ÁM ẢNH UNG THƯ - BÀI CUỐI

80% ung thư có thể phòng tránh

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 126.000 ca mới mắc thêm, 94.000 ca chết, ước tính tới năm 2020 có khoảng 189.000 ca ung thư mới mắc. Tại Việt Nam, xu hướng mắc ung thư ngày càng tăng dần. Theo thống kê, đánh giá nhiều năm qua, nhất là giai đoạn 2008-2012, những loại ung thư phổ biến nhất hiện diện ở nam giới bao gồm ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng, vòm. Còn đối với nữ giới ung thư vú chiếm vị trí cao nhất, sau đó đến ung thư cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và ung thư tuyến giáp. Cho đến thời điểm hiện tại, tức năm 2016, số liệu và thống kê này vẫn không có gì thay đổi.

Cần điều tra dịch tễ nghiêm túc, khoa học

Theo GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, 80% nguyên nhân ung thư có thể phòng tránh liên quan đến thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thực phẩm, nguồn nước, bệnh nghề nghiệp (công việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại..., tia phóng xạ, vi khuẩn…). Còn đối với các yếu tố gồm tuổi cao, giới tính, chủng tộc, gen di truyền chiếm 20% nguyên nhân gây ung thư và các yếu tố này lại không thể phòng tránh. Người cao tuổi dễ mắc ung thư hơn người trẻ tuổi, vì thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ về môi trường lâu hơn, nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Hoài Nga, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV K Trung ương, cho biết không phải bây giờ mà trước đây báo chí cũng nói về “làng ung thư”. Do vậy, thời gian qua Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có đề tài nghiên cứu cấp nhà nước điều tra về nguồn nước tại 37 làng có tên trong danh sách làng ung thư mà báo chí đã phản ánh. Nghiên cứu này sẽ lấy mẫu thử nguồn nước; các tiêu chí, thông số, chỉ số cho phép về nước tại những làng này.

Tuy nhiên, con số nghiên cứu từ 37 ngôi làng kia nếu so sánh với tỉ lệ người mắc ung thư ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM thì chưa ghi nhận con số cao hơn. Do vậy, để có thông tin cụ thể và chính xác phải làm cuộc điều tra cơ bản, đắt tiền. Mà cuộc điều tra này kể cả những nước tiên tiến cũng khó thực hiện, không phải ngày một ngày hai là làm được.

Một ca mổ ở bệnh viện K Trung ương. Ảnh: HG

Các yếu tố nguy cơ

Theo BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra nghiên cứu và có đánh giá cụ thể về tình hình ung thư tại Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta có hai đơn vị ghi nhận ung thư và tập trung nghiên cứu là Hà Nội và TP.HCM, đây là hai trung tâm lớn nhất. Ngoài ra còn có nhiều trung tâm nghiên cứu ung thư khác như Hải Phòng, Đà Nẵng… và những đơn vị nghiên cứu theo số lượng ung thư quần thể.

Theo dịch tễ học, rất khó xác định nguyên nhân dẫn đến ung thư một cách chính xác nhất, chính vì lý do đó người ta hay gọi tác nhân dẫn đến ung thư hay gọi đúng hơn là các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư. Những yếu tố tác động và ảnh hưởng trực tiếp, tích tụ dần dần gây ra ung thư có rất nhiều, điển hình như hút thuốc là nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư phổi, vi trùng, các nhóm vi khuẩn, gen, yếu tố di truyền... dẫn đến khả năng mắc ung thư khá cao.

BS Phạm Xuân Dũng phân tích trên từng loại bệnh ung thư có nhiều yếu tố hoặc tác nhân khác nhau. Các yếu tố môi trường như nơi có chất độc dioxin hay nơi có nhiều khu công nghiệp, thường xuyên tiếp xúc với chất thải, khả năng gây ô nhiễm ngày càng nhiều hơn đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người. Tuy nhiên, không phải nó gây ra ung thư ngay lập tức mà phải tích tụ một thời gian mới ảnh hưởng đến bệnh ung thư. Cũng vì lý do đó, số lượng người chết vì ung thư đa phần là người lớn tuổi, sống trong môi trường chịu ảnh hưởng lâu năm nên mắc bệnh.

Lối sống và vệ sinh an toàn thực phẩm

Lối sống, cách sinh hoạt ngày nay cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, như trẻ em ăn quá nhiều hamburger, đồ chiên, béo không đảm bảo vệ sinh; thực phẩm bẩn, rau củ quả nhiễm hóa chất độc... các yếu tố này được xem là nguy cơ dẫn đến ung thư đáng nói nhất kèm với hút thuốc, chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Yếu tố môi trường gần như chắc chắn liên quan đến nguy cơ gây ung thư nhưng tùy vào từng chất là có mức độ độc hại riêng. Căn cứ vào nghiên cứu trên từng chất, nhất là khi có một chất mới ra đời người ta chia ra các chất gần như chắc chắn liên quan đến ung thư, các chất có liên quan đến ung thư, các chất có thể gây ung thư ở mức độ thấp và cũng có những chất hoàn toàn không gây ra ung thư. Và tùy thuộc vào cơ địa mỗi người nên rất khó quy kết một chất nào đó 100% ảnh hưởng trực tiếp đến ung thư.

Hiện tại, tính trên 100.000 dân, tỉ lệ ung thư nước ta so sánh với nhiều nước trên thế giới vẫn đang ở mức độ trung bình nhưng có chiều hướng tăng so với các năm trước đây. Riêng BV Ung bướu TP.HCM, trung tâm điều trị ung thư lớn tại miền Nam, số lượng bệnh nhân ung thư tăng lên hằng năm do số lượng dân số tăng, độ tuổi cao hơn, cuộc sống phát triển nên có điều kiện đi kiểm tra ung thư, chẩn đoán mỗi lúc một chính xác hơn kéo theo ung thư liên tục tăng và diễn biến phức tạp.

Ba bước để phòng bệnh ung thư

Không chỉ có số người bị ung thư đang gia tăng mà việc điều trị căn bệnh này cũng rất khó khăn, tốn kém, là gánh nặng lớn cho nhiều người và xã hội.  TS-BS Nguyễn Tiến Quang, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu - BV K (BV U bướu Trung ương), trao đổi về vấn đề làm sao để phòng ngừa căn bệnh quái ác này:

. Phóng viên: Những lý giải khoa học và nguyên nhân dẫn đến bùng phát ung thư tại Việt Nam?

+ TS-BS Nguyễn Tiến Quang: Việc bùng phát ung thư tại Việt Nam có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên. Các bệnh của người già như tim mạch, ung thư, đái tháo đường… cũng tăng theo tuổi tác.

80% ung thư có thể phòng tránh ảnh 2

Tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới của người Việt Nam tăng lên đã kéo theo những ca mắc ung thư tăng lên (tỉ lệ này chiếm 30%). Một nguyên nhân nữa là do ăn uống. Trước đây người Việt ăn nhiều rau, đi lại hoạt động nhiều. Nhưng hiện nay tỉ lệ người béo phì tăng lên do ăn nhiều chất béo và lười vận động, kéo theo bệnh ung thư (30%). 30% còn lại do yếu tố môi trường như tia cực tím, môi trường độc hại, không khí ô nhiễm… khiến ngày càng có nhiều người phải điều trị vì ung thư.

. Xin ông cho biết những khó khăn trong việc chữa trị ung thư hiện nay đối với ngành y và người dân?

+ Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị ung thư khi ở giai đoạn cuối (80%) nên chi phí điều trị lớn nhưng tỉ lệ tử vong cao, trên 70%. Mặc dù người bệnh được nhận sự hỗ trợ không nhỏ từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và các nguồn tài trợ khác nhưng chi phí điều trị và khả năng tiếp cận các loại thuốc mới vẫn là vấn đề khó khăn.

Nếu bệnh nhân đến ở giai đoạn sớm thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Đến muộn thì kết quả điều trị giảm, phải kết hợp với nhiều loại điều trị nên rất tốn kém. Điều kiện kinh tế của bệnh nhân cũng là một vấn đề trong công tác điều trị. Ví dụ, có những bệnh nhân có những chỉ định điều trị cao cấp nhưng vì họ không có điều kiện kinh tế nên đã gây hạn chế công tác điều trị.

Điều trị ung thư rất tốn kém. Sau 12 tháng điều trị (kể từ khi phát hiện bệnh), có đến 66% người bệnh phải đi vay tiền để tiếp tục cứu chữa, 34% bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc điều trị… Chỉ tính riêng chi phí điều trị cho sáu bệnh ung thư thường gặp nhất đã lên tới gần 26.000 tỉ đồng, bằng 0,22% GDP năm 2012.

. Ông có đưa ra những cảnh báo gì đối với người dân để phòng ngừa?

+ Vấn đề ung thư ở Việt Nam rất đáng báo động. Tuy nhiên, ở nước ta lại đang tồn tại một mâu thuẫn, đại đa số người dân đều coi ung thư là căn bệnh “tử thần”, là nỗi sợ hãi kinh hoàng nhưng ít người quan tâm đến việc dự phòng trong khi ung thư là bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Do vậy, người dân nên thực hiện các bước sau để phòng bệnh:

Bước 1: Để hạn chế yếu tố tiếp xúc gây nguy cơ ung thư như từ bỏ hút thuốc lá để không bị ung thư phổi; chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn đồ mốc, thực phẩm bẩn; tăng cường thể dục thể thao, tăng sức đề kháng để cơ thể chống lại bệnh tật.

Bước 2: Khám sàng lọc ung thư vì ung thư hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu phát hiện sớm.

Bước 3: Nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị ung thư theo phương pháp hiện đại.

. Năng lực điều trị ung thư của y tế Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

+ Gần đây, các loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, trực tràng, khoang miệng đã được phát hiện sớm và chữa được rất nhiều. Nhiều người sau khi chữa ung thư vẫn sống với gia đình nhiều năm. Có những người vài chục năm sau khi chữa bệnh, đến khi già thì chết vì bệnh khác chứ không phải vì ung thư. Đó là nhờ những tiến bộ y học trên thế giới đã được cập nhật ở Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm