Bảo tồn và phát triển - Bài 2: Huyền thoại biểu tượng mới New York

Điều mà chúng ta thực sự cần quan tâm ở đây là điều gì đã làm nên sự khác biệt giữa Empire State, Waldorf - Astoria và Penn Station, để khi đối mặt với điều xấu nhất chúng ta có thể đưa ra quyết định đúng đắn và cần thiết.

Sự đi lên và sụp đổ của khách sạn Waldorf - Astoria

Khu đất nằm giữa đường 33, 34 và đại lộ Fifth Avenue trải qua nhiều biến đổi trong lịch sử New York và là tâm điểm của câu chuyện mà chúng tôi đề cập ở đây. Khu đất được dòng họ Astor mua lại từ một trang trại và xây dựng nên dinh thự Astor. Mặc dù chỉ cao năm tầng nhưng dinh thự Astor là một điểm thu hút của giới quý tộc New York vào thời điểm đó. Tòa nhà còn là một điểm thu hút cho những du khách đến New York.

Gia đình Astor là một trong những gia đình giàu có ở New York vào thế kỉ 19. Họ sở hữu rất nhiều đất đai ở TP này. Nhưng gia đình Astor có sự chia rẽ nhỏ trong nội bộ gia đình. Khu đất đường 33rd bị cắt đôi ra và xây thành hai căn biệt thự riêng biệt, ngăn với nhau bằng bức tường rào. Đây chính là khởi đầu của huyền thoại New York. Khi William B.Astor chết, tài sản thừa kế chuyển vào tay William Waldorf Astor. Mặc dù là người đứng đầu của gia đình Astor nhưng sự nổi tiếng của ông không sánh bằng người cô của mình, người được báo chí nhắc đến là “Quý bà Astor” (The Mrs. Astor). Vì ghen tức với địa vị xã hội của người cô mình, ông ta quyết định sẽ làm cho cô của mình phát khùng lên bằng cách phá bỏ dinh thự của ông đang ở bên cạnh cô mình tại khu đất đường 33rd này, xây dựng một khách sạn xa hoa lộng lẫy.

Dinh thự nhà Astor từng được xem như là nơi tụ họp của nhiều quý tộc lớn của New York thời đó, cụ thể là tại phòng dạ vũ của dinh thự Astor này. Khi William Waldorf Astor quyết định xây dựng khách sạn, mặc dù dựa trên mối thâm thù gia đình nhưng ông muốn khách sạn của mình phải giữ được “tinh thần của Astor”, như ông nói “một ngôi nhà... nhưng không phải như một khách sạn mà phải thật gần gũi” (theo Delirious New York - Rem Koolhaas). Một cách vô thức, ông là người đã đưa ý niệm “kế thừa” vô trong kiến trúc.

Khách sạn Waldorf - Astoria cũ một thời là “Cung điện không chính thức của New York”. Nó đã bị phá bỏ năm 1929 để nhường đất cho khách sạn chọc trời Empire State.

Năm 1983, khách sạn Waldorf được khai trương và thành công một cách rực rỡ. Khách  sạn cao 13 tầng, là một trong những khách sạn lớn nhất thời đó. Tất nhiên khách sạn thành công cả về mặt tài chính và thu về lợi nhuận lớn, đồng thời đạt được mục đích của ông là đuổi Caroline Astor đi khỏi đó. Tuy nhiên, sau một thời gian, người quản lý của khách sạn Waldorf là George C. Boldt, ông là người đã thuyết phục con trai của Caroline là John Jacob Astor IV bán lại phần đất bên cạnh của Caroline và xây dựng khách sạn Astoria cao 17 tầng. Hai khách sạn này hợp nhất trở thành Waldorf - Astoria, khách sạn lớn nhất thế giới vào thời điểm nó khai trương 1897. Khách sạn có 1.300 phòng và hơn 1.500 nhân viên phục vụ. 

Waldorf - Astoria là một địa điểm nổi tiếng ở New York. Nó nhắm đến không chỉ các khách vãng lai đến TP mà nhắm đến cả từng cá nhân trong TP. Nó cung cấp không gian cho giải trí và hoạt động xã hội cho các cá nhân mà dinh thự của họ không có đủ diện tích hay đủ các thiết bị kỹ thuật tối tân đương thời để phục vụ. Dần dần nó lôi kéo được xã hội ra khỏi dinh thự riêng tư của họ, trở thành một nơi tụ họp, giao lưu, là “tâm điểm xã hội của Manhattan”. Waldorf - Astoria là “một trung tâm bán công cộng được thiết kế cho các cư dân giàu có của New York với đầy đủ sự xa hoa của cuộc sống hiện đại”. Nó trở thành “Cung điện New York không chính thức”. Để so sánh một cách nôm na dễ hiểu thì giá trị của Waldorf lúc này tương đương như Continental ở Saigon về mặt văn hóa, lịch sử và kiến trúc.

Waldorf - Astoria là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, như là nơi đầu não của ủy ban điều tra vụ chìm tàu Titanic năm 1912. Nó gắn với các nhân vật lịch sử quan trọng, chẳng hạn như John Jacob Astor IV là nạn nhân giàu nhất trên tàu Titanic, tổng tài sản của ông khi chết là 85 triệu dollar. Khách sạn đã tự tin vào danh tiếng của nó trên khắp thế giới trong suốt 20 năm liên tục. Để rồi khi đến năm 1929, khách sạn đột ngột đóng cửa sau khi các nhà đầu tư nhà đất xem xét và đánh giá rằng nó đã cũ và lỗi thời. Nguyên nhân chủ yếu của sự phá hủy đột ngột này là do sự bùng nổ cơn sốt nhà cao tầng. Khi đó Waldorf - Astoria trở nên quá thấp, quá nhỏ và không xứng đáng với vị trí đắt giá của nó

Chủ đầu tư của khách sạn quyết định bán đi cho nhà đầu tư tòa nhà Empire State. Việc phá hủy tòa nhà được cử hành với một buổi lễ long trọng, nhiều sự tham gia của các giới quý tộc, thượng lưu.

Huyền thoại mới Empire State

 Tòa nhà Empire State được xây dựng trên nền của khách sạn Waldorf - Astoria, được thiết kế như là một tòa nhà với chiều cao vượt qua tất cả những gì từng xây dựng bởi loài người, vượt qua vẻ đẹp mà bất cứ tòa nhà nào từng được thiết kế, thỏa mãn trong bố trí nội thất đúng tiêu chuẩn yêu cầu cho đối tượng khó tính nhất...

Tòa nhà được thiết kế một cách nghiêm ngặt, không có một vị trí nào trong khu vực cho thuê cách cửa sổ 8,5 m. Diện tích mỗi sàn lên trên cao giảm dần do số thang máy giảm lại. Nói cách khác tính từ lõi thang ra là không gian cho thuê rộng 8,5 m. Tòa nhà nổi tiếng với trình độ thi công hoàn hảo, tiến độ nhanh chóng mặt, 14,5 tầng trong 10 ngày. Không một xe tải nào phải chờ, không một thang máy nào dừng, không một người thợ nào chờ gì cả.

Năm 1931, khách sạn Waldorf - Astoria ở Park Avenue phảng phất hình ảnh khách sạn cũ trước đây.

Sự tái sinh của Waldorf - Astoria ở Park Avenue

Ý tưởng về khách sạn Waldorf - Astoria mới được Lucius Boomer, người quản lý cuối cùng ấp ủ, ông cho rằng mình phải truyền lại truyền thống của khách sạn, phải xây dựng nên một khách sạn xuất hiện như một tòa nhà chọc trời đầu tiên cung cấp đầy đủ, phục vụ cho các hoạt động giao lưu xã hội. Ông quan sát sự phát triển của các mô hình nhà ở trong lối sống ở Manhattan, từ những căn nhà biệt thự đơn lẻ, lên những căn hộ trên cao, sau được trang bị thêm các chức năng giải trí và sinh hoạt mà từ trước giờ chưa hề biết. Ông quyết định xây dựng khách sạn mà ở đó “người khách, dù lâu dài hay tạm thời, có thể cho phép tận hưởng không chỉ những tiện ích sống thông thường trong một khách sạn siêu hiện đại mà còn được hỗ trợ các tiện ích cho phép họ mở rộng và bổ sung lối sống của họ và có thể tổ chức các dịp vui chơi với bạn bè họ ở mức độ xa hoa nhất...”. 

Khách sạn mới được thiết kế bởi Schultze & Weaver theo phong cách Art Deco, cao 47 tầng, chiếm toàn bộ ô phố ở Park Avenue. Tòa nhà gồm hai tháp đôi, 2.200 phòng ngủ xa hoa, kèm với vô số không gian chức năng khác. Khách sạn được hoàn thành năm 1931 và tiếp nối thành tích trước đây, trở thành khách sạn lớn nhất, cao nhất và sang trọng nhất thế giới. Thiết kế mang hình dáng tháp đôi, phản ánh lại một phần hình ảnh cũ của Waldorf - Astoria ở đường 33rd.

Ngoài ra ý đồ “tái sinh” của khách sạn còn được chuyển tải qua việc làm lại các không gian như sảnh Peacock Alley ở khách sạn cũ và nhiều hạng mục khác nằm trong ký ức của Waldorf trước đây. Điều này đảm bảo công trình mới mang ký ức công trình cũ. Và tất nhiên nhờ vậy, khách sạn trở nên nổi tiếng, trước khi nó được xây dựng. Ngoài tên, các chi tiết thực và các vật quan trọng ở Waldorf cũ được cứu khỏi lần phá dỡ, được sắp xếp lại trong sảnh mới của khách sạn. Và nhiều “lịch sử” nữa được mua từ khắp châu Âu, cũng được thêm vào.

Nhiều sự kiện xa hoa được diễn ra ở Waldorf - Astoria, gắn liền với nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử lớn của Mỹ. Nhiều ngôi sao, cựu tổng thống, quan chức về hưu từng chọn nơi đây làm nhà của mình, trong đó có Frank Sinatra, Gene Kelly, cựu Tổng thống Herbert Hoover...

Được xem như là khách sạn đại diện cho New York và là niềm tự hào của người New York, nếu được hỏi phải lựa chọn khách sạn nào làm đại diện cho New York, họ sẽ chọn Wadolf - Astoria. Năm 1993, khách sạn Waldorf - Astoria được công nhận là di sản của TP New York, do sức ảnh hưởng của nó về tính lịch sử trong ngành khách sạn, cũng như nó là nhân chứng lịch sử trong các sự kiện lớn của New York.

KTS VÕ DUY KIM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm