HÀNH TRÌNH TỪ ĐỜN CA TÀI TỬ ĐếN CẢI LƯƠNG - BÀI CUỐI

“Cải lương cái nghề hát”

Để có được lời ca, điệu hát dân dã vừa gần gũi vừa sâu lắng của cải lương hôm nay là cả một quá trình đầy sáng tạo vun đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Tuyên ngôn” cải lương

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, Nam Phong tạp chí thời đó đã đăng “tuyên ngôn” mới về cải lương của ông Lương Khắc Ninh. Vào ngày 23-3-1917, tại Hội sở Khuyến học Nam Kỳ (Sài Gòn), trước đông đảo những nhà trí thức đương thời, ông Lương Khắc Ninh ở Bến Tre (ông là tổ hát bội) đã thuyết trình giới thiệu một loại hình nghệ thuật mới mà ông gọi là “Cải lương cái nghề hát”. Có thể gọi đây là lời tuyên bố khai sinh loại hình nghệ thuật cải lương. Tại buổi thuyết trình, ông phân tích những nhược điểm của nghệ thuật hát bội, giới thiệu loại hình mới và hy vọng quần chúng ủng hộ vì loại hình mới có thể sánh với ca kịch Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc mà người Sài Gòn lúc bấy giờ có dịp tiếp xúc.

Sau buổi thuyết trình đó, nhà văn Hồ Biểu Chánh là một trong những người hưởng ứng nhiệt liệt. Ông viết hàng loạt vở ngắn: Vì nghĩa quên nhà, Báo nghĩa, Một tấm lòng thành… Lúc bấy giờ, giới trí thức và công chức miền Tây Nam Bộ thường lập nhóm văn nghệ nghiệp dư luyện tập các vở trên để trình diễn. Sau đó các vở này lan về Sài Gòn. Tuy nhiên, soạn giả Hồ Biểu Chánh gọi những vở này là tuồng hài kịch, thừa nhận còn ảnh hưởng ca ra bộ, chưa phải nghệ thuật cải lương.

“Cải lương cái nghề hát” ảnh 1
 
Dĩa tuồng Lục Vân Tiên (hồi thứ nhất) có hình con gà trống trên dĩa và ghi hẳn trên dĩa vọng cổ hoài lang của thầy Năm Tú khoảng năm 1925. Ảnh: NGUYÊN VẸN

 Lập đoàn cải lương đầu tiên

Sau “tuyên ngôn” về cải lương năm 1917, đến khoảng 1920, đoàn hát với cái tên chính thức đoàn cải lương đầu tiên ở Việt Nam ra đời. “Năm 1920, có một người ở làng Tân Qui Đông, Sa Đéc tên Nguyễn Văn Thông, một nghiệp chủ có bề thế, lập đoàn hát, ghi tên đoàn cải lương Tân Thinh, Sa Đéc. Lúc bấy giờ hai bên cánh gà có treo hai câu đối rất hay: một bên “Cải cách hát ca theo tiến bộ”, một bên “Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Đầu của hai câu này là hai chữ “cải lương”, như một cách ông giải thích từ cải lương là vậy. Đây là đoàn cải lương lần đầu tiên ra đời ở Việt Nam. Bắt đầu từ đó ông đi lưu diễn, đến đâu cũng treo bảng vậy” - nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận nói về đoàn cải lương đầu tiên.

Thật ra trước đây gần như tất cả đoàn đều gọi là ban chứ không gọi là cải lương như: Văn Hí Ban (Chợ Lớn), Sĩ Đồng Ban (Long Xuyên), Kỳ Lân Ban (Vĩnh Long), Tân Phước Ban (Sóc Trăng), Tái Đồng Ban… Từ đây các đoàn trước ông Thông cũng bắt đầu sửa bảng tên lại là đoàn cải lương như các đoàn cải lương bên dòng họ Trần của GS-TS Trần Văn Khê. Lúc bấy giờ, việc lập đoàn hát gần như phong trào  của những nhà giàu có.

Tại Mỹ Tho lúc bấy giờ có ông Pièrre Châu Văn Tú (thầy Năm Tú) là chủ rạp chiếu bóng đứng ra mua toàn bộ phương tiện và mời diễn viên đoàn xiếc của André Thận về lập đoàn cải lương riêng. Ông mạnh dạn chuyển rạp chiếu bóng của mình thành rạp cải lương và mời ông Trương Duy Toản làm thầy tuồng (tức đạo diễn). Một số xảo thuật trong kịch nghệ phương Tây cũng được ông đem ra sử dụng. Mỗi tuần gánh hát thầy Năm Tú diễn ở Mỹ Tho ba đêm, Sài Gòn hai đêm. Ngoài ra ông còn nhập linh kiện lắp ráp máy hát, tổ chức ghi âm vào dĩa các bài bản, tuồng tích cải lương. Dĩa hát của ông hiệu Pathé. Hiện ông Trương Ngọc Tường còn lưu giữ một số dĩa hát có hình con gà trống, con gà bên trên của thầy Năm Tú và cả tuồng hát cải lương Tình là bể khổ của tác giả Nguyễn Thành Long, do An Nam thư quán xuất bản vào 29-12-1927.

“Cải lương cái nghề hát” ảnh 2
 
Tuồng hát cải lương
Tình là bể khổ tác giả Nguyễn Thành Long do An Nam thư quán xuất bản 29-12-1927. Ảnh: NGUYÊN VẸN

Bạch Công tử (Lê Công Phước) ở Mỹ Tho cũng là một tay mê cải lương. Năm 1926, ông kết hợp với Nguyễn Ngọc Cương lập ra gánh Phước Cương, quy tụ các diễn viên nổi tiếng như: đào Năm Phỉ, kép Tám Danh, Ba Du, Tám Mẹo… Nhưng do bất đồng ý kiến nên sau một năm Phước tách ra xây dựng rạp Huỳnh Kỳ, quy tụ các diễn viên Phùng Há, Hai Nữ, Năm Thiên… Gánh thường diễn vở Giọt máu chung tình rất thành công, gây được tiếng vang trong công chúng với Phùng Há đóng vai Bạch Thu Hà và Năm Thiên vai Võ Đông Sơ. Chưa dừng lại, Bạch Công tử còn sắm bốn chiếc du thuyền và chơi sang như một ông hoàng: chiếc cho chủ nhân, chiếc cho diễn viên, chiếc cho ban nhạc và một cho đội bóng đá. Khi đến địa phương nào thì đội bóng đá lo thi đấu giao hữu, còn đoàn hát phục vụ văn nghệ cho người dân ở đó thưởng thức. Hoạt động này quá tốn kém tiền bạc nên vào năm 1939, gánh Huỳnh Kỳ giải tán.

Trong giai đoạn 1924 đến 1926, nghệ thuật cải lương đã phát triển mạnh, nhiều đoàn cải lương ở Nam Bộ ra tận miền Trung, miền Bắc trình diễn và được đông đảo quần chúng hâm mộ.

Dấu ấn Bạc Liêu

“Đoàn cải lương lập ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng lâu, trụ cột lâu, giàu có lớn mà soạn giả lại là người nổi tiếng cả nước thì tập trung ở Bạc Liêu. Có nhiều đoàn cải lương vừa lớn, vừa mạnh, vừa đông diễn viên tập hợp lực lượng hùng hậu. Chẳng hạn, đoàn Thanh Minh của ông Năm Nghĩa (cha nghệ sĩ Thanh Nga). Sau đó có thêm đoàn Hoa Sen, hai đoàn này làm đại bang trong thời kỳ này” - ông Trần Phước Thuận đúc kết.

Ở Việt Nam không có đoàn nào lớn bằng đoàn Thanh Minh của ông Năm Nghĩa và đoàn Hoa Sen của ông Bảy Cao ở Bạc Liêu. Hai soạn giả lừng danh và được ưu ái nhất là ông Mộng Vân và Yên Lang cũng ở Bạc Liêu. Mộng Vân với 68 kịch bản (vở cải lương) nhiều kịch bản nhất Việt Nam. Những vở như Hỏa sơn thần nữ, Long hình quái khách… của Mộng Vân một thời làm mê mẩn mấy ông bà già xưa. Còn Yên Lang với những vở tuồng Mùa thu trên bạch mã sơn, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Tâm sự loài chim biển, Người phu khiêng kiệu cưới, Kiếp nào có yêu nhau… như thấm vào máu thịt của bao thế hệ mê cải lương vùng đất phương Nam.

Có ý cho rằng sở dĩ các đoàn hát ở Bạc Liêu tồn tại lâu là do xứ sở này có nhiều người giàu. “Nói giàu thì không hẳn. Bởi mấy ông chủ đoàn này không phải xuất thân nhà giàu. Nhưng đoàn hát những ông này quá lớn và thành công nên sau này thì giàu. Họ lập đoàn hát là do đam mê. Ngược lại, mấy ông nhà giàu, lập đoàn hát không bền như đoàn Thái Dương của ông đốc Tùng” - ông Trần Phước Thuận lý giải.

NGUYÊN VẸN

 

Điểm khác giữa đờn ca tài tử và cải lương

Đờn ca tài tử và cải lương tuy cùng nguồn gốc nhưng hai loại hình nghệ thuật này cũng có nhiều chỗ khác nhau:

- Đờn ca tài tử trình diễn trên sân khấu, ở sân đất hoặc trong nhà, ngoài vườn hay trên ghe tàu… đều được. Nghệ thuật cải lương chỉ thực hiện trên sân khấu mà thôi.

- Đờn ca tài tử khi trình diễn không cần thiết phải hóa trang. Diễn viên sân khấu cải lương luôn phải hóa trang từ y áo đến mặt mày.

- Đờn ca tài tử rất đơn giản khi trình diễn, không cần thiết phải có kịch bản. Nghệ thuật cải lương khi thực hiện phải có kịch bản, diễn viên luyện tập thuần thục mới biểu diễn.

- Đờn ca tài tử và cải lương đều dùng bài bản cổ nhạc nhưng đờn ca tài tử nghiêng về bản tổ, cải lương nghiêng về bản vắn. Đờn ca tài tử thường dùng trọn bản, cải lương chỉ dùng một lớp, một đoạn.

- Đờn ca tài tử chú trọng ca ngâm, cải lương chú trọng cả ca ngâm lẫn vũ đạo.

- …

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm