Buồn, vui đài huyện

Phóng viên ĐTTTH Đức Phổ tác nghiệp (ảnh nhỏ). Ảnh: H.N

    Tiếng: Tút… tút… từ chiếc máy điện thoại lẫn trong tiếng gầm gào của mưa gió. Tôi vội gọi lại số ban nãy nhờ xác minh thông tin với hy vọng đấy là sự nhầm lẫn. Vẫn giọng nói gấp gáp: “Không nhầm đâu. Anh đến ngay cho kịp…”. Hồng Sen nằm trên chiếc băng ca phủ vải trắng muốt với gương mặt nhợt nhạt. Tôi cùng những đồng nghiệp lặng lẽ đưa em về nhà, nơi có bé thơ khóc hờ vì nhớ mẹ. Tiếng nức nở lẫn vào mưa gió. Ánh mắt thơ ngây của bé Khang (con của Hồng Sen) ngơ ngác, chưa hiểu nỗi đau mất mẹ, làm mọi người nhói lòng…

    Đêm 9.11.2013, em đã ra đi mãi mãi sau vụ tai nạn trên đường đi tác nghiệp ghi nhận thông tin siêu bão Haiyan. Trước đó nửa giờ đồng hồ, Hồng Sen cùng đồng nghiệp lót dạ vài chiếc bánh xèo rẻ tiền. Nghe tin nước lũ sông Trà Câu lên nhanh, em khoác vội áo mưa, đi xe máy đến hiện trường nắm bắt thông tin để viết tin, bài dự kiến thu - phát ngay trong đêm. Ai ngờ…

    “Nhà báo” khôngthẻ hành nghề

    Đài truyền thanh huyện ít biên chế, chúng tôi phải kiêm nhiệm nhiều việc: Phóng viên, biên tập, phát thanh viên và nhiều việc khác. Nhiều khi, chúng tôi phải mang máy ghi hình vượt hàng chục cây số bằng xe máy giữa trưa nắng hay mưa gió để ghi lại những vụ việc “nóng bỏng, làm tư liệu cho huyện”. Buồn thay! Những “tư liệu” ấy chỉ nằm yên trong máy vi tính, vì phóng viên đài huyện “ăn lương của huyện thì không nên vạch áo cho người xem lưng”. Thường ngày, phóng viên đài huyện luôn tất bật với những cuộc họp, xuống tận hiện trường nắm bắt tin tức, ghi âm, ghi hình và cả chụp ảnh. Sau đó, chúng tôi vội phóng xe máy trở về cơ quan khẩn trương hoàn tất bản tin. Những đĩa cơm vỉa hè ăn vội, lắm khi phải nhịn đói để kịp thu thanh và phát sóng vào chiều tối. Mỗi tin được tính với mức nhuận bút mươi nghìn đồng, bài phản ánh, phóng sự… với mức vài chục nghìn đồng. Hằng tháng, mỗi phóng viên phải viết đủ khoản tiền 60% so với lương hiện hưởng và sẽ được nhận khoản dư sau khi trừ định mức. Vì thế chuyện nhuận bút của phóng viên đài huyện nếu có cũng chỉ là “hương hoa cho đời thêm ý vị”. Và để hoàn thành nhiệm vụ theo mức lương, nhiều phóng viên phải gắng sức cả ngày lẫn đêm thu thập tư liệu, viết tin, bài. Vậy nên mới có chuyện khôi hài: Nhiều phóng viên đài huyện luôn lo lắng khi đến kỳ hạn lên lương hay khi nghe tin sắp tăng lương cơ bản.

    Thẻ nhà báo là giấy thông hành đối với mỗi phóng viên. Thế nhưng, với phóng viên đài huyện, điều ấy là chuyện không dám mơ tưởng. Nhiều người bảo cho xem thẻ nhà báo trước khi trả lời phỏng vấn và đón nhận giấy giới thiệu của đài huyện từ tay chúng tôi với thái độ lạnh nhạt: “Xin lỗi! Hẹn khi khác. Giờ đang bận nên không thể tiếp chuyện”. Thế nhưng, họ lại “vui vẻ” tiếp đón trọng thị phóng viên báo trung ương, dù biết rằng những khuyết điểm của họ sẽ bị đưa lên mặt báo. Với họ thì “phóng viên đài huyện là cái (thá) gì mà phải cung cấp thông tin?”. Nhiều ngườisổthẳng vào mặt chúng tôi: “Tụi mày mà báo chí cái gì? Báo đời thì có…”. Nhằm xóa bỏ định kiến của nhiều người, tôi cùng với đồng nghiệp đài huyện đã gắng sức tìm kiếm thông tin, đề tài để viết tin, bài cộng tác với báo, đài cấp trên.

    Cán bộ, phóng viên ĐTTTH Đức Phổ và ĐTTTH huyện Minh Long tại bãi biển Châu Me, xã Phổ Châu (Đức Phổ, Quảng Ngãi).
    Cán bộ, phóng viên ĐTTTH Đức Phổ và ĐTTTH huyện Minh Long tại bãi biển Châu Me, xã Phổ Châu (Đức Phổ, Quảng Ngãi).

    Và những chuyện vui

    Thu nhập của phóng viên đài huyện chủ yếu từ khoản tiền lương eo hẹp. Vì thế, khoản nhuật bút từ việc cộng tác với báo, đài cấp trên đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường ngày để tiếp tục gắn bó với nghề. Để có những thông tin nhanh gửi về tòa soạn, không chỉ có phóng viên mà còn có sự đóng góp công sức của các thông tín viên. Họ là những “ăng ten” ở các địa phương, nghe ngóng sự việc rồi thông báo cho phóng viên. Vì vậy, chúng tôi luôn trân trọng và giữ mối liên hệ khá tốt với những “phóng viên không tên” luôn tận tâm vì nghề báo. Và cũng chính sự gắn bó ấy đã đưa tôi trở thành phó nháy bất đắc dĩ, chụp ảnh thuê trong tiệc cưới.

    Chuyện là người bạn công tác tại UBND xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) thường cung cấp cho tôi thông tin vừa xảy ra ở khu vực Sa Huỳnh. Ngoài giờ làm việc, anh nhận chụp ảnh thuê để kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Bữa nọ, tôi nhận điện thoại của anh với giọng van nài: “Chú giúp anh với! Anh quên nên nhận chụp ảnh cùng lúc hai tiệc cưới, nhưng không tìm ra thợ vì hôm ấy là chủ nhật, đám tiệc khá nhiều. Nếu chú không giúp thì họ sẽ không để yên, anh chỉ còn bỏ xứ đến nơi khác…”. Tôi đành miễn cưỡng nhận lời dù chưa bao giờ chụp ảnh trong tiệc cưới.

    3 giờ sáng, tôi khoác áo mưa phóng xe máy vượt gần 20km đến nhà anh. Sau hơn nửa giờ đồng hồ hướng dẫn những kỹ năng thiết yếu của thợ ảnh, anh đưa tôi đến gia đình chú rể là ngư dân thường đánh bắt hải sản dài ngày trên biển. Mọi người đón tiếp khá niềm nở khi nghe anh bạn giới thiệu tôi là phóng viên. Bố của chú rể tầm tuổi ngũ tuần vỗ vào vai tôi tuyên bố: “Chú em đây sẽ đạo diễn trong suốt lễ cưới”. Tôi lau vội mồ hôi trên trán dù trời đang rét mướt. Trước bàn thờ gia tiên, cả họ nhà trai hồi hộp chờ đợi sự hướng dẫn của tôi và thở phào mỗi khi ánh đèn flash từ chiếc máy ảnh lóe sáng. Xong lễ, trước giờ xuất hành đến nhà gái đón dâu, bố của chú rể và bậc cao niên trong họ đến vỗ vai tôi: “Chú em chụp ảnh tốt quá, khung cảnh trang nghiêm chứ không đùa giỡn như những tay thợ bình thường. Phóng viên có khác”.

    Trên đường cuốc bộ đến nhà cô dâu, tôi mang máy ảnh xăng xái chạy tới lui để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của đời người. Cả đoàn rước dâu như tạm ngừng bước mỗi khi thấy tôi nâng chiếc máy ảnh. Lễ đưa dâu bên nhà gái diễn ra suôn sẻ sau những lần bấm máy ghi lại những nụ cười tươi của hai bên gia đình. Tôi chợt giật thót người khi nghe chú rể quay sang hỏi nhỏ: Sao anh không bảo em đeo nhẫn cho vợ để anh chụp hình? Chết thật! Bạn tôi đã quên hướng dẫn tình tiết này. Như hiểu ý con trai, ông bố vội đưa mắt ngầm bảo “về bên đó hãy chụp!”, rồi nhìn tôi mỉm cười khích lệ.

    Tiệc cưới khá náo nhiệt với tiếng nói cười cùng tiếng cụng ly và lời ca, tiếng nhạc sôi động từ những chiếc loa công suất lớn. Tôi phải tháp tùng bố mẹ của chú rể cùng với đôi uyênương đến tận từng bàn tiệc để chụp ảnh họ chúc mừng quan khách. Bố của chú rể nâng cả hai ly bia với vẻ mặt hân hoan vì con trai của ông đã tìm được người bạn trăm năm. Sau những tiếng dzô… dzô… ông lại uống cạn ly bia bên tay phải rồi ép tôi phải cạn ly bên tay trái. Ông tâm sự: “Ngày vui của cháu mà có chú em đến đây thật là đáng quý. Ráng sức chơi vui cùng với gia đình. Nếu chụp thiếu ảnh cũng chẳng sao cả, chú cứ yên tâm…”. Và chưa đến mươi bàn thì tôi đã ngất ngây sau những lần “cạn một trăm phần trăm đi, chú em ơi”. May mắn là anh bạn thợ ảnh chính hiệu trở lại khi tôi sắp nhấc không nổi chiếc máy ảnh. Dẫu vậy, giờ mỗi lần đến dự tiệc cưới, nhiều người vẫn cứ bảo tôi phải cầm máy ảnh “vì chú em có năng khiếu”.

    Bây giờ là thời của Internet, hệ thống truyền hình và báo mạng gần như đã phủ sóng hầu khắp làng quê, đến từng gia đình. Nhưng nhiều người dân quê tôi vẫn chăm chú theo dõi khi nghe tiếng nhạc hiệu và lời xướng: “Đây là Đài Truyền thanh - Truyền hình Đức Phổ” trên sóng phát thanh vào hai buổi sáng - tối. Nhiều người đùa vui: “Tụi bay nói chuyện qua loa, nhưng bữa nào không nghe lại thấy nhớ”. Bấy nhiêu đó cũng đủ cho chúng tôi gắng sức vượt quan khó.

    TheoHỮU NHÂN(Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm