Giải trí ăn theo “ngày tận thế”

Mặc kệ các nhà khoa học đang đưa ra những chứng cớ thuyết phục công chúng rằng “ngày tận thế” không thể xảy ra và mặt trời còn tồn tại ít nhất đến… 4 tỉ năm nữa, giới nghệ thuật cả thế giới vẫn mặc nhiên coi đây là mốc thời gian vàng để ăn nên làm ra.

Hollywood ráo riết khai thác

Hollywood trước nay vốn có một nỗi ám ảnh lớn về “ngày tận thế”. Đây là đề tài cực kỳ ăn khách mà các nhà làm phim không bỏ qua. Đặc biệt trong năm 2012 này, các phim lấy cảm hứng từ ngày tận thế được sản xuất rầm rộ:

Từ sự đổ bộ của loạt phim về những siêu anh hùng và người ngoài hành tinh như Battleship (Chiến hạm), The Dark Knight Rises (Người dơi trỗi dậy), Men in black 3 (Đặc vụ áo đen), Prometheus (Hành trình đến hành tinh chết), The Amazing Spider Man (Người nhện phi thường), The Avengers (Biệt đội siêu anh hùng)… Mặc dù không phải phim nào cũng đề cập cụ thể đến ngày tận thế nhưng sự xuất hiện của hàng loạt siêu phẩm về người anh hùng và người ngoài hành tinh trong năm 2012 không phải là tình cờ. Các phim này đều bắt nguồn từ cảm hứng, từ nỗi ám ảnh về giả thuyết “năm tận thế 2012”. Ngoài ra đây cũng là cơ hội làm ăn của các nhà sản xuất khi đánh đúng tâm lý người xem về chủ đề đang rất được quan tâm này.

Tuy năm 2012 có khá nhiều phim hành động bom tấn nói về sự hủy diệt Trái đất nhưng mọi sự chú ý của khán giả đang tập trung vào phiên bản 3D của phim 2012 - năm đại họa, ra mắt trên toàn thế giới đúng vào ngày 21-12. Đây là siêu phẩm ra mắt năm 2009 và trở thành bộ phim gây tiếng vang lớn nhất, doanh thu cao nhất thế giới vào năm đó. Bộ phim nói về ngày tận thế 21-12-2012, thảm họa kép sẽ xảy ra những cơn động đất dữ dội, bề mặt Trái đất chao đảo và nền văn minh của loài người bị nhấn chìm trong biển nước cùng những trận sóng thần. Các nhà làm phim cam đoan trong phiên bản 3D, những khung hình kinh điển như từng mảng xa lộ, vỉa hè, nhà cửa cuộn sóng lên và vỡ vụn ra, xe cộ, con người bị hất tung lên trời, các tòa nhà chọc trời ngã xuống, núi lở, băng trôi… sẽ trở nên sống động và hoành tráng hơn bao giờ hết. Mặc dù chưa trình chiếu nhưng với sự quan tâm của khán giả toàn thế giới dành cho siêu phẩm này, dự đoán một cơn sốt phòng vé rất có thể sẽ được lặp lại sau ba năm.

Giải trí ăn theo “ngày tận thế” ảnh 1

Trái đất bỗng chốc suy vong trong Tôi là huyền thoại - phim đang được PR rầm rộ và trình chiếu lại.

Trong tháng 12, xuất hiện hàng loạt bảng xếp hạng bình chọn năm phim, 10 phim hay nhất trong lịch sử về ngày tận thế trên các website nổi tiếng về phim ảnh. Ngoài những chủ đề như tuyển tập những phim hay nhất về ngày tận thế, những phim bạn nên xem vào ngày tận thế… thì các phim đình đám về thảm họa Trái đất trước đây cũng tích cực được PR lại. Những siêu phẩm một thời như Armageddon (Ngày tận thế - năm1998), I am legend (Tôi là huyền thoại - 2007), The day after tomorrow” (Ngày kia - 2004)…. bắt đầu được hâm nóng lại trên các diễn đàn cũng như các tiệm băng đĩa trên mạng. DVD chất lượng cao của các siêu phẩm này trở nên đắt hàng hơn nhờ sự quảng cáo rầm rộ của các nhà sản xuất cũng như hiệu ứng về thời gian ngày tận thế đang đến gần. Đây cũng là cơ hội để Hollywood móc hầu bao khán giả trong thời điểm đặc biệt này, ngoài các bộ phim chiếu rạp.

Hội họa và âm nhạc cũng vào cuộc

Tuy không “oanh tạc” khán giả như điện ảnh nhưng các họa sĩ, nhiếp ảnh gia và nhiều ca sĩ nổi tiếng thế giới cũng góp tiếng nói về ngày tận thế.

Nick Pedersen - một họa sĩ đa phương tiện sống tại Brooklyn, New York cho ra đời tác phẩm về thế giới sau ngày tận thế. Trong tranh của ông, nền văn minh nhân loại hoàn toàn sụp đổ và nhường chỗ cho trật tự của thiên nhiên. Những người sống sót sau tận thế trở về với đời sống nguyên thủy.

Alex Andreev - một họa sĩ kỹ thuật số tại TP St. Petersburg, Nga lại cho ra đời tác phẩm về thế giới sẽ bị hủy diệt. Chủ đề này được thể hiện qua những hình ảnh đầy ám ảnh về thế giới của ác mộng với những tòa nhà đổ nát, những con nhện khổng lồ đi lại dọc ngang, con người biến thành một bầy côn trùng đang bay về tổ là một khu ổ chuột nghèo nàn, nhếch nhác….

Hai nhiếp ảnh gia người Pháp Lucie và Simon cũng dự phần bằng loạt ảnh Silent world (Thế giới im lặng). Không tăm tối như Nick Pedersen, không điêu tàn như Alex Andreev, ngày tận thế trong mắt Lucie và Simon là khi những thành phố đông đúc và náo nhiệt nhất trên thế giới bỗng trở nên hoang vu không một bóng người. Để tạo nên những bức ảnh Quảng trường Thời Đại, Phố Wall ở New York, Quảng trường Place de l’Opéra, Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Quảng trường Thiên An Môn, nhà ga trung tâm Bắc Kinh… không một bóng người, hai nhiếp ảnh gia đã sử dụng bộ lọc Neutral Density Filter để gắn vào ống kính máy ảnh. Bộ lọc này sẽ cho phép nhiếp ảnh gia loại bỏ những đối tượng chuyển động phía trước ống kính và chỉ giữ lại các đối tượng đứng yên khi họ chụp ảnh. Nhìn vào các tác phẩm độc đáo này, người xem sẽ liên tưởng ngay đến những “thành phố chết” trong những bộ phim kinh dị.

Tại Tikal, Guatemala - một trong những khu khảo cổ lớn nhất thế giới về người Maya sẽ diễn ra hội nghị “Bình minh mới của loài người” từ sáng 20-12 đến hết ngày 21-12, do chính phủ Guatemala tổ chức. Ngoài những buổi tranh luận và hội thảo về tương lai thế giới thì hoạt động nổi bật nhất của hội nghị này là các buổi hòa nhạc, những màn trình diễn âm thanh, ánh sáng và hình ảnh 3D sống động. Chính quyền Guatemala đã mời những ca sĩ lừng danh thế giới như Neil Young, Elton John hay Bono… đến trình diễn.

Tại Canada: “Đêm định mệnh 21-12” được chào đón bằng lễ hội âm nhạc mang tên The end of the world festival 2012. Chương trình diễn ra tại Royal Canadian Legion dự kiến thu hút đến 200.000 khán giả với rất nhiều thể loại âm nhạc được trình diễn. Chương trình này đang được quảng bá rộng rãi và rất được các tín đồ âm nhạc trên thế giới quan tâm, háo hức tham gia.

Với nhiệt độ chào đón ngày 21-12 đang nóng lên đến gần đỉnh điểm, xem ra cụm từ “ngày tận thế” không hề đáng sợ. Thực chất, đây cơ hội hốt bạc của giới giải trí và cũng là một “lễ hội” xôm tụ của khán giả toàn thế giới vào cuối năm.

Giải trí ăn theo “ngày tận thế” ảnh 2

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm