Các thầy dạy vua triều Nguyễn (kỳ 2): Trần Văn Dư - thầy hai vua

Con đường khoa cử của Trần Văn Dư không hanh thông nhưng ông là người có tư chất thông minh, ham học từ nhỏ. 

Thầy dạy hai vua

Trần Văn Dư hiệu là Hoán Nhược, sinh ngày 15 tháng 11 năm Kỷ Hợi (31 tháng 12 năm 1839), tại làng An Mỹ Tây, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).

Trường THPT mang tên danh sĩ Trần Văn Dư ở quê nhà Phú Ninh (Quảng Nam) - Ảnh Tư liệu

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho, năm 19 tuổi (1858), Trần Văn Dư đỗ tú tài. Mười năm sau mới đỗ cử nhân. Bảy năm sau đó ông mới đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.

Ông có người vợ là bà Nguyễn Thị Tộ (1839-1913), con cụ Phó bảng Nguyễn Dục (1807-1877) Tế tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử giám. Cụ Nguyễn Dục cũng là thầy của ba vua Dục Đức, Kiến Phúc và Đồng Khánh.

Tháng 10 (âm lịch) năm 1880, Trần Văn Dư được triệu về Huế làm Hàn lâm viện Thị độc, sung chức Giảng tập và dực thiện dạy Thụy quốc công Ưng Chân (sau này là phế đế Dục Đức, bố vua Thành Thái) và Ưng Ky (sau là vua Đồng Khánh). 

Trường Quốc học Huế, nơi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước - Ảnh NguyễnTý 

Thủ lĩnh phong trào Nghĩa hội

Trần Văn Dư có tinh thần yêu nước rất sớm. Tháng 2 (âm lịch) năm 1879, được điều động làm Tri phủ Quảng Oai (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Ở đây, ông bí mật liên lạc với các sĩ phu yêu nước, hợp tác với lực lượng của Hoàng Kế Viêm cùng mưu việc đánh Pháp. 

 Ngôi nhà của cụ Trần Văn Dư tại Quảng Nam - Ảnh tư liệu

Tháng 5 năm Ất Dậu (1885), cuộc phản công của phe chủ chiến ở Kinh thành Huế thất bại, Phụ chính Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống dụ Cần vương.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: "Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, triều Nguyễn nhận thấy việc cử Trần Văn Dư làm Sơn phòng sứ Quảng Nam là điều bất lợi cho "xu thế hợp tác" của họ, nên cử Phó bảng Nguyễn Đình Tựu (nguyên Tế tửu Quốc tử giám ở Huế) ra giữ chức ấy, đồng thời đưa Trần Văn Dư lên làm Bố chánh tỉnh này, nhưng ông từ chối.

Hưởng ứng dụ Cần Vương, Trần Văn Dư cùng với Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La Nguyễn Thành... thành lập Nghĩa hội Quảng Nam do ông làm Thủ hội.

Tháng 7 năm Ất Dậu (1885), ông thay mặt Nghĩa hội ra Bản Cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh đứng lên chống Pháp.

Ngày 4 tháng 9 năm đó, ông cùng Nguyễn Duy Hiệu, Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Bá Phiến, Nguyễn Hanh...chia quân ra làm nhiều cánh rồi cùng tiến đánh thành tỉnh La Qua (còn gọi là La Thành, tức thành tỉnh Quảng Nam), buộc Bố chánh Bùi Tiến Tiên, Tuần phủ Nguyễn Ngoạn, Án sát Hà Thúc Quán phải dẫn quân rút chạy... Liên quân tiếp tục truy kích, đến tháng 10 năm 1885, thì các căn cứ của Nghĩa hội ở Đại Lộc, Quế Sơn, Tam Kỳ, Dương Yên, An Lâm, Đại Đồng... lần lượt bị vây đánh và thất thủ.

Trò hại thầy

Các thầy dạy vua triều Nguyễn (kỳ 2): Trần Văn Dư - thầy hai vua ảnh 5

Vua Đồng Khánh (1864 – 1889), học trò và là người hại thầy - Ảnh: Nguyễn Tý chụp lại

Trong lúc gặp nguy nan, tháng 12 năm 1885, Trần Văn Dư giao quyền Thủ hội cho Nguyễn Duy Hiệu để ra Huế gặp vua Đồng Khánh (từng là học trò của ông), nhằm tìm ra một giải pháp.

"Dọc đường, ông bị quyền Tuần phủ sứ Quảng Nam Châu Đình Kế bắt giữ và báo với quân Pháp. Ông đã có những lời mắng chửi tên Tuần phủ này. Vì căm tức, Châu Đình Kế đã mượn tay quân Pháp để giết chết ông tại góc thành La Qua (tức thành tỉnh Quảng Nam) ngày 13 tháng 12 năm 1885. Khi ấy, ông mới 46 tuổi" (Dẫn theo Nguyễn Q. Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, NXB Văn hóa, 1999).

Về việc Trần Văn Dư hy sinh, nhà văn Thái Vũ viết: "Cuối năm Ất Dậu (12-1885), ông từ chối việc vua bù nhìn Đồng Khánh, cũng là học trò mình, vời ra làm quan và bị bắt giữ. Chính Đồng Khánh đã phê trong tập tấu của ông là “Cựu thần giảng dạy, chuẩn cho khoan miễn tội trước và cho giải tán binh dũng, về đợi chỉ” (Đại Nam thực lục, tr.78-79, tập 37, Hà Nội). 

Chính đây là một sai lầm của Trần Văn Dư khi viết tờ tấu, hẳn với ý định mong được thương thuyết với triều đình bù nhìn Huế, khi binh lực nghĩa quân đang ở thế yếu. Trong tình huống đó, ông tưởng rằng Đồng Khánh trong nghĩa thầy trò có thể giúp cho mình hoãn binh, nhưng đáng tiếc, sự việc hoàn toàn ngược với dự tính ban đầu. 

Tên ông ngày nay được dùng để đặt cho một trường phổ thông trung học lớn ở quê nhà Phú Ninh (Quảng Nam). Đáng tiếc nhiều tài liệu sử học ngày nay không còn lưu giữ được hình ảnh của cụ. 

 

Vua Tự Đức bình phẩm về ông:“Nay nghĩ Trần Văn Dư, tước An Tịnh đạo, Giám sát ngự sử là người có văn học, tài năng; lại hay mưu hoạch, biết trị sự và đủ tiết tháo trong sự nghiệp, thích đương với chính trị, lại trong sạch, cẩn thận và chuyên cần trong việc chăm dắt, răn giới dân trong cương vị một vị quan mẫu mực.

Ngoài ra, Dư còn sáng suốt, lại đảm đương, biết kính lo và hay chịu đựng cùng những công tích sáng ngời đáng được biểu dương tại chốn triều nghi.

Kính thay

Tự Đức năm thứ ba mươi sáu ngày 30 tháng 3”.

(Theo Nguyễn Q. Thắng,Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2005).

Kỳ 3: Mai Khắc Đôn - thầy vua Duy Tân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm