Giám khảo phải chạy sô xem kịch mỗi ngày

Mất đến 5 năm để những người làm kịch nói có một sân chơi cấp quốc gia với Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc (từ ngày 26-9 đến 7-10 tại TP.HCM). Nhưng 5 năm chuẩn bị và chờ đợi vẫn không làm cho hội diễn này thôi cập rập và chuyên nghiệp như danh xưng.

Tối mắt vì xem kịch

Nhìn vào lịch diễn của hội diễn: 27 vở kịch dự thi của 19 đơn vị được diễn ba ca sáng - chiều - tối, mỗi ngày ba vở, nhiều người lắc đầu. Với đặc trưng của tác phẩm sân khấu, tính cô đọng, hàm ý cao, có dung lượng trên dưới ba giờ đồng hồ, khán giả và những người cầm cân nảy mực sẽ phải chạy sô mới kịp để xem. Lịch diễn này có thể nói là quá tải với ban giám khảo, nghệ sĩ, báo chí lẫn khán giả. Các giám khảo sẽ gần như không có khoảng trống thời gian cho những cảm nhận, đánh giá nghệ thuật một cách thấu đáo.

Chính Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, Trưởng ban tổ chức hội diễn, cũng phải thừa nhận: “Ban tổ chức chúng tôi nói với nhau, với lịch làm việc như vầy không biết mình sống thế nào đây, có tồn tại được không...”. Và vì thời gian khít khao, hội diễn này cũng chẳng có luôn những cuộc hội thảo, tọa đàm cho giới chuyên môn lẫn khán giả tham gia ý kiến sau mỗi vở diễn như tiền lệ. Mục tiêu chính yếu của hội diễn là mở ra nơi giao lưu, trao đổi nghề nghiệp của giới làm nghề; đưa ra cái nhìn toàn diện khắp cả ngành để xây dựng định hướng phát triển vì vậy cũng khó có cơ hội đạt được.

Trả lời thắc mắc vì sao năm năm hội diễn mới diễn ra một lần mà vẫn cập rập, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết vì những tháng sắp tới, Cục còn phải lo tiếp mấy hội diễn chuyên nghiệp cũng quy mô toàn quốc của các loại hình nghệ thuật khác.

Quy chế cho... vui

Trước ngày hội diễn, suýt tí nữa hai tụ điểm kịch nói lớn của TP.HCM là Idecaf và sân khấu kịch Phú Nhuận đã không được tham dự vì lý do: vở diễn tham dự dài quá 120 phút. Lý do nghe thật kỳ quặc này dù bị giới kịch nói lẫn báo chí phản ứng vì lạc hậu, thiếu thực tế nhưng sau nhiều lần đổi tới đổi lui, ban tổ chức vẫn quyết định giữ nguyên. Đồng thời, quy chế cũng chỉ cho phép mỗi đơn vị nghệ thuật chỉ được dự thi một vở diễn; một đạo diễn, tác giả không được dự thi quá hai tác phẩm.

Tuy nhiên, cuối cùng thì ban tổ chức lại tự phạm quy với việc vẫn du di để những vở dài quá 120 phút dự thi, nhiều đơn vị có hai vở diễn tham gia và đạo diễn Trần Ngọc Giàu... đứng tên đến năm vở tại hội diễn (?!).

Lý giải sự phạm quy, ông Nguyễn Đăng Chương nói: “Trong cái bó có cái mở. Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho các đơn vị xã hội hóa có vở dài hơn 120 phút tham gia. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và TP.HCM đã có văn bản đề nghị thay đổi quy định trên. Việc này cũng do ban tổ chức muốn tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị công lập hưởng lương nhà nước và các đơn vị xã hội hóa”. Còn việc những đơn vị có hơn hai vở diễn dự thi, theo vị trưởng ban tổ chức là để tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ có cơ hội tham gia hội diễn. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu tuy có nhiều hơn ba vở dự thi nhưng có nhiều vở đã được dàn dựng từ nhiều năm trước chứ không phải trong năm nay nên vẫn được. “Chúng tôi hạn chế số vở diễn của một đạo diễn để tránh tình trạng chạy sô. Một đạo diễn không thể có đủ sức lực, sự sáng tạo tốt nếu dựng quá ba vở trong một năm...” - ông Nguyễn Đăng Chương lý giải.

Với khán giả TP.HCM, nơi diễn ra hội diễn, những vở tham gia hội diễn của các sân khấu tại TP.HCM, ngoài vài vở chưa ra mắt còn lại hầu hết đều là những vở quen thuộc, diễn hằng tuần tại các sân khấu kịch. Thậm chí có vở đã ra mắt khán giả cách đây vài năm như Trai nhảy, Ông bà vú, Người thi hành án tử...

Hội diễn lần này còn là dịp để khán giả TP.HCM được xem những vở diễn lớn, gây được tiếng vang của giới làm kịch miền Bắc như Linh hồn Việt cộng, Mỹ nhân và anh hùng, Kiều Loan, Mắt phố, Trên cả trời xanh... Những vở diễn của các sân khấu phía Bắc đều được diễn tại Nhà hát TP.HCM.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm