Chân dung tổng thống Myanmar

Ngày 15-3, Quốc hội (QH) Myanmar đã chính thức bầu ra tổng thống dân cử đầu tiên kể từ năm 1960 với số phiếu đáng kể: 360/652 tổng phiếu bầu. Htin Kyaw - người sẽ trở thành tổng thống ở tuổi 69 đã đánh dấu một bước ngoặt mới cho Myanmar: Một đất nước không còn dưới sự kiểm soát của quân đội. Tổng thống tân cử Htin Kyaw sẽ chính thức tiếp quản vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước Myanmar vào ngày 1-4 tới.

“Chọn mặt gửi vàng”

Kết quả bầu cử này đã được dự đoán từ trước, bởi lẽ ông Htin Kyaw là người được đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) và đích thân bà Aung San Suu Kyi lựa chọn. Với vị thế là đảng chiến thắng áp đảo sau cuộc tổng tuyển cử lịch sử vào tháng 11-2015 và chiếm đa số trong lưỡng viện QH thì việc người được đảng này gửi gắm trở thành tổng thống không phải là điều quá bất ngờ.

Mặc dù không nổi tiếng như bà Suu Kyi nhưng ông Htin Kyaw cũng là người sinh trưởng trong gia đình có truyền thống chính trị và trí thức ở Myanmar. Cha của ông là học giả, nhà văn Min Thu Wun (cũng là một thành viên gạo cội của NLD). Cha vợ ông là U Lwin, một trong những người sáng lập và lãnh đạo đảng NLD từ thuở ban đầu. Bản thân ông Htin Kyaw từng tốt nghiệp ĐH Oxford (Anh), làm giảng viên ĐH rồi cũng đảm nhiệm nhiều vị trí trong Bộ Công nghiệp Myanmar.

Tổng thống tân cử của Myanmar, ông Htin Kyaw (trái), là người được bà Aung San Suu Kyi đặc biệt tin cẩn. Ảnh: AP

Tuy vậy, ông Htin Kyaw không phải là nghị sĩ trong QH. Ông cũng chỉ mới gia nhập NLD cách đây hai tháng và là cái tên ít người biết đến trong chính trường Myanmar từ trước đến nay. Dư luận thế giới chỉ nghe nhiều tới tên ông Htin Kyaw kể từ khi Hạ viện do NLD chiếm đa số giới thiệu ông làm ứng cử viên và tên ông lẽ dĩ nhiên gắn chặt với người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Myanmar - bà Aung San Suu Kyi.

Ông Htin Kyaw không chỉ là người bạn thân của bà Suu Kyi từ thuở thiếu thời mà còn từng là thân tín trong sự nghiệp chính trị của bà. Ông đã bỏ cả sự nghiệp trong Bộ Ngoại giao Myanmar để hỗ trợ bà Suu Kyi, theo hãng Al Jazeera. Ông còn một thời được biết đến như một tài xế không chính thức của người phụ nữ quyền lực nhất Myanmar hiện nay. Tờ Time cho biết ông từng nhiều lần đích thân cầm lái chở bà Suu Kyi. Tuy nhiên, các thành viên trong NLD phủ nhận việc ông từng là tài xế chính thức của bà trong quá khứ. Dẫu vậy, những thông tin này cũng đủ chứng minh mức độ tin cẩn mà bà Suu Kyi dành cho người cộng sự của mình.

Ông Htin Kyaw là một trong số ít người được phép đến thăm Suu Kyi trong thời gian bà bị quản thúc tại nhà. Hiện ông đang điều hành Quỹ Daw Khin Kyi, một tổ chức từ thiện do bà Suu Kyi sáng lập. Có thể thấy việc NLD lựa chọn ông Htin Kyaw ứng cử làm chủ nhân chiếc ghế tổng thống cũng chính là quyết định của bà Suu Kyi. Khi phát biểu trước báo giới, nhiều nghị sĩ của NLD nói rằng họ tin vào lựa chọn của nữ lãnh đạo đáng kính của mình. Chính ông Htin Kyaw khi nói về chiến thắng của mình cũng đã khẳng định đây đồng thời là thắng lợi của bà Suu Kyi.

Dấu hỏi về quyền lực tổng thống

Dù đa số người dân “Đất nước chùa vàng” đều mong muốn bà Suu Kyi làm người đứng đầu đất nước, Hiến pháp nước này không cho phép nữ lãnh đạo tiến trình dân chủ của Myanmar trở thành tổng thống. Người chồng quá cố và hai con của bà đều mang quốc tịch Anh, một trong những điều cấm đối với ứng viên tổng thống Myanmar. Người ta đã từng kỳ vọng hiến pháp do phía quân đội soạn thảo sẽ được đàm phán thay đổi thành công, mở đường cho bà danh chính ngôn thuận lãnh đạo Myanmar. Phía quân đội cuối cùng vẫn không nhượng bộ và ông Htin Kyaw trở thành “chìa khóa” cho bài toán của bà Suu Kyi.

Tuy về danh nghĩa ông Htin Kyaw sẽ chính thức trở thành nguyên thủ quốc gia của Myanmar từ ngày 1-4, quyền lực thật sự mà ông nắm trong tay vẫn chưa thật sự rõ ràng. Sau thắng lợi áp đảo của NLD trong cuộc tổng tuyển cử lịch sử ở Myanmar hồi tháng 11, đích thân bà Suu Kyi đã tuyên bố tân tổng thống nước này sẽ không có thực quyền trong tay.

Bà Suu Kyi - lãnh đạo của NLD sẽ đứng trên cả tổng thống và người được bầu vào chiếc ghế nguyên thủ thật ra chỉ là để “đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp” nước này. “Ông ta sẽ phải thấu hiểu cặn kẽ rằng ông ấy không có bất kỳ quyền hành gì, rằng ông ấy sẽ phải hành động theo các quyết định của đảng” - bà Suu Ky trả lời kênh Channel News Asia sau thắng lợi cuối năm ngoái.

Bà Aung San Suu Kyi (giữa) từng tuyên bố sẽ “đứng trên cả tổng thống”. Ảnh: REUTERS

Ngay cả đại diện của NLD cũng từng tuyên bố rằng tân tổng thống Myanmar chắc chắn sẽ nhường ghế cho bà Suu Kyi ngay khi có thể. Những phát ngôn của bà cùng các thành viên NLD khiến hình ảnh của vị tân tổng thống Myanmar mất đi quyền lực vốn có của mình, mà chỉ đơn thuần như một người đại diện công bố và thực hiện các quyết sách của bà Suu Kyi. Viết trên chuyên san Foreign Policy, cây bút nổi tiếng của Myanmar - Min Zin cũng mô tả việc bà Suu Kyi sắp đặt cho chiếc ghế tổng thống của ông Htin Kyaw như một cách “buông rèm nhiếp chính”.

Kịch bản nào cho chính trường Myanmar?

Tờ Time bình luận bà Suu Kyi giờ đây sẽ phải dựa vào lòng trung thành “tuyệt đối” của ông Htin Kyaw để chèo lái Myanmar bước vào giai đoạn mới. Sau khi có kết quả bầu tổng thống Myanmar, vẫn chưa có một thông tin chính thức nào được công bố về vị trí của bà Suu Kyi trong bộ máy chính quyền mới.

Có thông tin cho rằng bà sẽ đảm nhiệm chức vụ thủ tướng Myanmar, một vị trí không tồn tại dưới chính quyền quân sự từ trước đến nay, theo hãng tin Al Jazeera. Động thái chưa từng có tiền lệ này có thể sẽ vấp phải phản ứng từ phía quân đội Myanmar, vốn vẫn còn nắm nhiều vị trí chủ chốt trong chính phủ mới như bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quốc phòng cũng như Biên giới.

Bà Suu Kyi gần như chắc chắn sẽ “phủ bóng” lên chiếc ghế tổng thống Myanmar. Tuy vậy, ông Htin Kyaw vẫn sẽ có sức ảnh hưởng nhất định đối với chính trường nước này. Việc ông được lựa chọn ngồi vào chiếc ghế tổng thống  thay vì người cộng sự cùng đảng là nghị sĩ Henry Van Thio cho thấy ông sẽ có khả năng tác động nhiều hơn lên phía quân đội. Là chủ tịch của một quỹ từ thiện thuộc NLD, ông được công nhận rộng rãi là một người khiêm tốn và lịch lãm.

Nhà sử học Myanmar, ông Thant Myint - U, đánh giá cao vị tổng thống tân cử, khẳng định ông là một người tuyệt đối chính trực. Ngay cả nhiều nhân vật thân cận với phe quân đội cũng xem ông Htin Kyaw là một người tốt, theo tờ Foreign Policy. Trong khi đó, bà Suu Kyi lại nhiều lần bị chỉ trích vì sự cứng rắn và thiếu điềm đạm trong ứng xử quốc tế của mình, theo tờ The Guardian.

Do vậy, những phẩm chất cá nhân của ông Htin Kyaw sẽ trở nên hữu dụng đối với vị trí nguyên thủ quốc gia trong những chuyến công du hay tham gia những hội nghị quốc tế cùng các lãnh đạo thế giới. Tin cẩn đề đạt người bạn thân của mình vào chiếc ghế tổng thống, bà Suu Kyi ắt hẳn đã đặt nhiều kỳ vọng chính trị vào nước cờ lần này chứ không đơn thuần chỉ cần một tấm bình phong.

Những đối thủ “không cân sức”

Sau khi không giành được thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tại lưỡng viện QH Myanmar, hai đối thủ của ông Htin Kyaw sẽ cùng giữ vị trí phó tổng thống trong chính quyền mới. Hai vị trí này được chia đều cho đại diện cả hai lực lượng chính trị tại Myanmar, gồm nghị sĩ Henry Van Thio, ứng cử viên được Thượng viện giới thiệu; và ông Myint Swe, một tướng lĩnh về hưu của Myanmar được phía quân đội đề cử.

Ông Henry Van Thio là nhân vật thuộc nhóm thiểu số dân tộc Chin gốc Hoa ở Myanmar được đề bạt nhằm phù hợp vói chủ trương hòa giải dân tộc của bà Suu Kyi. Trong khi đó, ông Myint Swe là một trong những nhân vật nằm trong “danh sách đen” của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm