Biển Đông: Hai câu chuyện ‘ràng buộc pháp lý’

Những nỗ lực ngoại giao của ASEAN trong vấn đề biển Đông đã đạt được một bước tiến mới, hay nói đúng hơn là một bước khởi đầu mới, khi Trung Quốc (TQ) chấp nhận bắt đầu tiến trình đối thoại xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Ngày 13-11 vừa qua, dự thảo khung COC đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-TQ, tổ chức tại thủ đô Manila của Philippines.

Xây dựng lòng tin

Theo GS Carlyle A. Thayer, Viện Quốc phòng Úc, trọng tâm của vấn đề biển Đông trong năm 2018 sẽ là cách thức ASEAN và TQ khởi động đàm phán về một COC có tính ràng buộc về pháp lý. “Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ Singapore giữ ghế chủ tịch luân phiên, ASEAN sẽ đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng COC” - ông Carlyle A. Thayer cho biết.

Dự thảo khung COC được thông qua là bước khởi đầu đáng hoan nghênh và lạc quan cho tiến trình tham vấn nhiều thách thức sắp tới giữa các bên, tiến tới xây dựng một COC có tính ràng buộc về pháp lý. Tiến trình xây dựng COC trên biển Đông là một biện pháp quan trọng để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực, giúp các bên hiểu rõ những gì được và không được phép làm, học giả người Indonesia Shafiah F. Muhibat, Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore, cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng ít nhiều lo ngại về mức độ khó khăn trong đàm phán xây dựng COC. Ông Thayer đưa ra cảnh báo rằng TQ về trung hạn có thể sẽ sử dụng chiêu bài đàm phán COC để giữ Mỹ tránh xa vấn đề biển Đông, lấy lý do nước này là một cường quốc bên ngoài khu vực. Trong khi đó, ông Jay Batongbacal, chuyên gia Philippines cố vấn cho nhiều cơ quan chính phủ nước này về vấn đề biển Đông và Luật Biển, cho rằng TQ chấp nhận bắt đầu đối thoại về COC vì hiện họ đã nắm thêm lợi thế trên biển Đông mà cụ thể là các đảo nhân tạo. Họ quyết định bắt đầu nói chuyện về COC để cho thấy có bước tiến trong đối thoại, rằng có thể duy trì được sự ổn định của khu vực.

“Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng COC sẽ sớm được xây dựng thành công. Quá trình này có thể kéo dài và mệt mỏi. Có khả năng quá trình này sẽ đặt ra các giới hạn đối với những nước nhỏ, ngăn họ đưa ra các hành động khác trong vấn đề biển Đông vì các bên còn đang đàm phán. Khả năng thứ hai là quá trình thảo luận sẽ không kéo dài mà các bên sẽ đẩy nhanh hoàn thành COC nhưng TQ sẽ nhắm đến việc mượn COC để bảo toàn những lợi thế mà họ đã tạo ra tại biển Đông, như một cách để kiềm chế các nước nhỏ” - ông Batongbacal cảnh báo.

Ông Batongbacal nhận định mục tiêu quan trọng nhất của COC là ngăn các va chạm trên biển Đông leo thang thành xung đột vũ lực hay đối đầu vũ trang. Điều này là vì lợi ích chung của tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, điểm yếu của COC là không thể đụng đến tình hình hiện nay, cụ thể là nguyên trạng biển Đông đã bị thay đổi bởi các đảo nhân tạo mà TQ cho cải tạo và xây dựng phi pháp, cũng như việc TQ mở rộng hoạt động của mình trên vùng biển.

Dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đã được thông qua nhưng điều đó không đồng nghĩa COC sẽ nhanh chóng được xây dựng thành công. Ảnh: AP

Chính phủ Philippines dưới nhiệm kỳ Tổng thống Rodrigo Duterte đã lựa chọn con đường đối thoại song phương. Ảnh: REUTERS

Câu hỏi về phán quyết biển Đông

“Giống như mọi cường quốc khác, TQ đã từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế”. Đó là nhận định của ông Carlyle A. Thayer về những động thái của nước này trong vấn đề biển Đông kể từ sau phán quyết về biển Đông được Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đưa ra vào tháng 7-2016.

Phán quyết của PCA nói rõ TQ không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra để đòi chủ quyền ở biển Đông.

Đã có nhiều người lo ngại phán quyết về biển Đông bị mất giá trị khi không được phía TQ tuân thủ. Tuy nhiên, ông Thayer nhận định hiện nay TQ đã bắt đầu gặp phải nhiều giới hạn rõ rệt về khía cạnh luật pháp quốc tế. Các cường quốc bên ngoài khu vực đã lên tiếng cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế có tính ràng buộc về pháp lý và họ sẽ thực thi đúng theo phán quyết. Đó là lý do vì sao các hoạt động tự do hàng hải được thực hiện nhiều hơn trên biển Đông, phản đối các tuyên bố chủ quyền đơn phương của TQ áp đặt lên vùng biển. “Đây không phải là giải pháp bằng con đường luật pháp như mọi người từng mong chờ nhưng uy tín của TQ cũng đã chịu nhiều tổn hại. Mặc dù ASEAN không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài, tổ chức này vẫn đề cập đến yếu tố luật pháp quốc tế. Áp lực vẫn đặt lên vai TQ và cuối cùng họ sẽ phải có một câu trả lời cho cộng đồng quốc tế” - ông Thayer dự đoán.

Tương lai của phán quyết biển Đông trong năm 2017 cũng bị đặt trước nhiều nghi vấn do chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte “đảo chiều” trong cách tiếp cận vấn đề biển Đông, gần như dẹp phán quyết này ra khỏi bàn đàm phán với TQ. Ông Batongbacal nhận định: “Chính phủ hiện nay của Tổng thống Duterte đang có một cách tiếp cận rất khác với chính phủ tiền nhiệm trong vấn đề biển Đông”. Theo ông, chính phủ Philippines hiện nay không quá hăng hái bàn luận về kết luận của Tòa Trọng tài. “Có thể nói Philippines đang tạm thời “cất vấn đề này lên kệ tủ” - ông nhận định. “Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng tài vẫn còn đó. Ông Duterte vẫn nhấn mạnh sẽ đưa vấn đề Tòa Trọng tài ra bàn luận với phía TQ sau này, có thể là trong vòng bốn năm tới”.

Theo quan sát của ông Batongbacal, Philippines đang tiếp cận TQ qua con đường thảo luận song phương. “Có thể thấy phán quyết trọng tài vừa qua có lợi cho Philippines, điều này giống một đòn bẩy thầm lặng giúp Philippines có được nhiều sự nhượng bộ từ phía TQ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng phần nhiều trong số đó chỉ mới là những lời hứa hẹn, trong khi những kết quả thực tế vẫn còn ít” - ông Batongbacal đánh giá. Mặt khác, bầu không khí giữa hai nước đã thay đổi khá nhiều so với chính phủ tiền nhiệm. “Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ được duy trì mà không ảnh hưởng đến trạng thái của phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế” - chuyên gia người Philippines chia sẻ.

Hiện nay các cơ quan chính phủ của Philippines, như lực lượng tuần duyên hay Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh, đang tìm hướng cho tiến triển trong các vấn đề không quá gay gắt được nêu trong phán quyết của Tòa Trọng tài. Những vấn đề còn nhiều mâu thuẫn hơn sẽ được tiếp cận sau. “Theo tôi, chính phủ Philippines không theo đuổi một giải pháp tức thời mà đang cố giải quyết từng bước một” - chuyên gia người Philippines cho biết.

Ẩn số chính sách biển Đông của Mỹ

Bà Colin Willett, cựu Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đánh giá rằng chính sách đối với vấn đề biển Đông của chính quyền Tổng thống Donald Trump phần lớn tương đồng với chính quyền người tiền nhiệm. “Chính phủ Mỹ mong muốn tranh chấp được dàn xếp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và tất cả các bên đảm bảo được quyền lợi của mình. Tuy nhiên, chúng ta thấy chính phủ Tổng thống Trump chủ yếu vẫn tập trung vào thương mại hơn là an ninh” - bà Willett nhận định.

Trong khi đó, theo GS Carlyle A. Thayer, việc nước Mỹ có tổng thống mới vẫn không thay đổi những lợi ích thực chất của nước này tại khu vực. Ngoài việc có lượng đầu tư và giao thương lớn với nhiều quốc gia trong khu vực, Mỹ còn giữ vị thế một cường quốc toàn cầu nên hải quân của họ thường xuyên di chuyển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Theo ông, những lợi ích này sẽ được giám sát bởi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (USPACOM), trong khi Tổng thống Trump sẽ quan tâm đến các vấn đề cấp bách hơn như khủng bố, chiến sự tại Trung Đông và khủng hoảng tại Triều Tiên. “Tôi sẽ không chú ý nhiều vào những phát ngôn của Tổng thống Trump mà thay vào đó sẽ để ý đến các động thái của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Tôi cũng cho rằng quân sự Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò đối trọng với TQ tại khu vực”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm