Chủ ‘thế giới ảo’ bảo vệ người Hồi giáo

Chỉ ít phút sau khi truyền thông Mỹ bắt đầu đăng tải thông tin về vụ xả súng ở bang California ngày 2-12 cho biết ít nhất một nghi phạm có cái tên nghe giống người Hồi giáo, trang tìm kiếm của Google ghi nhận đã có một số lượng lớn người dân California tìm kiếm trên mạng các nội dung về “Hồi giáo”. Theo điều tra của tờ New York Times, trong danh sách cụm từ được tìm kiếm có từ khóa “Hồi giáo”, đứng đầu là cụm từ “giết chết người Hồi giáo”.

Bị săn lùng trên “thế giới ảo”

Trong suốt nhiều thập niên, Hồi giáo và các thánh đường của đức tin này luôn là cái gì đó bí ẩn, thu hút sự tò mò về văn hóa. Những câu hỏi như: “Nhà thờ Hồi giáo là gì? Người Hồi giáo đi nhà thờ khi nào?” luôn nằm trong tốp những câu hỏi thắc mắc của người Mỹ khi tra cứu trên mạng.

Nhưng kể từ sau vụ tấn công ở California, mối quan tâm lớn nhất của người Mỹ đã chuyển sang các tìm kiếm liên quan đến việc làm thế nào để đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo. Điều đáng kinh ngạc là chỉ vài phút sau vụ tấn công, số lượng các tìm kiếm đã đứng ở vị trí thứ 6 trong số các vấn đề người Mỹ quan tâm đến Hồi giáo. Rõ ràng đã có sự thay đổi trong cách tìm kiếm những vấn đề liên quan đến Hồi giáo và điều đó nói lên được sự quan tâm, cũng như thái độ của họ.

Người Mỹ cũng chịu tác động từ những sự kiện khủng bố bên ngoài. Nếu trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Paris, người Mỹ nhìn những người tị nạn Syria bằng con mắt tích cực thì sau vụ tấn công mọi chuyện lại thay đổi hoàn toàn. 80% người Mỹ bày tỏ sự phản đối và nhìn người tị nạn Syria bằng một ánh mắt nghi ngờ, tiêu cực thay cho con số 40% như trước.

Vụ tấn công ở California cũng là một cơ hội cho những ai biết tận dụng. Ông Donald Trump, người đang chạy đua cho vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tuyên bố Mỹ nên cấm tất cả người Hồi giáo vào nước này. Điều lạ là sau tuyên bố gây nhiều tranh cãi của ông Trump, tỉ lệ ủng hộ ông này lại tăng cao. Theo Reuters, 35% cử tri đảng Cộng hòa tiếp tục dành sự ủng hộ đối với D. Trump, vượt xa người đứng thứ hai là cựu BS Ben Carson (12%). Xếp vị trí tiếp theo là nghị sĩ Ted Cruz và cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush (cùng được 10%). Sự gia tăng về mức ủng hộ đối với Trump sau phản ứng đầy tính kỳ thị tôn giáo cho thấy một điều: Có một lượng rất lớn người Mỹ hiện nay có đồng quan điểm lo ngại người Hồi giáo như ông.

Phần lớn cử tri đảng Cộng hòa (64%) cho biết họ thấy không cần thiết quan tâm quá lớn tới phát biểu của D. Trump, mặc dù nhiều người thừa nhận rằng nó có thể ảnh hưởng tới cơ hội trở thành tổng thống của ứng viên này. “Ông ta chỉ nói ra cái mà người Mỹ đang thực sự lo sợ”- Donna Fee, 57 tuổi, cho biết. “Tôi ủng hộ Trump và đề xuất của ông ấy. Tuy nhiên, sự thẳng thắn của ông Trump có thể khiến những cử tri khác không đồng tình”.

CEO của Google - ông Sundar Pichai phản đối làn sóng kỳ thị người Hồi giáo. Ảnh: AP

“Đất nước của những người nhập cư”

Sundar Pichai, CEO của Google, đã đăng tải thông điệp ủng hộ người Hồi giáo sau khi tỉ phú Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử chức tổng thống Mỹ, đã kêu gọi cấm cửa toàn bộ người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Trong bài viết có tựa đề “Đừng để sự sợ hãi đánh bại các giá trị của chúng ta” đăng trên Medium, CEO của Google đã phản đối phát ngôn của tỉ phú Trump. Dù không có lấy một từ nào nhắc đến tên ông Trump nhưng mọi người đều hiểu thông điệp của Pichai. Người đàn ông nhập cư đã thành công trên đất Mỹ khẳng định mọi người đều có quyền được thể hiện quan điểm của họ nhưng thiểu số thì không đại diện cho tất cả.

Pichai là một người nhập cư từ Ấn Độ cách đây 22 năm, đã trưởng thành trên đất Mỹ và được bổ nhiệm vào vị trí hàng đầu tại Google. Pichai chia sẻ rằng: “Sự cởi mở, khoan dung và chấp nhận của người Mỹ là một trong những điểm mạnh và rõ nét nhất của đất nước này. Và đó không phải điều ngẫu nhiên - bởi sau tất cả nước Mỹ vẫn đã và đang là một đất nước của những người nhập cư”. 

“Đó là lý do tại sao nước Mỹ cảm thấy rất đau lòng trước một vài lời phát biểu phân biệt đối xử trong những ngày gần đây. Những ý kiến này cho rằng nước Mỹ sẽ tốt hơn khi không có tiếng nói, ý tưởng và sự đóng góp của một nhóm người chỉ vì họ đến từ đâu hay do tôn giáo của họ” - Pichai viết.

Không chỉ lấy ví dụ từ bản thân mình, CEO này còn khẳng định sự đa dạng của tập đoàn Google nơi ông làm việc: “Tôi đi bộ xung quanh khuôn viên nơi tôi làm việc và nhìn thấy sự đa dạng các chủng tộc và các nền văn hóa. Mỗi người trong họ có một giọng nói khác nhau, một quan điểm khác nhau và một câu chuyện khác nhau để kể. Tất cả điều đó làm cho công ty chúng tôi trở thành một nơi thú vị và đặc biệt cho phép chúng tôi làm những điều tuyệt vời cùng nhau”.

Pichai đã không ngần ngại công nhận sự đóng góp của những cộng đồng đa dạng đang làm việc tại Google, khẳng định đó là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự thành công của tập đoàn này. Ông cho rằng dù ở cương vị nào, xây dựng công ty hay điều hành đất nước thì việc gắn kết, hòa hợp giữa nhiều tiếng nói khác nhau sẽ mang đến những quyết định đúng đắn hơn và mang lại nhiều hiệu quả hơn. Pichai kết thúc thông điệp của mình bằng lời nhắn nhủ như chính nhan đề bài viết của mình. Ông cho rằng mọi người cần bảo vệ người Hồi giáo và các cộng đồng thiểu số khác, không chỉ ở nước Mỹ mà ở mọi nơi trên thế giới.

Bảo vệ trên mạng xã hội

Nhà tỉ phú trẻ Mark Zuckerberg, người sáng lập đồng thời là CEO của Facebook, cũng đã lên tiếng trước làn sóng kỳ thị người Hồi giáo trên thế giới hiện nay. Sáng 10-12, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đã đăng tải trên tài khoản của mình một thông điệp về người Hồi giáo, khẳng định rằng Facebook luôn ủng hộ và không có tư tưởng chống lại người Hồi giáo chỉ vì những tội ác của IS.

Zuckerberg cũng chia sẻ rằng bản thân là người gốc Do Thái, cha mẹ đã dạy cho Zuckerberg phải luôn đứng lên chống lại những sự tấn công nhằm vào quyền tự do của bất cứ cộng đồng nào, ngay cả khi cuộc tấn công đó không chĩa vào mình. Tờ New York Times cũng bình luận tuyên bố của Zuckerberg cũng phần nào đảm bảo những lợi ích kinh doanh của Facebook khi một phần không nhỏ trong số hơn một triệu người sử dụng trang mạng xã hội này mỗi ngày là người Hồi giáo.

Nhà tỉ phú trẻ tuổi nhắn nhủ: “Nếu là người Hồi giáo đang tham gia Facebook, tôi muốn bạn hiểu rằng bạn luôn được chào đón và chúng tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của bạn cũng như tạo ra một môi trường hòa bình, an toàn cho tất cả”. Thông điệp của Zuckerberg ngay lập tức nhận được sự quan tâm của người dùng với gần 1,3 triệu lượt thích, hơn 58.000 lượt bình luận và hơn 180.000 lượt chia sẻ.

Trong lịch sử hoạt động non trẻ của mình, Facebook cũng nhiều lần cố gắng bảo vệ các nhóm cộng đồng hay tôn giáo trên mạng xã hội khỏi những làn sóng tấn công mang tính chính trị. Năm 2012, Facebook đã từng ngăn quyền truy cập tại Pakistan đối với một số đường dẫn đến một video bài xích Hồi giáo vì luật pháp nước này không cho phép báng bổ tôn giáo. Năm 2010, Facebook đã từ chối không gỡ bỏ một trang cổ động quyền tự do phát ngôn bằng cách vẽ nhà tiên tri Muhammad. Để phản đối, Bangladesh và Pakistan đã chặn trang Facebook trong vài ngày sau đó.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhận xét hoan nghênh tuyên bố của “chủ nhân thế giới ảo”, nhiều người cũng cho rằng nhà tỉ phú trẻ chỉ đang tuyên bố “theo trào lưu”. Nhiều người kêu gọi Facebook cần phải có những công cụ thiết thực hơn để ngăn chặn quyền hoạt động của các tài khoản và nhóm cực đoan trên Facebook. Một bình luận của tài khoản tên Leyla Hyda đã yêu cầu Facebook nên có biện pháp thiết thực hơn để ngăn các nhóm cực hữu bài xích Hồi giáo ở Anh hoạt động trên trang mạng của họ. Cô viết: “Lời nói cần phải đi liền với hành động. Với cương vị của anh, tôi hy vọng những hành động sắp tới của Facebook sẽ phản ánh đúng những lời nói mà anh đã đưa ra”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm