Google thỏa thuận tác quyền: Tác giả Việt Nam loay hoay...

Liên tục trên hai số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết đề cập việc Google gửi thông báo pháp lý đến các nhà văn, nhà thơ Việt Nam về thỏa thuận tiền tác quyền cho những tác phẩm mà Google đã từng và chuẩn bị số hóa cho dự án Google Books. Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được ý kiến của các nhà văn, nhà thơ về sự việc này. Hầu hết các tác giả đều không hiểu chuyện gì đang xảy ra và sẽ đi đến đâu!

Google thỏa thuận tác quyền: Tác giả Việt Nam loay hoay... ảnh 1Nhà thơ Lê Minh Quốc: Trung tâm nên cụ thể việc ủy thác quyền

Tôi nhận được hai thông báo. Thông báo đầu tiên gồm “Thư mời ủy thác quyền” và “Giấy ủy thác quyền” của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam về việc mời ký hợp đồng ủy thác. Thông báo thứ hai là “thông báo pháp lý” của Google.

Tôi và nhiều nhà văn phía Nam không trả lời cả hai văn bản này. Bởi: Văn bản của Google quá chi tiết, dùng ngôn ngữ luật của Mỹ nên chúng tôi không hiểu. Còn văn bản từ trung tâm lại chưa cụ thể. Trung tâm đề nghị trao toàn bộ tác phẩm cho họ quản lý nhưng cụ thể việc sử dụng bản quyền tác phẩm như thế nào? Thử hỏi, vi phạm bản quyền trên mạng, sách photo, sách in lậu..., trung tâm có quản được không? Hợp đồng ký bao nhiêu năm, ký như thế nào?... Chúng tôi nghĩ phải có buổi làm việc cụ thể để những nhà văn vốn ít am hiểu thuật ngữ luật hiểu rõ hơn. Chung chung như vậy, chúng tôi không dám ký!

Google thỏa thuận tác quyền: Tác giả Việt Nam loay hoay... ảnh 2Nhà văn Y Ban: Trung tâm cần rõ ràng!

Thông báo pháp lý về cuộc dàn xếp của Google với các tác giả cuốn sách, nhà xuất bản là rất đúng và tốt cho giới nhà văn chúng tôi. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi nhận được thông báo pháp lý do Google gửi đến theo đúng địa chỉ cá nhân. Chúng tôi muốn biết ai cung cấp địa chỉ cá nhân này. Ai đã đứng ra tự ý dàn xếp trong khi bản thân chúng tôi không hề được thông báo trước?

Theo tôi, việc Google đồng ý thu xếp trả tiền cho các tác phẩm được sử dụng trên Google là việc làm khác. Phía trung tâm nếu muốn chúng tôi ủy thác trong sự việc này thì trung tâm phải nói rõ. Chứ như cách làm vừa qua, tôi cảm thấy có sự không minh bạch. Thời gian tới chúng tôi sẽ đối chứng với trung tâm.

Ai cũng biết việc đưa tác phẩm mình lên mạng Google cũng là một hình thức quảng bá. Bản thân tác phẩm của mình bị “ăn cắp”, bị “sao chép” tôi không lạ, không thấy quan trọng nữa và số tiền đền bù (khoảng 60 USD/tác phẩm) không nhiều. Nhưng vấn đề là lần đầu tiên có một vụ thỏa thuận giữa nước ngoài với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam nên trung tâm cần rõ ràng.

Google thỏa thuận tác quyền: Tác giả Việt Nam loay hoay... ảnh 3Nhà văn Phạm Thanh Khương: Không hiểu trung tâm ở đâu

Điều tôi bức xúc nhất hiện nay chính là muốn có ý kiến chính thống của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam về sự việc này. Chúng tôi đăng ký vào trung tâm, thậm chí đang là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam nên các tác phẩm của mình nghiễm nhiên được bảo vệ. Vì vậy, tôi sẽ không mang vụ việc này đi hỏi trung tâm nữa. Thế nhưng nhờ đọc trên mạng tôi mới biết việc dàn xếp của Google này có từ lâu, thậm chí Google cũng đã có ý kiến gửi phía Việt Nam rồi thế mà không hề nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía trung tâm.

VLCC thành lập văn phòng dự án thỏa thuận với Google

Hôm qua (9-7), Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã có văn bản phản hồi sau hai bài viết của Pháp Luật TP.HCM. Theo đó, VLCC đã nhận được sự liên hệ trực tiếp từ phía luật sư của Google đề nghị đàm phán để đạt được một thỏa thuận liên quan đến hoạt động số hóa sách trên cơ sở phù hợp các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. VLCC đã thành lập văn phòng dự án tham gia thỏa thuận với Google về việc số hóa các cuốn sách của tác giả Việt Nam với nhiệm vụ chính:

- Tập hợp và tuyên truyền pháp luật về quyền tác giả không chỉ đến các tác giả, các nhà xuất bản có sách được số hóa bởi Google mà còn đến các chủ sở hữu quyền tác giả trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

- Liên hệ, đàm phán với luật sư Google về việc sử dụng các tác phẩm bao gồm các cuốn sách đã được số hóa (hơn 4.000 cuốn) và các cuốn sách đang trong kế hoạch số hóa.

- Tập hợp, phân loại và hình thành cơ sở dữ liệu về các cuốn sách đã được Google số hóa. Thu tiền bồi thường từ phía Google và phân phối tiền bồi thường đến các chủ sở hữu quyền tác giả tại Việt Nam.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả tại Việt Nam khi Google vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận.

T.HẢI

TỐ NHƯ - QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm