Chặt đầu, thông điệp của IS

Kể từ khi phát động cuộc tấn công và chiếm giữ nhiều vùng đất tại Syria và Iraq, tổ chức khủng bố IS đã áp dụng đạo luật Sharia vào cuộc sống hằng ngày của người dân. IS đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới tại khu vực.

Xã hội “trung cổ” trong thời đại mới

Kể từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm giữ TP Mosul (Iraq), rất khó để xác định được thực hư cuộc sống của người dân bên trong thành phố. Tại đây, IS đã chiếm giữ nhà tù Badoush với hơn 1.000 tù nhân. Theo một báo cáo nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UN) trong tuần qua, trong số này chỉ có 340 tù nhân theo dòng Sunni được tha chết và gia nhập vào hàng ngũ IS, 670 tù nhân còn lại đều bị bắn chết. Điều kiện sinh sống của thành phố đã trở nên tồi tệ chưa từng thấy. Theo lời kể của các nhân chứng mà Liên Hiệp Quốc phỏng vấn, “Cách khoảng 2-3 ngày thì mới có điện nhưng chỉ có được vài tiếng. Không còn ai thu gom rác vì xe không có xăng và chẳng còn ai trả lương. Thức ăn bắt đầu cạn kiệt. Rất nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa”.

IS xử tử những ai không theo đạo Hồi, bất kể người đó là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em. Những ai làm trái lại đạo luật Sharia đều phải chịu chung số phận tàn khốc. “Tổ chức hành quyết tại nơi công cộng đã trở thành một cảnh tượng bình thường vào ngày thứ Sáu hằng tuần tại TP Raqqa và các vùng lãnh thổ khác bị IS kiểm soát”, theo UN. “Một số trường hợp, nạn nhân bị đóng đinh trước khi bị đánh bằng roi”. Một số nhân chứng cho biết lực lượng khủng bố này còn buộc trẻ em phải đứng xem các cảnh tượng này như một hình thức răn dạy. Sự thống trị của IS đã trở thành một “thảm họa nhân đạo” đối với khu vực này.

TP Raqqa, nằm phía Bắc Syria, là trung tâm của khu vực mà IS chiếm giữ và tự xưng là “thủ đô” của vương quốc Hồi giáo mà chúng đang xây dựng. Như vậy, nơi đây đã phản ánh rất rõ kiểu xã hội Hồi giáo mà tổ chức này muốn xây dựng. Đó là một xã hội bị tước đi mọi quyền tự do tối thiểu của con người, đặc biệt là phụ nữ. Một xã hội mà theo UN kết luận “đầy rẫy những hình thức tra tấn và đối xử tàn độc, mất nhân tính và hủy hoại giá trị con người”.

Công khai tử hình tại một thị trấn gần Aleppo,Syria (Nguồn: Islamic State News)

Thông điệp khủng khiếp của IS

Việc hành hình, quay phim và phát tán trên mạng không phải là mới trong cách thức hành động của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Khủng bố nghĩa là đe dọa, làm suy sụp ý chí, làm tiêu hao lực lượng của kẻ thù bằng mọi phương thức. Đối tượng mà chúng nhắm đến thường là thường dân nhằm đánh vào tâm lý sợ hãi, khuếch đại tính lan tỏa.

Các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan đã vận dụng các phương tiện truyền thông để lan tỏa sự khiếp sợ, như một hình thức thị uy và là lời cảnh báo đến kẻ thù. Trong những đợt tấn công của IS tại Iraq hồi tháng 6 và tháng 7 vừa qua, đã có những đoạn phim ghi hình việc IS hành quyết các cảnh sát địa phương bằng cách chặt đầu.

Sự việc IS hành quyết nhà báo James Foley đã gửi đi một thông điệp lớn hơn và khủng khiếp hơn nhiều. IS đã hành quyết một nhà báo Mỹ, đại diện cho các giá trị của phương Tây, bằng cách chặt đầu - biểu trưng của đạo luật Hồi giáo hà khắc Sharia. Đây không những là lời tuyên chiến với giá trị phương Tây, mà IS đang tuyên bố với thế giới về sự tồn tại của mình và năng lực thực hiện mọi điều luật Sharia tàn nhẫn nhất.

Dường như kiểu hành quyết này đang trở thành một kiểu “dấu ấn riêng” của tổ chức Hồi giáo cực đoan IS. Cũng giống như cách thủ lĩnh của tổ chức này, Abu Bakr al Baghdadi từng tự xưng mình là Caliph, tức là lãnh đạo tối cao của tất cả người Hồi giáo. Hay tham vọng tạo dựng ra một vương quốc Hồi giáo bao gồm toàn bộ Syria và Iraq. Áp dụng hình phạt kinh khủng nhất của bộ luật Sharia, IS xây dựng hình ảnh của mình như lực lượng áp dụng triệt để nhất những “lời răn dạy” của Allah và là lực lượng chống đối phương Tây mãnh liệt nhất trong các tổ chức khủng bố.

Tất cả điều đó vừa tạo nên sự khiếp đảm của dân thường đối với IS, tạo ra sự thù địch từ phương Tây nhưng cũng tạo nên danh tiếng cho tổ chức này. Với hình ảnh một tổ chức Hồi giáo cực đoan lớn mạnh nhất kể từ Al Qaeda, IS thiết lập nên một nguồn tài trợ ổn định về tài chính, tổ chức chặt chẽ và thu hút sự gia nhập trên toàn thế giới.

Một số báo cáo cho rằng hiện có hơn 140 người Mỹ đang chiến đấu dưới lá cờ của IS. Kẻ xử tử hình nhà báo James Foley cũng là một người phương Tây có quốc tịch Anh. Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố người này phải nhận án phạt thích đáng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai miêu tả tổ chức IS như căn bệnh ung thư đang đe dọa cuộc sống toàn cầu.

Những lo lắng này là hoàn toàn hợp lý. Tổ chức Al Qaeda khi còn lớn mạnh được biết đến như một tổ chức chuyên “xuất khẩu” khủng bố. Những người Hồi giáo cực đoan từ các nước trên thế giới đổ về chiến trường Afghanistan, Iraq, Yemen… để được huấn luyện. Sau đó, chúng trở về và tiến hành những cuộc đánh bom tự sát ngay tại nước mình. Điển hình như những lần đánh bom tại Anh, Tây Ban Nha, hay mưu đồ đánh bom bất thành tại Canada hay Mỹ.

Thế nhưng hành động của Al Qaeda tấn công vào giá trị của phương Tây, làm thiệt hại và hoảng sợ cho xã hội phương Tây. Đó là một cuộc chiến đẫm máu nhưng không có hồi kết. IS thì liều lĩnh hơn nhưng cũng thực tế và đáng sợ hơn nhiều. Chúng hướng đến một kết quả hữu hình: Xây dựng nhà nước Hồi giáo. Sự trở lại của những người phương Tây được đào tạo bài bản dưới trướng IS làm dấy nên nguy cơ bất ổn lớn hơn nhiều tại các quốc gia phương Tây.

Một số thống kê cho biết tại các nước phương Tây đã thành lập nhiều địa phương chỉ có tôn giáo duy nhất là đạo Hồi. Tại Anh, tính đến năm 2013, số người theo đạo Hồi đạt mức 3,3 triệu người. Omar Ahmad, người sáng lập ra Hội đồng Quan hệ Hoa Kỳ - Hồi giáo, từng tuyên bố “kinh Koran nên là quyền lực lớn nhất tại nước Mỹ”. Phát ngôn viên của tổ chức này cũng từng tuyên bố ông luôn mong chờ việc “hình thành một chính quyền Hồi giáo ngay tại nước Mỹ, không phải bằng bạo lực mà bằng con đường giáo dục”.

Phương Tây nhận “hậu quả”

Tất cả sự bày tỏ trên đều thể hiện sự ôn hòa và dân chủ. Thế nhưng nếu như những lãnh đạo, những chiến binh của IS bước chân vào các cộng đồng này, chúng sẽ thuộc lòng bài học mà chúng có được từ IS. Chúng sẽ không đơn thuần tấn công và gây hoang mang cho phương Tây. Chúng sẽ muốn xây dựng lên những nhà nước Hồi giáo cực đoan ngay trên đất phương Tây, như cái cách IS đang làm tại Raqqa.

Có lẽ nước Mỹ và phương Tây nên phần nào tự trách mình trước viễn cảnh khủng khiếp mà IS đang mở ra. Sự lớn mạnh của tổ chức này phần nào được tạo điều kiện bởi sự suy yếu của chính quyền Syria và chính quyền Iraq. Khi quân đội Hoa Kỳ và NATO rút quân khỏi Iraq, chính quyền Baghdad của Thủ tướng Maliki vẫn còn rất mong manh. Bộ phận tín đồ Hồi giáo Sunni trở nên bất bình do chịu nhiều sự chèn ép từ chính quyền thân Shiite. Lực lượng quân đội thiếu tinh nhuệ và sự phản ứng yếu kém từ một chính phủ thiếu liên kết và đầy rẫy tham nhũng là nguyên nhân chính cho sự lớn mạnh nhanh chóng của IS ở miền Tây Bắc Iraq.

Thế nhưng nếu tình trạng tồi tệ tại Iraq là do thiếu đi sự “giúp đỡ” của Mỹ thì sự lớn mạnh của IS tại Syria lại do sự “nhiệt tình” can thiệp của phương Tây vào cuộc nội chiến của nước này. Liệu những hỗ trợ vũ khí và tài chính cho phe chống đối Tổng thống Assad có rơi vào tay IS hay không. Điều này vẫn rất khó xác định. Nhưng cuộc nội chiến này đã kéo về hàng ngàn tay súng Hồi giáo, lính đánh thuê, lực lượng khủng bố từ nhiều nơi trên thế giới. Syria và Iraq trở thành những nơi quy tụ và nguồn tuyển mộ quá lý tưởng cho IS lúc này, khi thời cơ đã đến.

THANH DANH (Tổng hợp từ CNN, Fox News, Reuters, CNS News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm