hồ sơ nữa.

Ông Quang thổ lộ: “Tôi bị đau cột sống nhiều năm nay, không đủ sức đi nhiều nơi để hoàn tất thủ tục nữa. Mà đi lại, rồi giám định y khoa cũng tốn kém lắm...”.

Cả một đời đi làm mướn nhưng ông Quang không kiếm đủ tiền mua một miếng đất nhỏ để làm nhà. Đến nay, đã bước vào tuổi xế chiều, ông Quang vẫn đi ở đậu và làm mướn.

Quãng đời còn lại...

Điều làm ông Quang dằn vặt nhất là: “Tôi đã không ở gần gũi, chăm sóc hai đứa con gái tử tế, không làm tròn chức phận của người cha”.

Hai con gái của ông Quang đã đi lấy chồng ở xa và cũng ít liên lạc. Bà Cẩm Thúy (em gái ông Quang) nói trong nước mắt: “Anh Quang khổ tâm lắm. Hai con gái không ở gần nên cũng không hiểu được ảnh nhiều, đôi lúc trách ảnh không ở gần con mà cứ lang bạt khắp nơi”.

Có một người tốt bụng giới thiệu ông Quang vào ở trong một cơ sở từ thiện. Ở đó, ông được bảo đảm về điều kiện ăn ở, chăm sóc sức khỏe, chỉ làm việc nhẹ nhàng tùy vào sức khỏe của mình nhưng ông Quang đã từ chối sau khi suy nghĩ kỹ: “Tôi làm vậy, lỡ bên nhà chồng khinh khi con mình, tội nghiệp nó. Tôi vẫn làm việc túc tắc được mà”.

Hiện nay ông Quang được thuê giúp việc, bán hàng trong căn-tin Trường Tiểu học thị trấn Châu Thành và được ở lại đó. Đây là công việc nhẹ nhàng và có chỗ ở tốt nhất cho ông trong suốt chặng đường đời mấy chục năm qua.

Ngoài thời gian bán ở căn-tin, ông Quang đi lượm ve chai để dành bán. Số tiền nhỏ nhoi dành dụm được ông để phòng khi đau ốm. Ông bày tỏ: “Lúc xuất ngũ, tôi cũng không nghĩ tới việc đi làm thủ tục, giấy tờ để được hưởng chế độ. Nhưng cuộc đời tôi gặp nhiều biến cố quá, giờ cũng chỉ ở một mình. Giá như được Nhà nước cho hưởng chế độ thương binh, tôi đỡ cực một chút. Khi già yếu, bệnh tật, tôi sợ nhất là làm phiền tới người khác”.

Khi cống hiến sức mình cho đất nước, có lẽ chẳng có người lính nào nghĩ tới việc lưu giữ giấy tờ để được hưởng chế độ sau này. Hy vọng rằng Thông tư liên tịch số 28 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng về hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ sẽ giúp mở ra hướng giải quyết thấu đáo, hợp lý hợp tình cho ông Quang và rất nhiều thương binh khác bị thất lạc giấy tờ đã phải chịu thiệt thòi suốt mấy chục năm qua.

NGUYỄN HOÀNG

Xem xét các giấy tờ của ông Quang do phóng viên mang tới, một cán bộ Ban Chính sách của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Trước năm 2013, trường hợp của ông Quang đúng là không thể làm chế độ được vì thiếu giấy tờ. Nhưng theo Thông tư liên tịch số 28 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ thì những trường hợp như ông Quang có thể được xem xét giải quyết. Thông tư này triển khai xuống đơn vị mới đây thôi. Nếu ông Quang mang hồ sơ đến, chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể cho ông ấy”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm