Chỗ dựa của những công nhân từng lấm bụi đường

Khi anh Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch công đoàn Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá Ba Nhất đạt danh hiệu cấp thành phố “Cán bộ công đoàn của chúng tôi” năm 2015, các công nhân của HTX không ai bất ngờ. “Công nhân ở đây rất tin tưởng công đoàn, có chuyện gì cũng kể. Ở đây ai cũng được nâng đỡ, chia sẻ như trong cùng một gia đình”. Đó là lời của chị Phạm Thị Nguyệt (quê Tiền Giang), một công nhân bị liệt hai chân, phấn đấu học tập lên làm kế toán trưởng và đã gắn bó với nơi đây hơn 20 năm.

An cư cho người lao động

Anh Thế Thanh (người Khmer) được nhận vô HTX khi mới 13 tuổi. Trước đó, Thanh là một cậu bé lang thang xin đi phụ hồ cho các công trình, tối về ngủ vỉa hè. Vô HTX, anh được học việc và được tạo điều kiện đi học lại, chỗ ăn ở không phải lo. Khi đủ tuổi lao động, anh trở thành công nhân chính thức, được công đoàn giúp đỡ vừa làm vừa học lấy bằng lái xe. Cách đây vài tháng, trong một lần chở hàng cho HTX, anh gây tai nạn giao thông phải đền cho người ta 40 triệu đồng. Anh xin vay tiền HTX trả rồi trừ dần vào lương nhưng đắn đo “trừ mỗi tháng ít ít để em còn nuôi vợ con”. Công đoàn và ban chủ nhiệm HTX họp công nhân tìm phương án giúp anh Thanh. Lúc đó, công đoàn chuẩn bị tổ chức các hoạt động chào mừng ngày lễ 8-3 và 30-4, gồm cả một khoản tiền thưởng lễ cho mỗi công nhân. Khi được đề nghị dành nguồn kinh phí này để giúp anh Thanh bồi thường cho người ta, tất cả đều vui vẻ đồng ý. Anh Thanh xúc động nghẹn ngào rưng rưng. Sau đó một tháng, HTX đã cân đối thu chi, hoàn lại tiền thưởng lễ cho người lao động.

Chị Lê Thị Đào (45 tuổi, quê Ninh Thuận, người dân tộc Chăm) có tay nghề làm gốm. Cách đây hơn chục năm, chị rời quê vô TP.HCM để xin làm trong một lò gốm, lao động vất vả nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ tiền trả tiền trọ. Rồi có người giới thiệu chị đến HTX Ba Nhất xin làm công nhân đan giỏ lục bình. Cả hai vợ chồng chị được nhận vô làm. Công đoàn đề nghị sắp xếp cho vợ chồng chị có một phòng ở trong khu lưu trú công nhân. Chị cho biết: “Vợ chồng tôi được ở trong khu lưu trú miễn phí. Công nhân còn được phục vụ ba bữa cơm, không phải lo chuyện ăn ở. Tiền lương để dành được nên thấy yên lòng lắm”.

Chị Phan Thị Mỹ Tiên cùng hai con trong phòng nội trú công nhân. Ảnh: HM

Học tập để phát triển bản thân

Khi đến tham quan phòng mẫu sản phẩm, khách hàng nước ngoài được chị Phan Thị Mỹ Tiên đón tiếp và hướng dẫn ân cần. Ở HTX, ai cũng biết cô nhân viên nói tiếng Anh lưu loát đó từng là một cô bé bán vé số nghèo khổ, lưu lạc từ Tiền Giang lên TP.HCM kiếm tiền chữa bệnh nan y cho cha. Sau đó, bà Nguyễn Thị Cúc (chủ nhiệm HTX) đưa Tiên về HTX cho học việc và học văn hóa. Khi trở thành công nhân chính thức, chị Tiên tiếp tục được đi học Anh văn. Ba em gái của chị cũng được vào HTX làm việc. Một em gái của chị khéo tay, được làm ở bộ phận thiết kế mẫu. Chồng của chị Tiên cũng là công nhân của HTX, sau đó được cho đi học lái xe. Vợ chồng chị và các em gái được bố trí ở tại các phòng nội trú, cuộc sống ổn định. Chị Tiên bày tỏ: “Nếu tôi không có may mắn vô đây làm, gia đình tôi không có được ngày hôm nay. Bản thân tôi được giúp đi học. Các con tôi cũng được giúp học hành. Con tôi được thưởng xe đạp, máy vi tính vì thành tích học giỏi. Công nhân ở đây có thể dành tiền lương để tích lũy vì các chi phí ăn ở, tiền học cho con đã được lo gần hết”.

Điều đặc biệt là con em của tất cả công nhân ở nội trú được vào nhà bếp ăn cơm cùng với cha mẹ. HTX “bao trọn gói” cho các em từ việc ăn đến việc học để công nhân yên tâm làm việc.

Anh Phạm Văn Huỳnh làm chủ tịch công đoàn HTX từ năm 2002 đến nay. Anh và ban chấp hành công đoàn đã đề xuất tổ chức dạy nghề tạo công ăn việc làm cho gần 320 đoàn viên là dân tộc Chăm. Các công đoàn viên khác được tạo điều kiện vừa học vừa làm. Anh cho biết: “Công đoàn luôn ủng hộ các bạn học lên. Bản thân tôi ban đầu cũng rất khó khăn, được cơ quan tạo cơ hội cho vừa học vừa làm lớp trung cấp để làm kế toán. Nếu công nhân không yên tâm thì HTX cũng chưa yên tâm. Ở đây ai cũng có thể bày tỏ nguyện vọng của mình. Điều đáng quý là mọi người sẵn sàng giúp nhau, vì ai cũng từng lâm cảnh khó khăn. Công đoàn làm tốt nhiệm vụ của mình một phần lớn do chủ nhiệm HTX quan tâm tới công nhân và tạo mọi điều kiện cho công đoàn hoạt động. Mỗi khi công đoàn đưa ra đề nghị nào đó có lợi cho công nhân đều được xem xét giải quyết”.

Chỗ dựa của những công nhân từng lấm bụi đường ảnh 2

Anh Phạm Văn Huỳnh, Chủ tịch công đoàn HTX Ba Nhất (phải). Ảnh: HM

Đối với HTX, người lao động là tài sản lớn nhất. Chăm sóc cho người lao động chính là để phát huy các nguồn lực của HTX. Tôi là người tham gia gầy dựng lên HTX từ những năm khó khăn sau giải phóng, lúc đó chỉ có mục đích là tạo công ăn việc làm cho người nghèo. Các cán bộ công đoàn của HTX cũng từ khó khăn, gian khổ mà trưởng thành. Vậy nên họ rất hiểu và quý trọng công nhân, coi nhau như một gia đình.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm