70 tuổi vẫn đi tìm đồng đội

Ở cái tuổi 70, lẽ ra người ta đã tận hưởng an vui bên con cháu ở nhà nhưng bà Lai vẫn lội núi trèo non đi tìm đồng đội. Bà Lai cho tôi xem những bức ảnh và một số clip ghi bằng điện thoại đã lưu vào đĩa CD. Clip ghi lại những điểm cao chót vót, những cảnh đào hố kiếm tìm, những mẩu xương, áo quần, bi đông, dép cao su… và cả những giọt nước mắt thắm tình đồng đội.

“Đồng đội ơi, ta thấy nhau rồi”

Bà Lai kể năm 2010, bà lên điểm cao 475 xã Phổ Khánh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) để tìm liệt sĩ Nguyễn Văn Chiêu (quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, hy sinh năm 1972). Con đường mòn trong chiến tranh đã xác định được nhưng cảnh quang thay đổi quá nhiều. Cánh rừng già của ngày xưa biến thành đồi keo lá tràm. Dòng suối nhỏ len lỏi dưới điểm cao giờ rừng kiệt, chẳng còn. Cả cây trâm già to hơn hai người ôm, lúc chôn các anh được chọn để định vị ngôi mộ, giờ người ta cũng đã đốn hạ mất rồi.

Bà Lai cùng các anh đi tới đi lui, hỏi thăm dân địa phương nhưng đáp lại là những cái lắc đầu. Tìm một ngày chưa có, bà Lai cùng đồng đội phải ở lại nhiều ngày, quyết tìm bằng được mới thôi. Đến khi tìm ra vị trí, bà cùng đồng đội thay phiên nhau cuốc bới, kiếm tìm. “Cho đến khi giữa đất đồi đỏ quạch lộ ra những mẩu đất đen, rồi tấm tăng che mưa, đôi dép cao su và chiếc mũ tai bèo… thì tất cả ồ lên: “Đồng đội ơi, chúng tôi đã tìm thấy anh rồi!”” - bà Lai kể.

Cựu chiến binh, thương binh Trương Thị Lai.

Nhưng điểm cao 475 Phổ Khánh cũng chưa khó bằng lên điểm cao Ngọt Tà Vạt, nằm gần đèo Lò Xo, vùng giáp ranh Quảng Ngãi - Kon Tum. Bà Lai kể: “Năm 1968, khi tiểu đoàn từ Tây Trường Sơn về đánh điểm cao Ngọt Tà Vạt. Khi các hướng đồng loạt tiến công, địch chống trả dữ quá. Máy bay B52 thả bom mù trời. Anh chị em trong đội phẫu tiền phương hết khiêng cáng lại phẫu thuật. Nhiều anh em trên đường đưa về đội phẫu đã hy sinh. Trong số đó có hai người cùng tên là Võ Mạnh và Phạm Mạnh cùng ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Anh chị em trong đội phẫu chọn mảnh đất cạnh một bản làng đồng bào dân tộc để các anh nằm và đánh dấu bằng một tảng đá to và một cây lớn. Khi đánh xong cứ điểm, trước khi tiểu đoàn rút đi, tôi đã chạy vội ra phía bìa rừng, bẻ nhánh hoa rừng đặt lên mộ các anh rồi khấn: “Đồng đội ơi, đơn vị phải đi rồi! Sẽ có ngày chúng tôi tìm lại””.

Nhưng rồi mặt trận nối tiếp mặt trận và sau chiến tranh dấu vết của khu mộ chôn liệt sĩ thay đổi nhiều hơn. Khi bà Lai cùng các anh tìm lại thì bản làng xưa đã dời đi nơi khác. Bà Lai cùng các anh tìm mãi mà chẳng xác định được. Đêm xuống, họ đành mắc võng giữa rừng. Trong đêm đen có tiếng thì thầm khấn vái: “Đồng đội ơi, hồn có linh thiêng...”.

Chuyến đi đó, bà Lai cùng đồng đội tìm kiếm bất thành. Rồi chuyến đi thứ hai kéo dài gần nửa tháng trời, họ đã cuốc nát nhiều bìa rừng mới tìm được một số hài cốt liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Võ Mạnh. Còn liệt sĩ Phạm Mạnh thì vẫn chưa tìm thấy.

Qua Lào chống gậy kiếm tìm

Với bà Lai, chuyến đi cực khổ nhất, khó khăn nhất là tìm liệt sĩ Phan Dương Tiến, tham mưu trưởng Trung đoàn Ba Gia quê ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ở điểm cao 723 thuộc tỉnh Savanakhet nước bạn Lào.

Bà Lai kể: “Biết chuyến đi nhiều khó khăn nên anh em có liên hệ với Quân khu 5 mời Đại tá Nguyễn Đức Chuyên, Phó Phòng quân báo Quân khu 5, nguyên là đại đội trưởng của tiểu đoàn trong chiến tranh tham gia. Từ Quảng Ngãi, sáu chị em trong đơn vị và người thân của liệt sĩ ra Đông Hà rồi ngược lên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Từ đó, chúng tôi hướng về thị trấn Sê Pôn rồi ngược lên chừng 70 km tìm về cứ điểm. Mùa thu, rừng khộp trút lá ào ào, rồi mưa ào ạt...”.

Bà Lai cùng đồng đội cũ bên tượng đài chiến thắng Ba Gia (trên) và trong một lần về thăm chiến trường xưa ở Kon Tum. Ảnh trong bài: VÕ QUÝ

Ngoái nhìn điểm cao chót vót mờ trong mưa, nhiều người ái ngại: “Chị Lai ơi, thôi chị hãy nán lại bản của người Lào”. Nhưng bà Lai kiên quyết: “Không có tui đi thì các chú khó mà xác định được nơi chôn cất anh em”. Đường lên điểm cao, có đoạn lối mòn che kín. Hai thanh niên thuê dẫn đường phải thả dây mà kéo từng người lên. Cố gắng thật nhiều nhưng rồi bà Lai bị trượt ngã, chân sưng vều. Anh em chặt cây rừng để làm cáng khiêng nhưng bà Lai từ chối mà tự mình chống gậy đi từng bước.

Khi ngược điểm cao trở về, đoàn đi theo lối tắt. Khi vượt sông Sê Pôn trên thuyền độc mộc, cả đoàn lại thêm một lần ái ngại. Nhưng bà Lai vững tin: “Nếu có gì xảy ra thì các đồng đội khỏi lo, thân này bơi được”. Nghe bà kể giữa rừng sâu vắng lặng, bất giác mọi người cười ồ rồi cùng vượt sông. Chuyến đi đó mất cả nửa tháng trời, bà Lai trở về với thân hình gầy xọp nhưng bà không nản lòng mà sau đó còn tham gia nhiều đợt tìm kiếm khác ở Quảng Nam, Kon Tum...

Còn sức thì còn đi tìm

Chuyện đi tìm đồng đội của bà Lai bắt đầu từ năm 1995, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Ba Gia - Vạn Tường, khi các cựu binh Trung đoàn Ba Gia họp mặt. Họ cùng nhau về thăm lại một số vùng chiến trường xưa tại Kon Tum, thắp hương cho các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào thị xã Kon Tum, Đắk Tô, Tân Cảnh. Quá nhiều những bia mộ chưa xác định được danh tính và nhiều anh em của trung đoàn không biết còn nằm lại nơi đâu. Thế là chuyện đi tìm đồng đội được bàn bạc và bà Lai - cô y tá dũng cảm năm xưa từng nhiều lần mai táng đồng đội đã nhiệt tình tham gia từ dạo đó.

“Sau chiến tranh, cuộc sống của nhiều gia đình liệt sĩ còn khó khăn nên mỗi chuyến đi tui thường góp lương hưu, tiền thương binh để chi dùng” - bà Lai kể. Thấy bà nhiệt tình nên chồng bà - ông Nguyễn Trợ, nguyên cán bộ Khu ủy khu 5, dặn: “Bà cẩn thận nào”. Những chuyến tìm kiếm nơi xa, cảm phục tấm lòng của mẹ, anh con rể bà thường trực tiếp lái xe hơi chở bà cùng đồng đội mỗi khi đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở xa.

Cũng lâu rồi, ngôi nhà của bà nằm sát quốc lộ 1A ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn, Quảng Ngãi) trở thành nơi đón người thân của các liệt sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Ba Gia, Quân khu 5… về tìm kiếm liệt sĩ. Bà Lai nói: “Còn sức thì còn đi tìm. Tui đã bàn với anh em trong năm này phải đi tìm 11 hài cốt liệt sĩ trong trận đánh vào quận lỵ Duy Xuyên (Quảng Nam) tết Mậu Thân 1968”.

Xây đài tưởng niệm và giúp đồng đội khó khăn

Bà Trương Thị Lai bộc bạch: “Chiến tranh kết thúc lâu rồi. Ở nước ngoài người ta còn tìm đến Việt Nam mình để tìm hài cốt. Nước mình có nhiều cuộc hành quân đi tìm đồng đội. Nhưng đây đó các anh vẫn còn nằm trên các cứ điểm, mình còn sống ngày nào thì phải gắng thôi...”.

Không chỉ tìm kiếm liệt sĩ, bà Lai còn vận động các cựu binh xây đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi - nơi có trên 100 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn Ba Gia hy sinh năm 1966. Hằng năm, cứ ngày 10-3 âm lịch, bà cùng con cháu bày mâm cơm để cúng liệt sĩ. Bà Lai còn vận động quyên góp 250 triệu đồng để giúp bốn nữ cựu binh khó khăn của trung đoàn này.

“Bà Lai là điển hình của phong trào cựu chiến binh học tập và làm theo gương Bác. Qua việc làm của bà, các cựu binh chúng tôi càng cảm phục và trân trọng tình đồng đội nhiều hơn. Bà Lai không chỉ được tuyên dương trong đại hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi sắp tới mà còn được chọn là đại biểu tham dự đại hội cựu chiến binh toàn quốc sắp tới” - ông Huỳnh Minh Giữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm