Cách phạt giao thông ở các nước

Nhiều ý kiến cho rằng việc kết hợp phát hiện lỗi vi phạm khi tham gia giao thông và xử phạt hành chính tại chỗ sẽ dẫn tới nhiều tiêu cực, trong đó nhức nhối nhất là nạn mãi lộ. Thế nên, tại các nước phát triển, việc thu tiền phạt các hành vi vi phạm luật giao thông được chuyển cho một cơ quan chuyên trách, có phạm vi và quyền hạn tách biệt với cơ quan cảnh sát giao thông (CSGT).

Cơ quan quản lý đường bộ thu tiền phạt

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hồng Hiệp (hiện là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH New South Wales, Úc) chia sẻ kinh nghiệm: “Tại Úc, việc xử lý vi phạm giao thông được phân chia minh bạch giữa khâu xử phạt hành vi vi phạm và khâu thu tiền phạt. Cùng nắm đầy đủ thông tin về vi phạm nhưng cơ quan CSGT được quyền xử phạt, cơ quan phụ trách về đường bộ sẽ chịu trách nhiệm thu tiền phạt”.

Ông Hiệp cho biết thêm, người lái xe vi phạm lỗi cơ bản như chạy quá tốc độ, đi sai tuyến đường… sẽ không bị tịch thu bất kỳ giấy tờ gì, kể cả bằng lái. Tuy nhiên, mỗi bằng lái xe đều có số điểm nhất định. Mỗi lần người điều khiển phương tiện giao thông phạm lỗi, tùy vào mức độ nặng, nhẹ mà số điểm này sẽ bị trừ nhiều hay ít. Đối với các lỗi nghiêm trọng, bằng lái có thể bị cơ quan quản lý đường bộ tước bỏ và người vi phạm phải học lại, thi lại.

Từ việc xác định lỗi vi phạm do camera ghi lại, cơ quan cảnh sát nước ngoài sẽ ra văn bản xử phạt và gửi đến nhà chủ phương tiện vi phạm. Ảnh: Washingtontimes.com

Một điều đáng lưu ý là hình thức “phạt nóng”, nghĩa là phạt trực tiếp dường như không có. Mọi hoạt động giao thông được hệ thống camera quan sát và phát hiện lỗi vi phạm. Người vi phạm ở bất kỳ vị trí nào đều sẽ nhận được một biên bản (được gửi đến tận nhà). Trong đó, thông tin bao gồm lỗi vi phạm (mã số của lỗi theo luật định), số tiền phạt, địa điểm vi phạm.

Tại Úc, người vi phạm luật giao thông có 28 ngày để tiến hành nộp phạt; hoặc xin gia hạn thời gian nộp phạt; hoặc xin thay việc nộp phạt bằng các hình thức phạt khác, ví dụ lao động công ích. Thậm chí người vi phạm còn có thể xin rút phiếu phạt (nếu có lý do chính đáng), hoặc từ chối lỗi vi phạm. Trường hợp từ chối vi phạm, cơ quan cảnh sát và cá nhân sẽ cùng nhau ra tòa án để giải quyết.

Tương tự Úc, tại Đức, Mỹ hay Malaysia cũng áp dụng biện pháp xử phạt riêng và thu tiền phạt riêng. Bạn Nguyễn Thúy Vy (công dân Mỹ gốc Việt) kể: “Ở Mỹ, người vi phạm giao thông không cần biết là ai, đều được nhận diện bằng biển số xe. Khi nhận được phiếu báo vi phạm luật giao thông, người vi phạm phải đến cơ quan quản lý đường bộ để nộp phạt chứ cảnh sát không được phép nhận tiền phạt tại chỗ”.

Ảnh 2: Hầu hết các nước phát triển, thậm chí là đang phát triển như Malaysia, camera được sử dụng để giám sát giao thông. Ảnh: Wikipedia

Anh Osk Seng Kuan, sinh viên Trường ĐH Malaya (Malaysia) cho biết: “Việc phân tách giữa xử phạt và thu tiền phạt sẽ giúp ngăn chặn tình trạng hối lộ. Cho nên dường như 100% các trường hợp vi phạm giao thông tại Malaysia, dù nhận quyết định xử phạt từ cảnh sát hay thông qua giấy báo vi phạm từ ghi nhận của camera, đều phải nộp phạt tại cơ quan chuyên trách xử lý hành chính hoạt động tách biệt với quyền hạn của CSGT”.

Thu phạt qua Internet

Cũng theo ông Hiệp và ông Trương Minh Huy Vũ, nghiên cứu sinh tại ĐH Bonn (CHLB Đức), hệ thống theo dõi giao thông, phát hiện lỗi và yêu cầu nộp phạt tại Úc hay Đức đều được hiện đại hóa. Các xe cảnh sát chạy ngoài đường có gắn camera để ghi lại tất cả biển số xe trên đường. Hệ thống điện tử sẽ cho biết biển số nào có vấn đề (ví dụ chưa nộp phạt, hết hạn đăng ký...), cảnh sát sẽ cho dừng xe có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra và in phiếu phạt tại chỗ.

Người vi phạm có thể nộp phạt bằng hai cách, bao gồm đến trực tiếp cơ quan quản lý giao thông đường bộ để nộp phạt hoặc vào trang web của cơ quan đó để nộp phạt bằng tài khoản thẻ. Nhờ vào hệ thống điện tử hiện đại và phổ biến nên tất cả người vi phạm giao thông ở các khu vực tại Úc, Đức đều có thể nộp phạt mà không quá bị ảnh hưởng đến thời gian cũng như chịu các thủ tục rườm rà.

Riêng tại Malaysia, anh Osk Seng Kuan cho biết: “Hầu hết người dân đều chọn sử dụng hệ thống nộp phạt trực tuyến, vì nó tiện lợi hơn và người nộp phạt không cần chạy tới chạy lui, mất thời gian và ảnh hưởng đến công việc làm ăn”.

CSGT ở nhiều nước giữ vai trò điều phối phương tiện, xử lý tai nạn giao thông chứ không có quyền thu tiền xử phạt. Ảnh: Wikipedia

Đối với các trường hợp vi phạm nhưng không nộp phạt đúng quy định, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục gửi đến người vi phạm phiếu phạt lần hai.

Ở lần này, mức phạt có thể tăng lên thêm vài chục phần trăm, thậm chí gấp đôi, gấp ba lần số tiền phạt cũ tùy vào thời gian, tính chất, mức độ nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, ở Úc, nếu sau lần hai người vi phạm vẫn không chịu tiến hành nộp phạt thì người điều khiển phương tiện vi phạm đó sẽ bị đưa vào danh sách đen sẽ bị dừng xe bất kỳ lúc nào để xử lý.

Như vậy, nhiều nước phát triển đều dùng hình thức “phạt nguội” qua mạng Internet bằng thẻ tín dụng. Việc này vừa không cản trở lưu thông của người dân, vừa hạn chế các hình ảnh không đẹp của CSGT, vừa hạn chế các nguy cơ mãi lộ, lại tạo ra sự tiện lợi cho người vi phạm nộp phạt.

Minh bạch thông tin để kiểm soát lẫn nhau

Nhấn mạnh về tính công bằng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm giao thông, ông Hiệp đưa ra kinh nghiệm của Úc: “Tại đây, mỗi phương tiện giao thông đều được kiểm soát bằng việc mã hóa biển số xe. Hệ thống vi tính sẽ cập nhật đầy đủ thông tin của các phương tiện nên người lái xe không dám làm bừa”.

Bên cạnh đó, thông tin vi phạm của các phương tiện cũng được cập nhật liên tục và đầy đủ để cơ quan CSGT lẫn cơ quan quản lý đường bộ đều nắm rõ. Dựa trên thông tin này, hai cơ quan xử phạt và thu tiền phạt sẽ hoạt động độc lập, kiểm soát nhau. Vậy nên lực lượng chức năng nói chung nếu muốn gian lận, hối lộ cũng không thể được.

Như vậy, khi minh bạch thông tin thì số lượng đối tượng vi phạm, cũng như nguy cơ tiêu cực trong xử phạt hành chính cũng sẽ giảm đi đáng kể.

Trong khi đó, nếu áp dụng hình thức phạt “nóng” hay xử phạt tại chỗ, việc minh bạch thông tin rất khó thực hiện. Bởi lẽ thông tin vi phạm sẽ không đến được với cơ quan quản lý mà chỉ dừng lại giữa cảnh sát và người vi phạm. Nếu người vi phạm cố tình đưa hối lộ hoặc giả cảnh sát dễ dàng cho qua thì cũng không ai biết cả.

Triết lý đơn giản nhưng hiệu quả của hầu hết các nước phát triển trong việc quản lý và xử phạt vi phạm giao thông là hạn chế tối đa sự tiếp xúc “mặt đối mặt” giữa cảnh sát (người có thẩm quyền ra văn bản cáo buộc vi phạm) và người lái xe. Tách bạch giữa “xử” và “thu phạt” vừa không tạo điều kiện “làm xấu” hình ảnh CSGT, vừa hạn chế những va chạm không hay giữa cảnh sát và người dân.

ĐỖ THIỆN

 

Chủ yếu dùng camera giám sát vi phạm

Tại nhiều nước phát triển như Úc, Mỹ, Đức hay Hàn Quốc… hầu như tất cả tuyến đường đều có gắn hệ thống camera theo dõi giao thông. Hệ thống này ghi nhận lỗi vi phạm để sau đó chuyển biên bản về địa chỉ người lái xe phạm lỗi. Đồng thời hệ thống này còn có chức năng ghi nhận tình hình giao thông, tệ nạn trộm cướp hay tội phạm, phát hiện tai nạn giao thông… Từ đó, cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Thậm chí tại New York (Hoa Kỳ), hệ thống camera được đưa trực tiếp lên trang web của Phòng Giao thông thành phố (http://nyctmc.org/) để toàn thể người dân có thể theo dõi tình hình giao thông trên toàn thành phố.

Ông Trương Minh Huy Vũ, nghiên cứu sinh tại ĐH Bonn (CHLB Đức) cho hay: “Tại Đức, rất hiếm khi thấy CSGT ở ngoài đường. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt như có tai nạn giao thông xảy ra thì cảnh sát mới xuất hiện”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm