Ai là người đứng sau vụ điều tra ‘Tài liệu Panama’?

Các chính trị gia phương Tây đã nhiều lần hô hào gây sức ép để những nơi dễ trốn thuế thắt chặt quản lý. Nhưng phải chờ đến khi một nhóm những nhà báo điều tra ở nhiều nước trên thế giới tiết lộ dữ liệu nội bộ cùng sự hợp tác vô tiền khoáng hậu của các hãng truyền thông quốc tế, thế giới ngầm này mới thu hút được sự quan tâm đặc biệt như những ngày qua.

“Trái tim” của chiến dịch điều tra

Tổ chức Minh bạch tài chính quốc tế đánh giá những lợi nhuận do trốn thuế được luân chuyển bất hợp pháp thông qua các pháp nhân hải ngoại có thể khiến những quốc gia đang phát triển thiệt hại gần 6.000 tỉ USD trong khoảng thời gian 2001-2010.

Cuộc điều tra “Tài liệu Panama” được thực hiện bởi một mạng lưới hơn 400 nhà báo điều tra thuộc hơn 100 nhóm truyền thông, đến từ hơn 80 quốc gia. Tham gia vào mạng lưới hợp tác xuyên quốc gia này có hai hãng truyền thông lớn là The Guardian và chương trình Panorama của đài truyền hình BBC. Hai hãng truyền thông này từ lâu đã có mối quan hệ rất chặt chẽ với tổ chức Liên minh Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), “trái tim” của chiến dịch điều tra chấn động thế giới lần này. Thành lập vào năm 1997, ICIJ là một dự án thuộc Trung tâm Minh bạch Công (Mỹ), với mục đích sử dụng báo chí và điều tra các vấn đề xuyên quốc gia như tội phạm xuyên biên giới, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Sau khi lượng tài liệu khổng lồ vô tiền khoáng hậu này rò rỉ và được chia sẻ bởi tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung (Đức), một mạng lưới quy mô quốc tế những nhà báo điều tra đã được thiết lập. Theo trang News Week, trái tim của quá trình xây dựng mạng lưới điều tra này chính là nhà báo gạo cội Gerald Ryle, với hơn 26 năm làm PV và biên tập viên tại các tờ báo lớn của Úc và Ireland, trong đó có The Sydney Morning Herald The Agenewspapers. Ông đã từng điều tra nhiều câu chuyện làm chấn động làng báo nước Úc, giành được bốn giải thưởng báo chí danh giá Walkey của Úc, trong đó có một giải vàng.

Khi đang làm việc tại tờ Sydney Morning Herald, Gerald Ryle đã được một nguồn tin thông báo rằng ông sắp nhận được một kiện hàng vô cùng quan trọng, với tiềm năng trở thành câu chuyện lớn nhất ông từng viết trong sự nghiệp làm báo của mình. Khi nhận được ổ đĩa cứng, Ryle đã không biết phải bắt đầu từ đâu trước một lượng khổng lồ những thư điện tử, văn bản và tập tin bí mật ghi nhận các hoạt động trong thế giới ngầm của những công ty ma. Khối dữ kiện khổng lồ này đã không được phân tích mãi đến khi Gerald Ryle được mời giữ chức lãnh đạo ICIJ tại Washington, D.C. (Mỹ).

“Hợp lực tác chiến”

Với nguồn lực và khả năng kết nối của ICIJ, Gerald Ryle bắt đầu tổ chức một mạng lưới các nhà báo quốc tế hợp lực cấu trúc hóa lượng thông tin khổng lồ mà ông nhận được sao cho có thể tìm kiếm được những cái tên lớn và những câu chuyện chấn động trong một hệ thống an toàn và bí mật. Trong vòng 24 tiếng sau khi các thông tin về “thiên đường trốn thuế” ở Đảo Cayman (Anh) được công khai vào tháng 4-2013, các câu chuyện liên quan từ ICIJ đã đổ ồ ạt về tờ The Guardian. Tổ chức dẫn đầu bởi Ryle cũng đã kết nối với tờ Süddeutsche Zeitung, cùng những tờ báo lớn như Le Monde (Pháp), The Washington Post (Mỹ), kênh truyền hình CBC (Canada) và hơn 31 đối tác truyền thông quốc tế khác để chính thức khởi động cuộc điều tra.

Theo thông tin công bố từ ICIJ, 86 nhà báo từ 46 quốc gia đã sử dụng cả hai phương thức, phần mềm kiểm toán dữ liệu công nghệ cao lẫn nghiệp vụ báo chí truyền thống để rà soát một lượng khổng lồ các thư điện tử và các giao dịch có lượng thời gian trải rộng gần 30 năm. Từ tháng 9-2013, các nhà báo từ 190 quốc gia bắt đầu thực hiện bài viết về các nhân vật cấp cao có tài khoản giấu ở nước ngoài dựa trên kho dữ kiện này. Đến tháng 2-2015, một nhóm nhà báo từ 45 quốc gia đã công khai các thông tin cho thấy ngân hàng quốc tế khổng lồ HSBC hưởng lợi khủng từ những tài khoản thiết lập cho các nhóm buôn lậu vũ khí. Dựa trên nguồn tin nội bộ của chi nhánh HSBC tại Thụy Sĩ, nhóm nhà báo này xác nhận tổng giá trị các tài khoản được mở trong quá khứ lên đến hơn 100 tỉ USD. Ngân hàng HSBC sau đó đã phải lên tiếng xác nhận rằng “các tiêu chuẩn điều tra khách hàng trước khi mở tài khoản của chi nhánh Thụy Sĩ, cũng như toàn bộ ngành ngân hàng trong quá khứ thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn hiện nay”.

Theo Paul Lashmar, một giảng viên có thâm niên bộ môn báo chí tại ĐH Sussex (Anh), nhiều thông tin chấn động khác sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ trong tương lai. ICIJ cùng mạng lưới các nhà báo điều tra toàn cầu vẫn chưa xử lý hết khối dữ kiện khổng lồ mà họ mới chỉ tiếp cận toàn bộ trong năm 2015. Ông nhận định: “Đây chính là bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của các nhà báo điều tra trên thế giới”.

Người ủng hộ, người hoài nghi

Những tiết lộ của bộ hồ sơ “Tài liệu Panama” đã thu hút được sự ủng hộ của người dân nhiều nước. Đặc biệt tại Iceland, sau khi thông tin về các tài sản nước ngoài của Thủ tướng Sigmundur Davíð Gunnlaugsson được tiết lộ, hàng ngàn người đã xuống đường đòi ông phải từ chức. Úc và New Zealand cũng bắt đầu tiến hành điều tra hơn 800 cá nhân và tổ chức được đề cập trong “Tài liệu Panama”.

Tuy nhiên, chính phủ một số nước bày tỏ thái độ hoài nghi về tính khách quan và độ chính xác của những thông tin được đăng tải. Chính phủ Anh cho biết những thông tin về hoạt động kinh doanh của cha Thủ tướng David Cameron là chuyện cá nhân của gia đình ông. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng từ chối bình luận về bộ hồ sơ này, cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng đây là các thông tin sai lệch cố ý nhắm vào các “lãnh đạo phi phương Tây”.

Tại Nga, phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, cho rằng các thông tin “Tài liệu Panama” nhằm mục đích gây bất ổn nước Nga và các cáo buộc là thiếu bằng chứng, theo hãng tin RIA Novosti. Ông cũng cho rằng một số nhà báo tham gia mạng lưới điều tra này có mối quan hệ chặt chẽ với bộ máy truyền thông của chính phủ Mỹ và các nước phương Tây. Các cáo buộc ông Putin có liên quan đến hơn 2 tỉ USD giao dịch nước ngoài đều bị Giám đốc ngân hàng VTB (Nga) Andrei Kostin chỉ trích là nhảm nhí. Ông cũng khẳng định không có thông tin gì cho thấy tên của nhà lãnh đạo nước Nga xuất hiện trong giấy tờ của các công ty hải ngoại, dù là bị rò rỉ hay được đăng ký chính thức.

ICIJ cũng vấp phải nhiều sự chỉ trích khi không công khai toàn bộ số hồ sơ họ nắm giữ, tương tự những gì Wikileaks từng làm. Việc nhiều tờ báo lớn của Mỹ như The New York Times hay The Washington Post hạn chế đưa thông tin, cũng như chưa có cái tên đình đám nào của Mỹ lộ diện khiến nhiều người hoài nghi về tính khách quan của toàn bộ thông tin đăng tải.

Tuy nhiên, theo ông Richard Sambrook thuộc ĐH Cardiff (Anh), với một khối lượng thông tin khổng lồ như “Tài liệu Panama”, các hãng báo chí thường tiếp cận rất thận trọng để không vi phạm luật pháp và đảm bảo tác nghiệp đúng quy cách. Tạp chí Fortune cũng đánh giá những thông tin được đăng tải hiện nay chỉ mới là bề nổi của toàn bộ số hồ sơ. Tờ Süddeutsche Zeitung ngày 3-4 cũng tiết lộ rằng nhiều câu chuyện chấn động khác sẽ sớm xuất hiện.

“Người thổi còi” bí ẩn

Những tư liệu được ICIJ tổ chức phân tích đã được chia sẻ từ tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung (Đức). Hơn 11,5 triệu tài liệu nội bộ của hãng luật hải ngoại lớn thứ tư thế giới - Mossack Fonseca đã được một “người thổi còi” (chỉ những nguồn tin nội bộ công bố các tài liệu mật - NV) giấu tên tiết lộ cho tờ nhật báo của Đức.

Nhân vật bí mật này đã chuyển đến Süddeutsche Zeitung hơn 2,6 terabyte tài liệu với điều kiện “mạng sống của tôi đang bị đe dọa, vậy nên chúng ta chỉ trao đổi thông qua tin nhắn đã mã hóa và sẽ không bao giờ gặp mặt để nói chuyện”.

Khi được đại diện tờ báo hỏi: “Vì sao anh lại làm điều này?”, “người thổi còi bí ẩn” chỉ trả lời đơn giản: “Tôi muốn những tội ác này được công bố”. Nhân vật này cho đến nay vẫn chưa công khai danh tính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm