Các thầy dạy vua triều Nguyễn (kỳ 1): Phạm Phú Thứ thầy vua Tự Đức

Điểm lại những vị thầy từng gánh trọng trách dạy học cho các vua triều Nguyễn như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Dục, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Mai Khắc Đôn... đến nay vẫn được nhắc đến như tấm gương về sự uyên bác và nhân phẩm cao đẹp. 

Thầy dạy vua Tự Đức là danh sĩ, danh thần Phạm Phú Thứ.

Thông minh xuất chúng

Phạm Phú Thứ có cuộc đời đầy thăng trầm, khi thì làm Thượng thư (Bộ trưởng) bộ Hộ (Tài Chính), có lúc làm án sát (Chánh án), có khi lại bị giáng làm lính cắt cỏ ngựa.

Các thầy dạy vua triều Nguyễn (kỳ 1): Phạm Phú Thứ thầy vua Tự Đức ảnh 1
Danh sĩ, danh thần Phạm Phú Thứ  (1821-1882) - Ảnh tư liệu

Trong Từ điển tác gia Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng viết: "Danh sĩ, danh thần triều Nguyễn lúc nhỏ có tên là Hào, đi học lấy tên là Thứ (rộng lượng), đến khi đỗ đại khoa, được vua Tự Đức đổi là Thứ (đông đúc), tự là Giáo Chi, hiệu là Trúc Đường (nhà tre), biệt hiệu của Giá Viên (vườn mía) và hai biệt hiệu nữa ít dùng là: Thúc Minh (bó cái sáng lại) và Trúc Ẩn (núp trong tre). Quê làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Tổ năm đời vốn họ Đoàn, gốc ở miền Bắc, vào ở xã Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mới đổi họ là Phạm Phú. Từ đó cho đến mấy thế hệ sau, dòng họ Phạm Phú này chỉ là nhà nông khuôn mẫu, có tiếng đức hạnh, thương người nghèo khó trong làng".

Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo. Cha ông là Phạm Phú Sung, mẹ là bà Phạm Thị Cẩm (người làng Trừng Giang, và là con gái một ông đồ). Cũng theo tác giả Nguyễn Q. Thắng, Phạm Phú Thứ mồ côi mẹ khi mới bảy tuổi. Bẩm tính thông minh, đọc sách chỉ xem qua một lần là thuộc, lại thêm ham mê học tập, nên từ năm 12 tuổi đã nổi tiếng ở trường Phủ. Lớn lên ông liên tiếp đạt những thành tích rực rỡ trong thi cử". 

Đó là vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Phạm Phú Thứ dự thi Hương, đỗ Giải nguyên khi mới 21 tuổi. Năm sau (Quý Mão, 1843), dự thi Hội, ông cũng đỗ đầu (Hội nguyên). Khi vào thi Đình, ông đỗ luôn Tiến sĩ cập đệ.

Dùng lời can gián vua bị đày làm lính

Các thầy dạy vua triều Nguyễn (kỳ 1): Phạm Phú Thứ thầy vua Tự Đức ảnh 2
 Vua Tự Đức (1829 – 1883) -Ảnh Nguyễn Tý chụp lại

Tài năng, đức độ, thanh liêm, ông được cử vào cung, trực tiếp làm thầy dạy cho vua Tự Đức. Đó là năm Tự Đức thứ hai (1849), Phạm Phú Thứ được điều về Huế, nhậm chức Kinh diên khởi cư chú (chấm câu và hiệu chính các chỗ in sai trong sách), giảng nghĩa sách cho vua Tự Đức nghe. 

Một năm trời mưa lụt liên miên, rét lạnh cả tháng, vua không theo lệ đến nghe giảng, cũng không hỏi han gì đến việc học. Theo Quốc triều chính biên, Phạm Phú Thứ đã dâng sớ hỏi vua về việc sao nhãng học tập, trách vua quá đặt nặng lời khuyên kiêng cữ của các ngự y, nhất là lời các quan triều tâu việc dân tình không thật mà thiếu bổn phận thiêng liêng trong việc chăn dân giữ nước...

Theo nhà văn Thái Vũ, hậu quả của tờ sớ ấy là ông bị chính nhà vua cách chức, đày vào Nong, phía Nam Thừa Thiên làm lính trơn. Một năm sau vua nguôi giận, cho phục chức để rồi qua năm 1863 cho làm Phó sứ cùng Ngụy Khắc Đản theo sứ đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp... 

Phạm Phú Thứ là nhà khoa học lớn, đã viết nhiều sách và dâng lên vua Tự Đức trước cả Nguyễn Trường Tộ.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, viết: "Năm 1850, thấy nhà vua ham vui chơi, lơ là việc triều chính, ông mạnh dạn dâng sớ can gián, nên bị cách chức và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Xét án, triều đình khép ông vào tội đồ (đày đi xa); song nhà vua cho rằng đó chỉ là "lời nói khí quá khích, không nở bỏ, nhưng răn về (tính) nóng bậy", nên ông chỉ bị đày làm "thừa nông dịch" (lính trạm chuyên chạy về việc canh nông) ở trạm Thừa Nông (Huế)".

Lưu danh sử sách

Năm Tự Đức thứ 35 (Nhâm Ngọ, 1882), Phạm Phú Thứ mất tại quê nhà thọ 61 tuổi. 

Vua Tự Đức thương tiếc người thầy, ban dụ: "Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. 

Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, Thứ tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần". 

Theo GS. Trần Văn Giáp, sau đó ông còn được ban tên thụy là Văn Ý công . Ngày nay, tên ông được đặt cho hai đường lớn tại quận Tân Bình và quận 6 (TP.HCM) và nhiều tỉnh thành khác.

Kỳ 2: Trần Văn Dư - thầy hai vua

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm