Bị mù vẫn gánh gia đình trên vai

Buổi sáng sớm đi hái dừa về bán cho tiểu thương, anh Nguyễn Văn Bình - hàng xóm quen gọi là Bình mù (40 tuổi, ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, Tân Châu, Tây Ninh) không quên mang về vài trái cho lũ trẻ ở nhà.

Dò dẫm vượt lên số phận

Trong khi chờ vợ nấu cơm mang theo để ra sông cào hến tới chiều, anh Bình quay về phía lũ trẻ, trầm ngâm nói: “Gồng gánh bốn đứa con cực lắm, tui không dám nghỉ ngày nào. Nhưng cực mấy tui cũng ráng. Tài sản tui có nhiêu đó”.

Vợ anh là một phụ nữ gầy gò khắc khổ nhưng luôn cười tươi khi trò chuyện: “Hồi đó ba má tui kêu lấy ổng, tui khóc hoài. Nhưng giờ nghĩ lại, thấy nhiều người mắt sáng chưa chắc bằng ổng. Ổng lo làm dữ lắm, không nhậu nhẹt, không bỏ bê vợ con như mấy người tui biết”. 

 
Anh Bình hái dừa thuê kiếm thêm thu nhập. Ảnh: HM

Nghề cào hến giúp anh Bình gánh vác gia đình. Ảnh: HM

Anh Bình được sinh ra khỏe mạnh, bình thường. Đến năm tuổi, một cơn phát ban ập tới. Lúc đó gia đình đang rất khó khăn, ông nội lại vừa chết nên việc điều trị cho anh không đầy đủ. Di chứng để lại là đôi mắt bị mù vĩnh viễn.

Càng lớn Bình càng mò mẫm, cố gắng làm nhiều việc để giúp cha mẹ và tự kiếm sống. Anh mon men khắp các ngả đường ra ruộng, ra sông Tha La gần nhà. Khi đã quen đường, Bình lùa trâu đi chăn, đi nhổ mì phụ cha mẹ kiếm tiền. Đến tuổi thanh niên, ngày làm việc, tối Bình đi học đàn để khuây khỏa và có thêm bạn.

Vừa nghèo vừa bị mù nên những mối tình tuổi trẻ của anh chẳng đi tới đâu. Cho đến khi Bình được mai mối cho chị Nguyễn Thị Đẹp, vợ anh bây giờ. Nhà Đẹp nghèo, bản thân cũng không biết chữ, ngày ngày theo cha mẹ ra sông chài cá. Bình cũng hay ra sông Tha La chài cá, cào hến nên họ có nhiều cơ hội gặp nhau. Cả nhà Đẹp đều thương Bình chăm chỉ, chất phác, làm giỏi “không thua người sáng mắt” nên cứ vun vào. Đẹp lúc đầu không ưng nhưng cha mẹ nói mãi cũng thuận lòng về làm vợ người đàn ông mù.

Bốn đứa con lần lượt chào đời. Anh cười ngượng nghịu khi được hỏi sao dám liều đẻ tới bốn đứa: “Vợ chồng em có được học hành gì đâu... Sanh thằng út, vợ em phải mổ, bệnh lên bệnh xuống, bác sĩ khuyên triệt sản luôn rồi”.

Cào hến, hái dừa, mót mì

Trong câu chuyện đời của người đàn ông mù này không thấy anh có một phút giây nào ngơi nghỉ cả. Để nuôi  vợ con, anh không từ nan bất cứ việc gì. Sức anh bỏ ra cào hến cũng hơn người bình thường để mong thu nhập được nhiều hơn. Nhưng rồi bến sông bị các ghe hút cát hút rầm rộ ngày đêm. Bờ sông sụp lỗ chỗ, có nơi sụp như hố bom. Có người làm rớt lưới, rớt cào nhưng không dám mò xuống vì các “hố bom” quá sâu. Anh bỏ bến cũ, nhờ vợ dẫn qua bờ xa hơn.

Nguồn lợi từ sông dần cạn kiệt, anh chuyển qua trèo dừa mướn. Tuy mù nhưng anh leo dừa nhanh, giỏi ai cũng biết. Nhờ vậy, mỗi khi có mối hái dừa, anh kiếm thêm được vài chục ngàn đồng. Anh mang về trồng quanh nhà được 20 cây dừa dâu, mỗi tháng bẻ bán một lần cũng kiếm thêm được một, hai trăm ngàn nữa.

Làm hết việc xong, anh lại  mò mẫm đi mót mì. Ruộng mì nào trong ấp nhổ xong, người ta lại thấy anh lần mò ở đó. Nhiều hôm trời mưa, đường đất trơn trượt nhưng anh vẫn vác được bó mì về. Có hôm mót được nhiều, vợ chồng anh mang xe máy ra đẩy. Anh vừa chạy chầm chậm vừa rà chân xuống đường. Hình ảnh một người mù chạy xe không làm ai trong xóm ngạc nhiên vì họ cũng quen rồi. Anh nói: “Tui không dám chạy xe ra lộ chứ đường trong này tui thuộc nằm lòng”.

Vẫn tin “ông trời có mắt”

Khi phong trào nuôi ba ba rộ lên, anh Bình quyết tâm “làm ăn lớn”. Anh vay vốn của ngân hàng chính sách được 20 triệu đồng, xây bể nuôi ba ba. Lúc anh bắt đầu nuôi, ba ba đang rất có giá. Nhưng đến khi ba ba có thể xuất bán, giá rớt thảm hại, anh thua lỗ và lâm cảnh nợ nần.

Vợ anh buồn khóc nhưng anh không nao núng, gắng gỏi làm lụng dành dụm tiền trả nợ, gầy lại vốn làm ăn. Đến khi để dành được chút ít, con gái anh bị bỏng nặng vì sơ ý làm đổ nồi nước sôi. Rồi vợ anh sanh mổ phải cấp cứu liên miên, số tiền dành dụm được lại đội nón ra đi.

Anh lại vác cào lưới ra sông sớm hơn, trở về muộn hơn. Anh tính ráng trả hết nợ ngân hàng sẽ lại vay để làm ăn tiếp. “Kiếm thêm được nhiêu hay nhiêu, phải ráng để dành có vốn làm ăn. Vợ con tui cũng hay đau ốm”.

Điều làm anh day dứt nhất là việc hai con gái lớn đã nghỉ học. Đứa lớn thấy mẹ ở nhà trông đàn con lít nhít, cả nhà có hôm đứt bữa đã nhất quyết nghỉ học để trông em, chăn bò giúp cha mẹ. Đứa kế năm nay 10 tuổi nhưng chậm phát triển trí tuệ, học bốn năm lớp 1 vẫn không thể nhớ được mặt chữ nên cũng xin nghỉ học. Giờ anh Bình quyết tâm cho con trai út và con gái áp út được học hành tới nơi tới chốn. Anh nói: “Không lẽ mình cứ nghèo hoài. Mình phải ráng để đời con mình đỡ khổ. Ông trời có mắt mà…”.

HỒNG MINH

“Anh Bình rất chăm chỉ làm ăn. Hoàn cảnh anh Bình quả thật rất khó khăn, xã chúng tôi cũng khó khăn nên cũng chỉ có thể hỗ trợ trong khả năng cho phép. Cách đây nhiều năm, xã đã hỗ trợ cho anh Bình xây nhà tình thương, hỗ trợ anh vay vốn chăn nuôi…”

Ông ĐOÀN DUY THẮNG, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm