Cần một 'nhạc trưởng' quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm?

Tại nước ngoài, các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tiến hành thanh tra nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đáp ứng đúng các tiêu chuẩn an toàn và quan trọng là duy trì một chương trình thực thi pháp luật đủ mạnh để đảm bảo trừng phạt những ai đi ngược lại những chuẩn mực này. Tuy nhiên, những cơ quan tiến hành công việc kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn cần có một “nhạc trưởng” bao quát toàn bộ hệ thống.

Mỹ: Phối hợp ngăn ngừa chủ động

Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA), được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký vào tháng 1-2011 đã cho phép Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cải thiện hệ thống an toàn thực phẩm nước này, giúp tăng khả năng bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo trang thông tin chính thức về an toàn thực phẩm của chính phủ Mỹ, đạo luật năm 2001 cho phép FDA tập trung nguồn lực nhiều hơn vào công tác ngăn ngừa những vấn đề an toàn thực phẩm, hơn là phản ứng bị động sau khi những vấn đề sức khỏe nảy sinh.

Các nhân viên FDA hối hợp cùng nhân viên hải quan kiểm tra thực phẩm được nhập vào Mỹ. Ảnh: FDA 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC), mỗi năm có đến gần 48 triệu người Mỹ mắc bệnh và khoảng 3.000 người Mỹ qua đời vì các chứng bệnh có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn. Đợt bùng phát chủng vi khuẩn E. Coli trong thực phẩm tại châu Âu khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng ngàn người phát bệnh trong năm 2011, đã thúc đẩy chính phủ Mỹ đưa ra đạo luật FSMA, theo đó FDA trở thành một người “nhạc trưởng” trong hệ thống an toàn thực phẩm. Cơ quan này là đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng khác tại Mỹ ngăn ngừa thực phẩm không an toàn xuất hiện trên bàn ăn của người dân ngay từ các nông trang và biên giới.

FDA cũng phối hợp xây dựng một liên minh sản xuất thực phẩm an toàn với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Trường ĐH Cornell, nhằm mục đích đào tạo người làm nông sản về các tiêu chuẩn sản xuất sạch. “Chúng ta viết ra các luật bắt người dân phải tuân thủ để sản xuất thực phẩm an toàn. Vậy nên chúng ta cũng buộc phải hỗ trợ người nông dân kiến thức và năng lực đáp ứng được những điều luật đó” - cố vấn cấp cao của FDA, TS James R.Gorny, cho biết.

Trong hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm của Mỹ, với rất nhiều cơ quan chính phủ tham gia thực hiện, có thể thấy FDA chính là hạt nhân trung tâm của toàn bộ mạng lưới. Cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm này chính là “nhạc trưởng” đảm bảo thực phẩm xuất hiện trên bàn ăn của người dân Mỹ được an toàn.

EU: Tập trung hóa, quản lý chặt

EU kiểm soát chặt thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn.  Ảnh: Europa.eu

Năm 2002, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu đã thông qua các quy định về Luật Thực phẩm châu Âu và đồng thời cho ra đời Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA). Cơ quan này là hoạt động độc lập trong hệ thống của EU, cung cấp các khuyến nghị khoa học, đảm bảo tính minh bạch, cố vấn khi EU hoặc một nước sắp xây dựng một văn bản luật liên quan đến an toàn thực phẩm. EFSA cũng là cơ quan cố vấn khách quan cho các nhà lập pháp khi một quốc gia thành viên hoặc toàn bộ EU đối mặt với một cơn khủng hoảng niềm tin về độ an toàn thực phẩm. Cơ quan tư vấn an toàn thực phẩm của EU góp phần tập trung hóa chính sách an toàn thực phẩm của các quốc gia EU.

Tuy nhiên, EFSA không chịu trách nhiệm làm luật, kiểm soát các nguy cơ an toàn thực phẩm. Công việc kiểm soát được thực hiện bởi các cơ quan của EU và các chính quyền quốc gia thành viên. Ủy ban EU sẽ là cơ quan đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm được tích hợp và thực hiện trong luật pháp mỗi nước. Văn phòng Thực phẩm và Thú y (FVO) của EU, đặt trụ sở tại Ireland, là cơ quan tiến hành thanh ra để đảm bảo các quốc gia thành viên thực hiện đúng theo các tiêu chuẩn chung về thực phẩm của toàn bộ Liên minh châu Âu.

Mặc dù EU không xây dựng một bộ luật hay một cơ quan quản lý chung toàn bộ hệ thống an toàn thực phẩm của mỗi nước thành viên, EFSA vẫn đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chính sách đảm bảo thực phẩm an toàn ở các quốc gia thành viên. Theo TS Emilie H. Leibovitch viết trong Tạp chí Luật quốc tế Texas, những chính sách về thực phẩm của EU và các nước thành viên đều xoay quanh các khuyến nghị được EFSA đưa ra, mặc dù cơ quan này không mang chức năng quản lý mà chỉ có chức năng tư vấn. EFSA tạo ra những tiêu chuẩn chung cho toàn châu Âu, để lại dấu ấn trên các chính sách quản lý thực phẩm của các nước EU như quy định dán nhãn đảm bảo thông tin chính xác từ nguồn sản xuất, Chính sách Nông nghiệp chung (CAP), tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm và hệ thống Phân tích Độc hại và Kiểm soát Nguy hiểm (HACCP).

Chồng chéo chức năng: Khó tránh

Mỹ là một trong những quốc gia có an toàn thực phẩm tốt hàng đầu thế giới, các bệnh dịch liên quan đến thức ăn hiếm khi xảy ra và đều được kiểm soát nhanh chóng. Tuy nhiên, hệ thống an toàn thực phẩm của Mỹ vẫn bị chỉ trích bởi có nhiều cơ quan cùng quản lý, làm hệ thống phản ứng chậm hoặc kém hiệu quả. Theo trang About News, Mỹ có hơn 30 luật và quy định liên bang, cùng với hơn 15 cơ quan liên bang chịu trách nhiệm về an toàn và chất lượng thực phẩm.

Mỗi bang lại có luật, quy định và cơ quan chuyên trách riêng. CDC chịu trách nhiệm chính về điều tra các dịch bệnh liên quan đến thực phẩm ở địa phương và liên bang. FDA và USDA đều chịu trách nhiệm chính về cung ứng thực phẩm an toàn cả nước. FDA giữ vai trò hạt nhân trong hoạch định chính sách an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chức năng của FDA và USDA bị chồng chéo. Cả hai cơ quan này đều tiến hành các cuộc thanh tra tương tự nhau tại hơn 1.500 cơ sở sản xuất thực phẩm được quản lý bởi cả hai cơ quan.

Tách riêng cơ quan quản lý thực phẩm?

Không như tại Việt Nam, với Cục An toàn thực phẩm trực thuộc Bộ Y tế, điểm chung tại các nước có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả là sự tách bạch của cơ quan cố vấn và kiểm soát độ an toàn thực phẩm. Như tại Thụy Điển, cơ quan chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm là Cơ quan Thực phẩm Quốc gia (NFA); ở Pháp, Cơ quan Thực phẩm, Môi trường, Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp (ANSES) là cơ quan cố vấn về tiêu chuẩn và giải pháp an toàn thực phẩm; còn tại Anh là Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA). Những cơ quan này tại các nước đều hoạt động độc lập và không trực thuộc bộ để tăng tính hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm