Hành trình tìm sự thật về vụ “đạo” thơ

Bà Đào Kim Hoa kêu oan

Cục Văn hoá Đài Bắc đứng tên là cơ quan tổ chức tất cả các Festival thơ Quốc tế, hai năm một lần tại Đài Bắc. Tuy vậy, mỗi Festival có một Uỷ ban thực hiện dự án khác nhau, do một hoặc vài đơn vị văn hoá như Quỹ văn hoá, Nhà xuất bản, Tạp chí văn học… tại Đài Loan đứng ra cùng thực hiện.

Hành trình tìm sự thật về vụ “đạo” thơ ảnh 1
Trang chủ blog đoạt giải nhất blog tiếng Hoa toàn cầu, từ đây tìm ra nguồn gốc của những bài thơ bị "cầm nhầm"

Chuyên viên Cục Văn hoá Đài Bắc cho biết, ngay chính Cục cũng không nắm được chuyện bếp núc của mỗi Festival thơ Quốc tế, còn đơn vị đứng ra thực hiện Festival năm 2001 là Tạp chí Văn học Liên Hợp (Unitas – A literary Monthly).

Ban tổ chức của mỗi Festival thơ đều đã giải tán sau khi kết thúc các Festival. Và các thành viên Ban tổ chức khi đó giờ nhiều người đã chuyển sang cơ quan khác hoặc ra nước ngoài. Ngay cả Tạp chí Văn học Liên Hợp giờ cũng đã trở thành một nhà xuất bản, với tên gọi Nhà xuất bản Văn học Liên Hợp (Unitas Publishing Co.), hiện là nhà xuất bản nổi tiếng và có uy tín nhất Đài Loan trong lĩnh vực sách văn học, văn học dịch, văn học trẻ, là nhà tổ chức các cuộc thi văn học tại Đài Loan.

Trong quá trình tìm kiếm thông tin, chúng tôi được biết, đối với nhóm thực hiện dự án Festival thơ Quốc tế Đài Bắc 2001, sự kiện Đào Kim Hoa làm tất cả mọi người sửng sốt. Phía Đài Loan cho biết họ luôn thực hiện mọi khâu chuẩn bị một cách nghiêm túc, bao gồm từ vấn đề tôn trọng bản quyền tác phẩm, tổ chức sự kiện, chọn dịch giả uy tín nhất để thực hiện dịch tác phẩm tham gia Festival, lên lịch hoạt động, xuất bản các ấn phẩm kèm theo để phục vụ Festival, tiếp đón và thực hiện hoạt động giao lưu của các nhà thơ quốc tế tại Đài Bắc.

Trong môi trường xuất bản và hoạt động văn hoá chuyên nghiệp như ở Đài Loan, thái độ ứng xử văn hoá luôn được các doanh nghiệp văn hoá và cơ quan quản lý văn hoá chú trọng ở mức cao nhất. Và Festival thơ Quốc tế Đài Bắc chỉ là một trong những hoạt động văn học quốc tế mà Unitas đã thực hiện trong hơn hai mươi năm qua.

Bản fax tự giới thiệu bản thân mà bà Đào Kim Hoa cung cấp cho Ban tổ chức Festival thơ quốc tế Đài Bắc 2001
Bản fax tự giới thiệu bản thân mà bà Đào Kim Hoa cung cấp cho Ban tổ chức Festival thơ quốc tế Đài Bắc 2001

Phía Đài Loan đã cung cấp bản sao các tài liệu trong hồ sơ bà Đào Kim Hoa đã gửi sang đăng ký để tham gia Festival thơ quốc tế Đài Bắc 2001, trong đó đáng chú ý nhất có hai tài liệu liên quan tới vấn đề bản quyền và sự chính danh của bà Đào Kim Hoa tại Festival. Đó là bản fax đăng ký gửi Ban tổ chức với nội dung bà Đào Kim Hoa tự cung cấp lý lịch cá nhân cho Ban tổ chức, được fax từ máy fax của cơ quan Hội nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, số máy fax bà Hoa cung cấp là 84-4-8263 777.

Ngoài ra là mẫu hợp đồng bản quyền mà theo đúng quy định, đơn vị tổ chức Unitas đã ký với tất cả các nhà thơ quốc tế tham gia chương trình, với mục đích sử dụng bản quyền tác phẩm để in thơ trong tập thơ “Nạm lên trời sao” cùng các ấn phẩm tuyên truyền cho Festival thơ quốc tế, được ấn hành cùng thời điểm khai mạc Festival.

Người của Ban tổ chức nhận được bản fax của bà Hoa cho biết, theo hồ sơ này thì không thể phủ nhận bà Hoa không phải là nhà thơ. Và Ban tổ chức chỉ đơn giản là chuyển tiếp bản fax của bà Hoa cho nhà thơ Trần Lê với đề nghị, dịch lý lịch của bà “Dao Kim Hoa” sang tiếng Hoa.

Vì vậy, việc nhà thơ Trần Lê dịch các thông tin và thơ của bà Hoa sang tiếng Hoa là theo yêu cầu của Ban tổ chức, quan hệ và công việc giữa ông với Ban tổ chức không liên quan gì tới sự việc giữa bà Hoa và Ban tổ chức. Không thể “trách” ông Trần Lê đã tự tiện dịch 4 bài thơ từ tiếng Anh mà không xin phép bà Hoa được!

Trong bản lý lịch gửi cho Ban tổ chức, bà Đào Kim Hoa đã tự giới thiệu mình là người “am hiểu sâu sắc về văn học Việt Nam và các nhà văn Việt Nam (She knows very well about Vietnam Literature and its Creative Body). “Hiện nay Đào Kim Hoa đang là biên tập viên Tạp chí Văn chương Việt Nam” (Now Dao Kim Hoa works as an editor for the Vietnam Literature Review)… và là “người sáng tác thơ, viết tiểu luận, tản văn, nghiên cứu văn hóa các nước….” ( nguyên văn tiếng Anh: “She had writen some poems, essays, articles, cultural research of other nations”).

Đây chính là cơ sở để Ban tổ chức dựa vào bản fax của bà Đào Kim Hoa, gửi cho bộ phận biên dịch giới thiệu trong Festival. Và bộ phận biên dịch chỉ đơn giản dịch đúng tất cả những gì bà Đào Kim Hoa cung cấp bằng tiếng Anh trên bản fax này.

Mẫu hợp đồng bản quyền mà các nhà thơ tham dự Festival phải ký và gửi cho BTC trước ngày 30/6/2001 để hoàn thiện hồ sơ
Mẫu hợp đồng bản quyền mà các nhà thơ tham dự Festival phải ký và gửi cho BTC trước ngày 30/6/2001 để hoàn thiện hồ sơ

Trong mẫu hợp đồng bản quyền ký với Unitas về việc sử dụng thơ để in trong tuyển tập các tác phẩm tham gia Festival, có ghi rõ tiêu đề là: “Reprint Permission for Taipei International Poetry Festival, 2001” tức “Giấy phép sử dụng bản quyền in ấn tại Festival thơ Quốc tế Đài Bắc 2001”.

Nội dung của hợp đồng cũng ghi rõ là hợp đồng bản quyền về các tác phẩm “do tôi đã sáng tác, đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh” và đồng ý cho Ban tổ chức “dịch bản thảo sang tiếng Hoa, rồi in trong tuyển tập có trình bày song ngữ đối chiếu Anh – Trung”.

Đồng thời người ký hợp đồng còn cam kết: “Tôi cũng đồng ý cho phép BTC in lại thơ của tôi và bản dịch sang tiếng Hoa để làm tài liệu quảng bá hoặc cung cấp thông tin độc quyền cho Festival thơ và Tạp chí Văn học Liên hợp (I also permit the administration to reprint my poems and their Chinese translations in the promotional or information-providing materials exclusively released for the poetry Festival and in Unitas: A Literary Monthly)

Những tài liệu trong hồ sơ, nhất là mẫu hợp đồng bản quyền cho phép sử dụng tác phẩm, đều bằng tiếng Anh, vì thế những thành viên cũ của BTCFestival thơ Quốc tế Đài Bắc 2001 rất buồn và thất vọng khi biết bà Đào Kim Hoa lên tiếng trên một số báo tại Việt Nam rằng, lỗi là do Ban tổ chức tự phong cho bà là nhà thơ, tự tiện in thơ, tự gán cho bà là tác giả, tự dịch thơ bà cung cấp bản thảo mà không xin phép… và vì bà không biết tiếng Trung nên không biết gì.

BTC cho biết, hồ sơ, các thông tin về Festival phải được hoàn thiện vài tháng trước khi tác giả sang Đài Loan. Mẫu hợp đồng bản quyền nói trên yêu cầu người tham gia phải ký hợp đồng, gửi thơ và các giấy tờ liên quan cho BTC trước ngày 30/6/2001.

Ngay cả ba ấn phẩm in phục vụ cho Festival bao gồm tuyển tập thơ “Nạm lên trời sao”, tuyển tập Thơ nhiếp ảnh và Tuyển tập luận văn tham gia Festival đều được biên tập xong và phát hành lần lượt từ ngày 1/9/2001 cho đến hết tháng 9 (bà Đào Kim Hoa cho biết sang Đài Loan ngày 15/9/2001).

Họ không thể tìm được ghi âm các “lời nói” mà bà Hoa cho rằng đã “nói” hoặc “phát biểu” về tác giả thật sự của các bản thảo thơ. Tuy vậy, dễ thấy rất khó có khả năng BTC mời một người không phải nhà thơ tới tham gia Festival thơ, ký bản quyền với người không sở hữu bản quyền với tư cách tác giả.

Nhà thơ Trần Lê muốn đề cử nhà thơ Hữu Thỉnh tham dự Festival thơ Quốc tế Đài Bắc năm nay vì "tám năm trước, vị trí của ông đã bị thay thế bởi người khác..."
Nhà thơ Trần Lê muốn đề cử nhà thơ Hữu Thỉnh tham dự Festival thơ Quốc tế Đài Bắc năm nay vì "tám năm trước, vị trí của ông đã bị thay thế bởi người khác..."

Nhà thơ Trần Lê cho biết, sau khi trao đổi với các đồng sự là những người tham gia tổ chức Festival thơ Quốc tế Đài Bắc 2001, được sự ủng hộ của mọi người, nhà thơ Trần Lê sẽ chủ động đề cử nhà thơ Hữu Thỉnh của Việt Nam tới BTC Festival thơ Quốc tế Đài Bắc năm nay, 2009. Bởi giá trị thi ca trong tác phẩm của Hữu Thỉnh, dịch giả và độc giả tại Đài Loan đều công nhận ông là nhà thơ hàng đầu đã thể hiện phong cách và mỹ cảm của thi ca.

Và bởi tám năm trước, vị trí của ông đã bị thay thế bởi người khác, hy vọng năm nay 2009, nhà thơ Việt Nam Hữu Thỉnh sẽ chinh phục và khẳng định giá trị thi ca Việt Nam trước độc giả Đài Loan. Nhà thơ Trần Lê cho biết, ông rất hy vọng được tiếp tục hợp tác để được dịch những tác phẩm tiếp theo của Hữu Thỉnh và Lò Ngân Sủn sang tiếng Hoa. Khi có thông tin từ BTC, ông sẽ trực tiếp báo tin vui sang Việt Nam cho nhà thơ Hữu Thỉnh và Hội nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Trần Lê cũng cho biết, trong thời gian trung tuần tháng 10 năm nay, ông sẽ tham dự Lễ hội thơ Đông Nam Á lần đầu tiên tại Trung Quốc và tháng 11 tham gia Trại sáng tác quốc tế tại Hongkong (International Writers Workshop), ông hy vọng có thể tranh thủ ghé tới Việt Nam vài ngày để giới thiệu về thi ca Đài Loan với độc giả Việt Nam, và được giao lưu với Hữu Thỉnh và Lò Ngân Sủn, những nhà thơ Việt Nam ông hâm mộ.

Thơ mới là cầu nối kéo gần người yêu thơ Việt Nam và Đài Loan. Những toan tính khác dù khoác áo gì, cũng đều là một cách phản bội lại thi ca.

Bà Hồng Đức Thanh: Tôi không muốn tiếp tay cho đạo văn

Bà Hồng Đức Thanh nhận giải nhất blog tiếng Hoa toàn cầu
Bà Hồng Đức Thanh nhận giải nhất blog tiếng Hoa toàn cầu

Chiều 22/6/2009, trao đổi trực tiếp với blogger Đài Loan Hồng Đức Thanh đang tham gia chương trình giới thiệu sách mới “Bạn phải đến Việt Nam” tại thư cục ở Đài Bắc, bà Hồng Đức Thanh cho biết, bà vừa hạ tên Đào Kim Hoa trên tiêu đề blog giải Nhất tiếng Hoa toàn cầu, cũng như tại tất cả những nội dung liên quan tới thơ Việt Nam trong miêu tả blog.

Chúng tôi rất bất ngờ, bởi vì chưa từng tiết lộ với bà Hồng Đức Thanh rằng, thần tượng thơ nữ của bà không phải tác giả của những vần thơ Việt Nam ấm áp đó.

Bà Hồng Đức Thanh cho biết, bà là độc giả rất thân thiết của báo VietNamNet suốt ba năm qua, nhất là trang tiếng Anh của VietNamNet và một số tin tiếng Việt.

Vì thế, bà vừa mới đọc được sự việc Đào Kim Hoa trên trang VietNamNet và tự động quyết định xoá tên Đào Kim Hoa trên tất cả những trang weblog mà bà đã đầu tư tâm huyết lâu nay. Tuy vậy, thơ không có lỗi. Bà Hồng chờ sự việc ngã ngũ để đưa tên Hữu Thỉnh vào vị trí tác giả thơ.

Trả lời phỏng vấn từ Đài Bắc, bà Hồng Đức Thanh cho biết: "Tôi lựa chọn thơ Đào Kim Hoa (bây giờ phải gọi là thơ Hữu Thỉnh) làm tiêu đề cho blog và miêu tả trong blog, là bởi quá yêu những câu thơ này, tôi rất tôn trọng bản quyền nên ghi chú rõ tên tác giả, cả quốc tịch của tác giả. Thế nhưng không ngờ, tôi đã trở thành người tiếp tay cho đạo văn."

"Tôi không có nhiều điều kiện được tiếp xúc với thơ ca và văn học Việt Nam, tôi chỉ tìm được trên mạng tiếng Hoa có vài bài thơ của Việt Nam mà thôi, thế nhưng đọc lên đã thấy tình cảm dạt dào, gợi lên những mùi vị cảm giác tuổi nhỏ của tôi ở Đài Loan, nên tôi đưa nó lên đứng mãi mãi ở trang đầu blog."

Theo Trang Hạ (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm