Chiều Auvers gặp Van Gogh

16 giờ chiều 22-4-2014, trong mục đích đến thăm Château d’Auvers và triển lãm Sur le pas de Van Gogh, un chemin vers la conleur (trên những bước chân của Van Gogh, con đường dẫn đến sắc màu) ở Bảo tàng Daubigny, tôi bất ngờ biết được Van Gogh đã chọn sống ở vùng đất này từ 20-5-1890 đến ngày mất 29-7 cùng năm, do tìm thấy ở đây sự yên tĩnh và cảm hứng sau một thời kỳ dài bất ổn tâm thần tại một nhà an dưỡng vùng Saint Rémy ở Provence. 

70 ngày vẽ 80 bức họa

Hai tháng chín ngày đó đem lại cho Auvers sur Oise một tầm vóc mới trong lịch sử nghệ thuật hiện đại với những sáng tạo của Van Gogh vào thời đỉnh cao tài năng. Auvers còn là nơi chứng kiến cái chết bí ẩn của ông với nhiều giả thuyết, nào là ngộ độc chì trong sơn màu, nhiễm độc rượu absinthe, mao địa hoàng làm thần kinh bất ổn khiến ông tự bắn vào ngực, mới đây nhất là giả thuyết bị lạc đạn bởi hai thanh niên quen biết trong vùng, do hai tác giả Mỹ Steven Naifeh và Gregory White Smith đưa ra năm 2011.

Gần 80 họa phẩm đã được vẽ hối hả tại đây, trong 70 ngày, với những thôi thúc của một thiên tài đói nghèo chưa được người đời biết đến. Trong căn phòng nhỏ hẹp 7 m2 với chiếc giường sắt ọp ẹp phục chế và chiếc bồn rửa mặt cũ kỹ, chúng tôi chen chúc cùng năm du khách Âu, một du khách Nhật, hình ảnh Van Gogh đang hiện ra trên tường. Hiện ra với dòng chữ bày tỏ ước mơ, rằng một ngày nào đó tranh của mình được triển lãm trong một quán cà phê!


Cánh đồng lúa mì và những con quạ đen - tác phẩm được xem là cuối cùng trong sự nghiệp của Van Gogh báo trước một viễn cảnh chết chóc. 

Hiện diện trên đời 37 năm ngắn ngủi, 10 năm học vẽ và vẽ, sống bằng tiền trợ cấp của người em ruột, Vincent tạo nên giá trị muôn đời cho những Chân dung bác sĩ Gachet, Cánh đồng lúa mì và quạ đen, Hoa diên vĩ, Đêm đầy sao, Cây ôliu, Những người thợ nghèo ăn khoai tây, Những bậc thang lên đồi... chứ không có vết tích nào của sự quơ quào chôm chỉa các giá trị của đời làm của nả riêng. Một kiếp sống rất đáng kiếp người.

Một phim slide ngắn khoảng 15 phút tái hiện những bước chân của Van Gogh cùng âm thanh, tiếng động ồn ào của Paris cũ kỹ, thô lậu cuối thế kỷ 19 đã không tạo được cảm tình cho họa sĩ. Ông dò bước lữ hành ra đi sau khi viếng các bảo tàng, triển lãm, tự nghiên cứu, tự học từ những tác phẩm của các họa sĩ lừng danh đương thời của trường phái ấn tượng-trường phái chủ trương hình ảnh, ánh sáng, màu sắc thông qua họa sĩ in vào tranh.

Van Gogh không hài lòng với sự bó hẹp đó, ông cũng nghiên cứu màu sắc nhưng dùng nó để thể hiện tinh thần của sự vật, vì vậy Van Gogh được xếp vào hậu ấn tượng thuộc dòng nghệ thuật hiện đại nhưng lại đặt được nền móng cho trường phái dã thú, chủ nghĩa biểu hiện, chú trọng qua sự vật diễn tả nội tâm, thuộc nghệ thuật hậu hiện đại… Đoạn phim được làm kỳ công đủ dẫn dắt mọi người vào không gian xúc cảm của căn phòng tồi tàn.


“Phải chăng văn hóa chỉ bảo tồn được khi quản lý  có cốt cách văn hóa chứ chưa đủ nếu chỉ mới trang bị được ngôn từ văn hóa…” - Thẩm Tuyên.
Trong ảnh: Tác giả trước tòa thị chính đã vào tranh Hôtel de Ville d’Auvers sur Oise. 

Nơi nào đi vào tranh Van Gogh, nơi đó thành bất tử

Du khách Nhật, một phụ nữ trung niên chăm chú ghi chép, du khách Tây hỏi han, còn hai du khách Việt, tôi và con trai, lặng yên cảm nhận.

Cảm nhận ngập tràn từ ga vào đến đây, nơi nào đã vào tranh của Van Gogh, nơi đó trở thành bất tử. L’Escalier d’Auvers vẽ cảnh cuối đường Sansonne có một ngã ba dẫn lên đồi thấp với những bậc thang và năm người phụ nữ đang đi. Một phóng ảnh của bức tranh dựng sát tường hướng về những bậc thang đó cho thấy không chỉ chính quyền mà cả người dân trăm năm qua không hề xâm phạm những bậc thang huyền thoại.

L’Église Notre Dame d’Auvers sur Oise ghi lại ngôi nhà thờ cổ chính giữa mặt tranh và hai con đường chạy dọc tường phải và trái, một phụ nữ nông dân váy xanh trắng đi hối hả bên đường trái, một panneau to được dựng với phiên bản bức tranh đối chiếu.

Tương tự, L’Auberge Ravoux - lữ quán ông chọn sống hai tháng trước khi chết với giá 3,5 franc/ngày cả ăn lẫn ở, ngôi nhà trắng dưới bầu trời đêm Maison blanche sous un ciel nocturne… tất cả đều được bảo tồn gần như nguyên trạng và trước mỗi địa điểm đó có bảng to in tranh ông và vài dòng giới thiệu để người thăm dễ so sánh xưa và nay. Chạnh lòng chợt nghĩ chuyện ở ta, nói rất nhiều về văn hóa nhưng lại thích đập phá, kiến tạo những cái gọi là hoành tráng mà có lẽ phần kiếm chác từ đó nếu không tráng cũng hoành. Hiện đại kiểu “hại điện” vì xóa mất cái hồn, cái phách và cả những địa danh lịch sử để rồi thành phố trở thành vô danh tính, những con đường, góc phố mất dần ngày qua ngày dấu tích xưa để nhường chỗ cho phần “nay”, sao chép những cao ốc, mall, plaza nơi nào cũng có không một chút hơn, nếu không nói là không có gì đặc sắc, sáng tạo, chỉ hơn ở mùi kim tiền.

Ở đây, ngay cả tòa thị chính dù nhỏ xíu nhưng đã vào tranh Hôtel de Ville d’Auvers sur Oise, đố ai dám kiến nghị cải tạo, cơi nới chứ đừng nói bán, trao đổi. Người ta giữ gìn, người ta biến những cảnh quan đó thành cái hồn của thành phố, cái đặc sắc riêng tư, tự hào và thong dong đón du khách năm châu...

Và không chỉ ở đây! Đừng đổ cho những nước giàu mới giữ gìn được văn hóa. Đô thị cổ Marrakech ở Maroc đó thì sao, rồi ngôi làng đầy tranh tượng Ouidah ở Bénin, vùng đất văn hóa Koutammakou của Togo rộng 50 ha trải dài 15 km với những ngôi nhà hình tháp bằng đất, rồi những làng mỹ nghệ và 13 khu rừng nguyên sinh bảo tồn nghiêm ngặt ở Gabon.Những nước Phi châu đó trừ Maroc, đều chưa giàu.

Biết nói làm sao cho một lý giải nghe lọt. Phải chăng văn hóa chỉ bảo tồn được khi quản lý có cốt cách văn hóa chứ chưa đủ nếu chỉ mới trang bị được ngôn từ văn hóa…

Nỗi buồn dài mãi...

Tháng 7 năm ngoái, tôi về Giverny thăm nhà Claude Monet, lộng lẫy sắc màu hoa và lá. Cảm nhận thôi thúc chụp thật nhiều ảnh, như mọi du khách đến đây, chỉ để ghi nhớ một nơi đáng quan tâm đã đến. Một lần cho một đời rồi thôi. Tuần trước, về Aix en Provence lội bộ suốt từ Cours de Mirabeau, qua khu phố cổ đẹp và tấp nập dù là ngày Chủ nhật, băng qua rue Victor Hugo theo bước chân của Paul Cézanne để đến thăm xưởng vẽ của vị danh họa hậu ấn tượng cùng thời và là bạn của Van Gogh, cũng không thấy xúc cảm nào man mác như ở Auvers. Còn ở lữ quán Ravoux này, căn phòng trọ tồi tàn Van Gogh ngụ hơn trăm năm trước lại bồi hồi quyến luyến. Mà thật ra quyến luyến từ những bước chân đầu tiên đặt xuống vùng này, 30 km cách Paris, với cái đẹp lạ lùng trong chiều âm u không nắng, gió lộng khiến phải quấn khăn quàng nhiều lớp dù đêm chưa về, đẹp và tĩnh, đẹp và buồn. Những du khách lặng lẽ bước, lặng lẽ xem, lặng lẽ luồn qua khắp ngả đường từ rue du Général De Gaule, đến rue de la Sansonne dẫn đến phòng của Van Gogh, từ đường đến nhà thờ nhỏ Đức Bà Auvers và trèo lên đồi phía sau tới nghĩa trang nơi Van Gogh và người em Théodore Van Gogh yên nghỉ. Họ cũng không quên đến nhà bác sĩ Gachet lơ lững sơn trắng bên sườn đồi với những cây buis (hoàng dương) trăm năm tuổi, những gốc tilleul già và tìm xem chiếc bàn màu đỏ nơi bác sĩ tiếp khách và ngồi cho Van Gogh vẽ chân dung. Auvers buồn và phong phú hồn đất, đồi, người thiên cổ. Buồn như ánh mắt Gachet mà Van Gogh mải tìm cách thể hiện bằng nhiều bức vẽ với nhiều bút pháp, chi tiết khác nhau. Tìm thấy hay không, chỉ biết trước lúc nhắm mắt, ông nói với người em ruột đứng ở cạnh giường: La tristesse durera toujours - Nỗi buồn dài mãi không thôi!

Màu tím của chiều phủ dần trời Auvers, làm tím đậm hơn những đóa diên vĩ trồng dọc bờ tường quán trọ.

Tiếng chuông nhà thờ vang lên cũng mang sắc tím lạnh của Auvers, của diên vĩ, của Van Gogh... Tôi hẹn trở lại, một ngày không xa.

THẨM TUYÊN
Ngày 2-5-2014

 

Một lời xin lỗi

Vừa bước ra khỏi ga Auvers sur Oise, đang ngó dáo dác định hướng, một phụ nữ lớn tuổi ăn mặc xuềnh xoàng tay cầm hai túi xách nặng nề đến gần.

- Đến thăm Van Gogh hả, nhà ông ta ở đằng kia. Còn nhà thờ ở bên này, mộ hai anh em cùng hướng đó.

Bất ngờ quá. Tôi vội hỏi xa không, bà đáp: “Gần thôi, cách đây vài ngã rẽ nhưng trước hết phải ghé vào khu vườn Van Gogh, có tượng ông ta ở đó, trước mặt kìa”.  Sau khi cảm ơn, chúng tôi đi, phía sau, người phụ nữ ấy vẫn lẽo đẽo theo, bà cũng quẹo vào khu vườn, để hai giỏ xách xuống đứng nhìn chúng tôi chụp ảnh, rồi hối thúc đi nhanh kẻo trễ. Lại theo tiếp cho đến khi chắc chắn chúng tôi không lạc, bà mới băng qua đường về nhà.

Trong bước chân và giọng nói, cũng như sự tận tình và lịch sự đáng khâm phục, không cần suy nghĩ cũng nhận ra sự hãnh diện có một Van Gogh của Auvers và có một Auvers của Van Gogh.

Vậy mà khi bà bước tới, chưa gì mà tôi đã vội nghĩ đến những người bất lương. Chắc là sự cảnh giác quá độ kiểu đón khách du lịch chèo kéo, móc túi trên khắp Việt Nam. Tội nghiệp bà, viết lại ở đây mấy dòng như lời xin lỗi.

____________________________________________

Chiều Auvers gặp Van Gogh ảnh 4
 

“Hội họa là một nghề chết đói, chắc chắn nó mang lại một vài niềm vui nhưng nó không giúp một người ổn định và nuôi gia đình… Đã mười năm đuổi theo hội họa… tôi chỉ sống trong các quán cà phê, ngủ trong quán trọ rẻ tiền và sống sót ngày qua ngày. Nếu không có em trai tài trợ, tôi không còn trên đời. Điều đó có đúng là tham vọng của anh?” (Trích thư của Van Gogh ngày 23-7-1890).

Khi nói những lời này với một thanh niên đến xin học vẽ, Van Gogh không biết rằng chỉ với bức Chân dung bác sĩ Gachet giá bán sau này lên đến 129,7 triệu USD và một trong những bức chân dung tự họa của ông có giá hơn 90 triệu USD) Cánh đồng lúa mì và những con quạ đen - tác phẩm được xem là cuối cùng trong sự nghiệp của Van Gogh báo trước một viễn cảnh chết chóc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm