KHỞI NGHIỆP TRẺ - BÀI CUỐI

Biến người dùng thành nhà thiết kế chuyên nghiệp

Nhận thấy nhu cầu của những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là muốn có được những thiết kế đồ họa, những bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng, đẹp mắt, phù hợp với yêu cầu cá nhân, công ty của anh Nguyễn Kim Đính đã thực hiện dự án có tên là Uplevo. Nơi biến bất cứ một người dùng nào cũng có thể trở thành nhà thiết kế chỉ với những click chuột đơn giản mà không mất phí, hoặc mất phí rất thấp.

Mục đích tối thượng: Rút ngắn chu trình

Nếu hình dung Uplevo như một căn bếp thì Nguyễn Kim Đính (CEO của dự án này) có thể coi như một bếp trưởng. Bởi trên không gian mạng đó Uplevo không chỉ bày bừa những nguyên liệu để người dùng lựa chọn và chế biến món ăn theo ý mình mà họ còn được tư vấn, hỗ trợ bởi những người có chuyên môn thiết kế của công ty.

Uplevo chỉ mới chính thức được khai sinh trong khoảng 3-4 tháng nay. Tuy nhiên, để có sự chào đời này, dự án đã được thai nghén trong vòng gần một năm với nỗ lực của đội ngũ cả thiết kế lẫn công nghệ. Nói về ý tưởng cho sự ra đời này, Nguyễn Kim Đính chia sẻ: “Tôi làm trong lĩnh vực thiết kế và truyền thông thương hiệu được khoảng 10 năm. Trong thời gian đó tôi nhìn thấy trong nghề thiết kế đa số là đơn lẻ và tự hỏi tại sao không đóng gói được nó, tất cả mọi thứ đều đóng gói được, đều đi vào quy trình được tại sao những ngành sáng tạo lại không?”.

“Đóng gói” theo định nghĩa của anh Đính đó chính là tạo ra những định dạng về thiết kế có sẵn để gợi mở cho người dùng, giúp họ chỉ cần thêm vào đó ý tưởng của mình, lựa chọn được hình ảnh ưa thích, thông điệp hướng tới để tạo ra một thiết kế ưng ý. Một thực tế khác giúp Nguyễn Kim Đính quyết tâm thực hiện một việc mà dường như ở Việt Nam và trên thế giới cũng chưa có người làm đó là: “Khi bắt tay vào thực tế thì chúng tôi nhận thấy có sự phân luồng thành nhiều cấp khác nhau. Các ông lớn họ có tiền, có điều kiện, có nhân sự, kinh nghiệm… họ quan tâm đến làm bài bản và họ thuê đội ngũ bài bản. Nhưng ngược lại các doanh nghiệp nhỏ, ít tiền thì họ thuê các doanh nghiệp thậm chí họ làm tàm tạm cho có sau đó chịu thiệt thòi” - anh Đính nói.

Anh Nguyễn Kim Đính bên sản phẩm của mình. Ảnh: HVT

Trong khi đó theo đánh giá của anh Đính, gần đây ngành công nghệ phát triển rất mạnh, từ Facebook đến Google đã sinh ra một nhóm kinh doanh mới là kinh doanh cá thể, kinh doanh cá nhân. Họ có khi là một bà bầu đang trong thời gian chờ sinh đẻ, họ có khi là những người năng động muốn thử sức trong môi trường kinh doanh online. Số lượng đó rất nhiều, cực kỳ khổng lồ nhưng đa phần tất cả thiết kế để phục vụ mục tiêu quảng bá sản phẩm thì họ tự làm và tạo ra những thiết kế không đạt chuẩn, không truyền tải được thông điệp về sản phẩm của mình cũng như thu hút sự chú ý của khách hàng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp nhỏ cũng vướng vào tình trạng tương tự, họ không có kiến thức về thiết kế, không có tiền để đi thuê thiết kế mà đặc biệt là kinh doanh online cần thời gian rất nhanh, họ bị vướng mắc vào thời gian, chi phí, không có chuyên môn, không có ban bệ để duyệt.

“Chúng tôi muốn sử dụng công nghệ kết hợp với design (thiết kế) để làm sao rút ngắn được các chu trình, giảm thiểu chi phí, thời gian, tốc độ thay vì khách hàng phải ký hợp đồng rồi chuyển đi chuyển lại cực kỳ lâu thì người dùng có thể làm trực tiếp trên đấy, ngắn nhất có thể, họ có thể tự lựa chọn các file mẫu và chỉnh sửa theo ý mình mà không phải chờ đợi. Mục tiêu tối thượng của chúng tôi là giúp mọi người cắt ngắn, rút gọn các chu trình” - CEO của Uplevo nói về lý do thực hiện dự án.

Giá thiết kế bằng cốc cà phê

Với Uplevo người dùng không cần phải có sự hiểu biết về mảng thiết kế hay công nghệ, chỉ cần có tài khoản lựa chọn các file mẫu có sẵn trên ứng dụng, đưa vào đó những hình ảnh, chữ viết… chỉ trong vòng 5-10 phút người dùng có thể tạo ra đủ mọi thiết kế phục vụ nhu cầu kinh doanh của bản thân. Thậm chí nếu cần người dùng cũng có thể kêu gọi sự thẩm định từ đội ngũ thiết kế luôn đứng sau ứng dụng.

Theo anh Nguyễn Kim Đính, Uplevo cũng phân khúc khách hàng, tùy vào nhu cầu mà khách hàng có thể lựa chọn các sản phẩm miễn phí hay trả phí: “Tuy nhiên, đối với những sản phẩm trả phí thì chi phí cũng rất thấp, đôi khi chỉ bằng một cốc cà phê” - anh Đính cho hay.

Sau một thời gian khởi động, hiện nay ứng dụng của anh đã có một lượng khách hàng tiếp cận mà anh thừa nhận là rất tốt, hằng ngày có hàng chục ngàn người truy cập để sử dụng dịch vụ, đồng nghĩa với việc nhiều sản phẩm cũng được tạo ra.

Tuy nhiên, để có những thành công bước đầu đó bản thân anh và êkíp cũng phải trải qua những khó khăn mà anh gọi là “điểm tắc nghẽn”. Anh tâm sự ban đầu khi ý tưởng về dự án hình thành anh cũng đặt cho mình một câu hỏi: Tại sao một mô hình thú vị như thế này mà trên thế giới hay ở Việt Nam không ai làm? Anh cũng tự đưa ra những câu trả lời, tự cảm thấy thỏa mãn. Thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy lòi ra điểm tắc nghẽn. “Điều khó khăn đó là biến những cái quen thuộc với những người dùng đang sử dụng phần mềm chuyên dụng như các phần mềm đồ họa. Khi đưa sản phẩm lên online chúng tôi mới phát hiện ra là các phần mềm chuyên dụng đều thuộc mã nguồn đóng, không có dữ liệu để làm mã nguồn mở. Điểm tắc nghẽn này khiến chúng tôi mất cực kỳ nhiều thời gian để giải quyết bài toán kỹ thuật này” - anh Đính nói.

Phải nhìn đường dài

Tự hào với giá trị cốt lõi mà Uplevo đang theo đuổi nhưng Nguyễn Kim Đính vẫn cho rằng con đường để Uplevo hoàn thành sứ mệnh của mình vẫn là một con đường dài. Ngoài việc phải thường xuyên cập nhật, khắc phục các lỗi nảy sinh, điều anh mong mỏi là muốn ứng dụng của mình gia tăng giá trị thực sự cho các sản phẩm của người Việt.

Anh kể có lần anh được nghe một chuyên gia người Pháp sau khi khảo sát thị trường Việt Nam đã nói rằng Việt Nam có nhiều sản phẩm, nhiều nông sản tốt nhưng không biết làm thương hiệu cho nó. Chuyên gia người Pháp này lấy ví dụ về những doanh nhân người Nhật Bản sang thu mua vải thiều của Việt Nam ở dạng thô, sau đó họ đem sang một nước thứ hai để đóng gói khi bán lại thì giá trị sản phẩm đã tăng lên hàng chục lần.

Anh nêu thực tế: “Ở Việt Nam các doanh nghiệp chỉ tập trung vào làm sản phẩm, tức là chỉ lo phần gốc mà quên đi cái bên ngoài và làm rất ẩu, làm giảm giá trị sản phẩm đi. Những người làm thiết kế ở nước ta đối với bề mặt bên ngoài có tư tưởng làm cho nó xong, cho nó đẹp. Ở phương Tây thì họ đi vào câu chuyện mấu chốt làm sao chuyển tải được giá trị sản phẩm chứ không phải đơn thuần là làm cho đẹp, còn đương nhiên đẹp là nhiệm vụ của người làm thiết kế rồi”.

Đi kèm với đó là tâm lý của người dùng. Theo dõi lượng khách hàng trên Uplevo anh nhận thấy đối với khách hàng nước ngoài khi truy cập vào ứng dụng họ thường làm nghiêm túc, tạo ra sản phẩm thực tế, trong khi đó người Việt vẫn có người chỉ coi đó như là nơi để chơi, để thử chứ không hướng tới việc tạo ra sản phẩm cho thương hiệu của mình. Một yếu tố khác đó là khách hàng trong nước họ muốn nói nhiều thông tin, nhiều ảnh trên một ý tưởng. “Thực tế chứng minh các quảng cáo thường tối giản, thông tin càng ít thì giúp thông tin được chuyển tải một cách nhanh nhất. Với điều này tôi nghĩ cần nhiều thời gian để khách hàng hiểu” - anh Đính bày tỏ.

Gọi con đường mình đi là con đường dài nhưng đem lại được những giá trị thực chất nhưng Nguyễn Kim Đính cũng cho rằng có bạn trẻ khởi nghiệp vẫn nhầm lẫn giữa kiên trì và cố đấm ăn xôi. Thêm vào đó, khởi nghiệp theo anh tất cả không phải chỉ một màu hồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm