CEO THẾ HỆ CUỐI 8X – ĐẦU 9X – Bài 2

28 tuổi lãnh đạo bảy tổ chức và công ty lớn

Chàng trai trẻ ngày nào giờ đây đã là một doanh nhân tiên phong trong nhiều lĩnh vực kinh doanh còn khá mới ở Việt Nam.

“Người ta nên… thấy được mọi thứ đều vô vọng, tuy thế vẫn phải kiên quyết làm cho nó khác đi” - F. Scott Fitzgerald. Tôi hỏi “Câu nói này dùng để khắc họa con đường khởi nghiệp của Tuấn bao nhiêu % là đúng?”. Không suy nghĩ nhiều, Tuấn trả lời ngay 0%. Không để tôi kịp hỏi, Tuấn thắc mắc ngay sao chị lại hỏi như vậy? Vì tôi đã được đọc lời mà Tuấn từng chia sẻ: “Lúc biết tin cha của mình bị bệnh ung thư, tôi cảm thấy khá buồn và nghĩ rằng liệu mình có thể làm gì để giúp những người bị bệnh giống cha. Càng tìm hiểu sâu về những “căn bệnh” không chỉ của người bệnh mà của chính nền y tế nước nhà, tôi lại càng được tiếp thêm dũng khí để hành động vì tôi muốn “thay đổi một cái gì đó”.

Có chút ngạc nhiên, Tuấn cười và nói: “Mình luôn nắm giữ niềm hy vọng mà. Đến một lúc nào đó chúng ta có thể sẽ tưởng rằng hy vọng chỉ là một lớp mặt nạ của thất vọng không hơn không kém. Dù vậy, hãy nắm giữ lấy tia hy vọng dù là nhỏ nhoi, dù cho hy vọng chỉ là 1% thì nó vẫn là hy vọng!”. Và cứ thế, chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện

Luôn nắm giữ niềm hy vọng

Quay trở lại với câu chuyện khởi nghiệp của Tuấn, thật sự đâu là khoảng thời gian khó khăn nhất? Suy tư một chút, Tuấn tiếp lời: Đó là khoảng thời gian khi chúng tôi là đơn vị tư nhân đầu tiên xây dựng một mô hình kinh doanh còn khá mới và đột phá ở Việt Nam. Vì khá mới nên chưa có luật và không thể kiểm soát. Khi đó chúng tôi không được phép thực hiện dù mình có khả năng làm được và mang lại giá trị cho cộng đồng. Tôi nhớ lúc đó chúng tôi chỉ có hai lựa chọn, một là không làm gì cả và đổ lỗi cho các yếu tố khác vĩ mô hơn, hai là sáng tạo ra giải pháp và kiên trì để giải quyết vấn đề. Tôi đã chọn giải pháp số hai. Nhưng mọi chuyện chỉ mới bắt đầu bởi mô hình này chưa được phổ biến dù nó tạo ra lợi ích thực sự. Để mô hình mới này được công nhận và đi vào hoạt động rộng rãi trong cộng đồng, chúng tôi phải vận động tạo ra luật - đóng góp những kiến nghị về pháp lý cho mô hình mới này tại Việt Nam. Mà ngày nay chúng ta nghe nhiều đến nó với tên gọi “bác sĩ gia đình”. Cộng đồng biết đến tôi nhiều qua sự thành công của doanh nghiệp này, tuy nhiên với tôi đó chỉ là điểm khởi đầu, tôi có nhiều doanh nghiệp khác, khi “tròn duyên” với nó rồi tôi sẽ rất vui mừng để tiếp nối những sứ mệnh và giấc mơ tiếp theo của mình. Có lẽ mọi thứ đưa Tuấn đến với kinh doanh như cái duyên được định sẵn để Tạ Minh Tuấn đến gần hơn với cuộc hành trình khám phá chính bản thân cái mà anh gọi là đền đáp!

Tạ Minh Tuấn luôn giữ cho mình bầu nhiệt huyết và làm cho nó lan tỏa đến các cộng sự.  Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sự nghiệp là đáp đền và tiếp nối

Tuấn cho biết: “Tôi đã khởi nghiệp với rất nhiều sự không thuận lợi như thiếu vốn, thiếu quan hệ, thiếu kinh nghiệm. Nhờ có cơ duyên được nhiều người hướng dẫn, cố vấn, dạy bảo... tôi mới có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại để chinh phục những mục tiêu và tạo ra thành quả như ngày hôm nay. Vì vậy cách tốt nhất để “trả ơn” đó là cũng lan tỏa sự giúp đỡ đó đến với những người cần mình sau này”. Tiếp mạch câu chuyện, tôi hỏi nếu được dùng một từ để nói về sự nghiệp của mình, Tuấn sẽ nói gì. “Chắc hẳn đó phải là từ “đáp đền tiếp nối” vì đây cũng chính là triết lý sống và làm việc của mình” - Tuấn chia sẻ.

Tôi nhận thấy có chút thu mình của chàng trai đang sở hữu khá nhiều thành tích mà nhiều người mong muốn có được. Chính cái khiêm tốn ấy làm tôi thật sự muốn biết suy nghĩ sâu xa của cậu CEO trẻ 8X mà hai lần được Forbes vinh danh này là gì? Là thuận lợi hay là trở ngại?

Không đợi tôi hỏi, Tuấn chia sẻ thêm: “Nếu nói về thành quả mình đang có tôi nghĩ đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi từ các tổ chức, tập thể mà chẳng qua tôi là người đại diện để nhận về. Không ai có thể thành công một mình. Bản thân tôi cũng là con người nên cũng rất vui sướng khi những nỗ lực của mình và tập thể được ghi nhận. Điều này giúp tôi cảm nhận hành trình mình đi có nhiều niềm vui và ý nghĩa hơn. Nhưng nó cũng phần nào gây ra áp lực: Cộng đồng cho rằng vì mình làm được nên sau này mình làm cái gì cũng phải thành công. Suy nghĩ đó với thế hệ 8X như tôi mà nói có thể khiến mình không dám đánh đổi những gì trong hiện tại để “luôn luôn khát khao”. Thật sự có nhiều lần mệt mỏi lắm chứ. Nhưng rồi mình phải vượt qua để luôn giữ cho mình bầu nhiệt huyết cũng như tinh thần dám thất bại!”.

Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp

Hỏi Tuấn nghĩ sao khi không ít những CEO gặp khó khăn khi duy trì “sự nghiệp” của mình đã dày công gầy dựng. Đúng là khó, nhưng làm được! Chỉ cần mình luôn tự hỏi mình câu hỏi “What’s next?” thì mình sẽ duy trì được “độ bám” với tầm nhìn về tương lai. Khi đó mình sẽ đỡ chủ quan, tự mãn, tự hài lòng với chính mình mà thay vào đó sẽ không ngừng thử thách bản thân vượt qua các giới hạn cũ. Đó cũng là một dạng “tinh thần khởi nghiệp” khi mình không chấp nhận sự cân bằng của trạng thái cũ, mong muốn đổi mới sáng tạo để thay đổi sang một trạng thái mới tốt đẹp hơn, chấp nhận thử thách và dám thất bại trên hành trình đột phá, rút kinh nghiệm sâu sắc và không ngừng hoàn thiện bản thân để tạo ra giá trị cho người khác. Chỉ cần như vậy thì mình vẫn là chính mình, vẫn có thể tự sáng tạo chính mình liên tục để tiếp tục duy trì phong độ sự nghiệp tiến về phía trước.

Tuấn nói thêm điều quan trọng với những CEO trẻ như mình đó là luôn giữ vững “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Khi mình tự hài lòng với bản thân rồi là lúc sự suy biến bắt đầu. Muốn vậy mình phải tự nhắc bản thân về việc có thể mình cũng giỏi nhưng đã là gì so với những người siêu giỏi? Hoặc đã là gì so với thế giới chưa? Hay điều quan trọng là mình hôm nay có tốt hơn hôm qua hay không, mình có thắng chính mình hay không? Bởi vì trên đời này hành động đáng làm nhất là việc mình làm để mang lại giá trị cho người khác!

Đến đây tôi hiểu hơn và có phần ngưỡng mộ những CEO thế hệ kế thừa. Bởi trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến rất nhanh, còn quốc gia thì đang thay đổi rất chậm và xã hội này cần hơn nữa những con người cống hiến không ngừng vì sự phát triển và vươn lên của đất nước.

Tôi đã nghe ở đâu đó câu nói: “Ai có thể làm cho mỗi phút giây trong cuộc sống của mình đều có thể mang lại giá trị cho người khác, người đó sẽ kéo dài cuộc đời mình ra đến bất tận”. Một lần nữa tôi lại thấy câu nói ấy rất hợp với sự nghiệp của Tuấn. Có phải Tuấn luôn muốn đặt cho mình những mục tiêu lớn không? Đúng, tôi thích đặt những mục tiêu có tính thử thách cao vì nó sẽ truyền cảm hứng cho chính bản thân và đội ngũ của mình. Chính những mục tiêu, thử thách càng lớn thì mình mới có thể thu hút những người giỏi và tích cực về cùng “chiến đấu” với mình. Đến đây tôi hiểu hơn câu nói mà các CEO hay ví von muốn đi xa phải đi cùng đồng đội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm