Giữ lại, bảo tồn một phần cầu đường sắt Bình Lợi 117 tuổi

Chiều 22-5, Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở VH&TT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các ban, ngành đã họp đi đến thống nhất trình lên UBND TP phương án giữ lại nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi để bảo tồn.

Theo Sở VH&TT, cầu đường sắt Bình Lợi là cầu đường sắt kết hợp với đường bộ vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng năm 1902, với chiều dài 276 m, gồm 6 nhịp (nguyên thủy là 6 nhịp vòm thép cong, các thanh thép giằng chéo, đứng liên kết bằng đinh tán ri vê); độ tĩnh không thấp (chỉ 1,8 m) nên có nhịp quay (vuông góc 90 độ) ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại.

Ở nhịp cong thứ 2, tính từ bờ phía Thủ Đức, trụ đỡ giữa để quay cầu Bình Lợi vẫn còn nguyên. Đến năm 1964 do luồng sông thay đổi và tàu thuyền to lớn hơn nên nhịp - trụ quay này không còn hoạt đồng.

Ở bên phải đường ray chạy tàu, gần bên chân cầu từ Thủ Đức sang Bình Thạnh hiện vẫn còn tháp canh, trên vách tường bê tông đúc rắn chắc, hướng ra sông Sài Gòn vẫn còn rõ ô chữ tô hồ già với dòng chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948".

Ô chữ trên tháp canh, lô cốt bên cầu Bình Lợi vẫn còn nguyên.

Theo Sở VH&TT cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP. HCM và của ngành đường sắt, giao thông Việt Nam.

Tại cuộc họp chiều nay, các Sở, ngành đi đến thống nhất giữ lại, bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi, gồm: nhịp số 1 và nhịp số 2 là phần đầu cầu và nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức (giữ toàn bộ hệ mố, trụ, nhịp dầm thép, mặt cầu và một đoạn đường ray) và giữ lại tháp canh.

Nhịp 1, 2 từ phía bờ quận Thủ Đức sang sẽ được giữ nguyên trạng để bảo tồn.

Theo Sở VH&TT việc giữ lại, bảo tồn những hạng mục trên nhằm lưu giữ dấu tích của cây cầu hơn 117 năm tuổi đã gắn với không gian sông nước Sài Gòn - Nam bộ. Cạnh đó là để phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt, cầu đường Việt Nam và phát triển ngành du lịch TP.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết Sở này sẽ nghiên cứu phương án giữ lại phần đường xuống sông, đầu cầu và hệ mố, trụ nhịp số 6 phía bờ quận Bình Thạnh để làm bến thủy nội địa phục vụ cho vận tải đường sông (hành hóa và hành khách) trong tương lai.

Phần đường, mố, trụ, nhịp số 6 phía Bình Thạnh cũng sẽ được giữ lại để phục vụ giao thông đường thủy.

Theo ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT, tháng 6 tới sẽ lắp xong hệ ray trên cầu đường sắt Bình Lợi mới, tháng 7 sẽ chạy tàu và sau đó sẽ tiến hành tháo dỡ trụ, nhịp số 3, 4 và 5 ở giữa sông để thông luồng sông Sài Gòn cho tàu thuyền lớn từ trên 300 tấn đi qua thuận lợi ở dưới dạ cầu mới có tĩnh không cao trên 7 m.

Sau tháng 7-2019, việc tháo dỡ các khoang nhịp thông thuyền ở cầu đường sắt Bình Lợi cũ sẽ được tiến hành.

Theo bà Hồ Thị Ngọc Bình, Phó Giám đốc bảo tàng TP.HCM, đơn vị này sẽ tiếp tục ghi hình kiến trúc cây cầu và quá trình tháo dỡ để làm tư liệu; đồng thời sưu tầm các hồ sơ liên quan đến cầu Bình Lợi để phục vụ nghiên cứu khoa học.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm