15 năm cõng chữ lên non, chở chữ ra biển

 “Nếu không có học bổng, có lẽ em đã không được bước chân ra khỏi làng, có lẽ cũng đã lấy chồng, sinh con và đi làm thuê, giúp việc nhà như những người bạn đồng lứa của em rồi. Đã nhiều năm trôi qua nhưng em vẫn nhớ mãi cái ngày thầy hiệu trưởng gọi em lên thông báo rằng em đã được Quỹ học bổng Vừ A Dính chọn. Có lẽ đó là ngày vui nhất vì nó đã thay đổi cuộc đời em”.

Đó là tâm sự của Nguyễn Thành Nữ Yến Nhi, dân tộc Chăm, sinh viên năm hai ĐH Luật TP.HCM.

Sẽ không bước chân ra khỏi làng nếu…

Nhà Nhi làm nghề nông ở thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, do gia cảnh túng thiếu, ba mẹ em đã bán hết ruộng đất để trả nợ. Ba đi lái máy cày thuê, mẹ nhận may đồ trong xóm. Dưới Nhi còn có hai em trai đang theo học phổ thông.

Từ một cô gái nhút nhát, Nhi đã đậu một lúc hai trường ĐH, rồi viết bài cộng tác cho các báo. Nhi là một trong số 50 em nhận học bổng “Mở đường đến tương lai” của Quỹ Vừ A Dính. Học bổng này cấp suốt bảy năm (ba năm THPT và bốn năm ĐH) dành cho nữ sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học yên tâm cắp sách đến trường.

Các em nhận học bổng của quỹ vui chơi tại Đà Lạt cùng bà Robin, một nhà tài trợ luôn theo sát cuộc sống của các em. (Ảnh tư liệu)

Một dự án khác của quỹ, “Ươm mầm tương lai” đã đưa các em học sinh dân tộc thiểu số từ những bản làng xa xôi trên khắp mọi miền Tổ quốc về TP.HCM học tập từ lớp 6 đến lớp 12 trong những ngôi trường đầy đủ tiện nghi.

Châu Nguyệt Cẩm Vân (dân tộc Hoa, thường trú tỉnh Đồng Nai) được chọn vào dự án này nhưng trong lòng không muốn xa gia đình chút nào. Em ít nói, sống tình cảm, chỉ muốn ở trong môi trường cũ. Người cha đã động viên em đi vì e sẽ không lo nổi cho con tiếp tục đến trường. “Những ngày đầu sống và học xa nhà, mỗi lần điện thoại về là em khóc hết nước mắt vì nhớ nhà, nhớ nhất là ba. Ba hay dặn dò là con đang nhận được lòng bao dung của người khác, hãy cố gắng học tốt cho xứng đáng với những tấm lòng đó”. Mới đó đã ba năm, cha của Vân cũng đã qua đời. Giỗ đầu của cha, Vân mang ảnh ra xem và báo cáo kết quả ba năm liền học sinh giỏi, kết quả thi tốt nghiệp vừa rồi đạt loại giỏi cho cha biết. Vân khóc, trong những giọt nước mắt nhớ thương cha còn có cả sự hàm ơn những người đã đưa tay ra giúp mình.

Cùng nhận học bổng vào Trường THCS-THPT Duy Tân, nơi Vân theo học có ba em đạt loại giỏi, hai em loại khá trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Đây là trường đầu tiên tại TP.HCM hỗ trợ học bổng cho các em. Đến nay đã có 60 em được trường nuôi ăn học miễn phí. TS Nguyễn Thị Sơn, Hiệu trưởng Trường Duy Tân, cho biết nếu các em đậu ĐH ở TP.HCM, nhà trường sẽ tiếp tục lo chỗ ở trong suốt thời gian học. Hiện nhiều trường khác tại TP.HCM như Hồng Hà, Việt Thanh… cũng tham gia, đón nhận cả những học sinh từ các vùng hải đảo xa xôi.

Không chỉ trao tiền

“Điểm đặc biệt của Quỹ học bổng Vừ A Dính là không chỉ trao tiền mà còn trao cả tình cảm, trải nghiệm cuộc sống cho các em, tạo tiền đề cho các em học sinh dân tộc thiểu số vững bước vào đời” - bà Hồ Thị Bích Nhạn nói như thế khi theo dõi hoạt động này. Mới đây, cá nhân bà đã quyết định hỗ trợ học bổng cho năm em từ các tỉnh vào TP.HCM học từ lớp 6 đến 12.

Những người hoạt động trong quỹ ý thức rằng các em nhận học bổng đều đang đối diện nhiều vấn đề của tuổi mới lớn. Do đó, các em cần được trao kỹ năng sống. Mỗi năm, các em đều tựu trung về một ngày hội ước mơ do quỹ tổ chức luân phiên ở các thành phố lớn. Có em lần đầu tiên được đi máy bay, được tham quan những thắng cảnh đẹp. Các em được giao lưu, học hỏi với nhau; được những người thành đạt trong nước và trên thế giới truyền cảm hứng, sự tự tin; được các chuyên gia tâm lý giải đáp những vướng mắc khó nói…

Ngày thường, các thầy cô, những người của quỹ cũng luôn kết nối liên lạc để chia sẻ kịp thời những khó khăn của các em. Bà Robin, Giám đốc Quỹ tài trợ Vinacapital, còn mở ra cơ hội học tiếng Anh miễn phí tại TP.HCM cho các em. Lớp học ấy đã hình thành hơn hai tháng nay.

Những năm gần đây, quỹ còn mở rộng đối tượng thụ hưởng là các em ở vùng biên giới, hải đảo. Nhìn lại những nỗ lực 15 năm qua, bà Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch quỹ, chỉ nói ngắn gọn: “Chúng tôi đã làm hết sức mình để cõng chữ lên non, chở chữ ra biển”.

THANH MẬN

Như một người mẹ

Đó là cảm nhận của nhà báo Vũ Quang Vinh, Tổng Biên tập báo Thiếu Niên Tiền Phong, Giám đốc Quỹ học bổng Vừ A Dính, dành cho bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch quỹ.

Ông kể bà đã nhận lời làm chủ tịch quỹ ngay từ ngày đầu 3-5-1999. Không chỉ là một chủ tịch danh dự, bà còn trực tiếp bắt tay vào việc, cùng làm với anh em những việc cụ thể nhất. Mỗi lần có dịp gặp gỡ các cháu học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, bà ân cần hỏi han từng ly, từng tí việc ăn ở, học hành. Ngay cả trước lúc lên bàn mổ tim, bà vẫn dặn dò mọi người chăm sóc chu đáo các em, đưa đón tận tình lúc về quê, nghỉ tết… Bà vẫn nhắc những người điều hành quỹ rằng cha mẹ các em đã giao con cho mình thì mình phải lo tròn trách nhiệm, đừng để các em lỡ bước giữa chừng vì bất kỳ một sự cố nào trong đời, kể cả vấn đề tâm lý tình cảm.

15 năm cõng chữ lên non, chở chữ ra biển ảnh 2

Bà Trương Mỹ Hoa thăm hỏi hai em học sinh dân tộc thiểu số ở Trường THCS-THPT Việt Thanh. (Ảnh tư liệu)

Bà Nguyễn Thị Bích Châu, Giám đốc đối ngoại của Quỹ tài trợ Vinacapital, xúc động kể rằng khi làm việc với bà Trương Mỹ Hoa mới thấy hết tấm lòng bà dành cho những công dân tương lai của đất nước. “Lúc đầu, bên Vinacapital ký kết là sẽ tài trợ cho các em suốt bảy năm học, bắt đầu từ lớp 10, lúc đó đã vào học kỳ 2 của năm học lớp 10. Thời gian sau đó, lần nào gặp cô Hoa cũng trăn trở rằng chúng ta đã hứa là sẽ trao đủ bảy năm thì nên trao lùi lại cho đủ thời gian, vì biết đâu có gia đình phải đi vay mượn để các em học tập nửa năm kia. Hai bên đã bàn bạc và cuối cùng cô Hoa có một buổi nói chuyện với các em, rằng chúng tôi sẽ cấp cho các em đủ bảy năm theo thời gian tới. Học bổng của nửa năm đầu lớp 10 sẽ để dành trao cho các em khi vào ĐH. Đối với cô Hoa, lời hứa với một học sinh cũng có sức nặng không khác gì lời hứa với Chính phủ” - bà Châu nói.

Khi đi gây quỹ, bà Hoa luôn nhớ tên từng nhà hảo tâm, từng cách thức gom góp. Với các em, bà nhớ tên, nhớ từng hoàn cảnh, thành tích để theo sát động viên. Ghi nhận những nỗ lực của bà dành cho sự nghiệp giáo dục, dịp này, Đảng-Nhà nước đã trao tặng cho bà Hoa huân chương Lao động hạng Nhất.

Đón nhận huân chương Lao động hạng Nhất

Hôm nay (21-6), tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập quỹ cũng là ngày 65 năm anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính hy sinh, quỹ vinh dự đón nhận huân chương Lao động hạng Nhất do Đảng-Nhà nước trao tặng.

Suốt 15 năm qua, quỹ đã trao gần 50.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số cả nước; xây dựng tám ngôi trường, 10 chiếc cầu và 35 căn nhà tình thương cho đồng bào nghèo, trao giải thưởng Vừ A Dính cho 59 cá nhân và 29 tập thể. Đặc biệt liên tiếp trong hai năm 2013-2014, quỹ đã phối hợp với báo Pháp Luật TP.HCM và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” xây dựng được hai ngôi trường tiểu học trên đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm