Giá tác quyền ca khúc, thu sao cho hợp lý?

Thị trường ca nhạc từng rối rắm với nhiều vụ xung đột quanh biểu mức thù lao sử dụng tác phẩm âm nhạc (gọi tắt là biểu giá tác quyền). Trong hội thảo Quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề cấp bách diễn ra vào ngày 5 và 6-8 vừa qua tại TP.HCM, vấn đề này lại một lần nữa được xới lên.

Không thương thảo được giá

Trong những năm qua, nhiều chương trình ca nhạc xung đột với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trong việc thống nhất giá tác quyền. Gần nhất là chương trình Khánh Ly in Việt Nam trong năm 2014. Ở chương trình này, nhạc Trịnh Công Sơn được VCPMC đưa giá hơn 10 triệu đồng/ca khúc. Đây là giá cao gấp 10 lần giá ca khúc của các nhạc sĩ như Phạm Duy, Ngô Thụy Miên… trong cùng chương trình. Ban tổ chức chương trình thỏa thuận với VCPMC để giá còn 2 triệu đồng/ca khúc nhưng vẫn không được VCPMC đồng ý. Không chỉ chương trình này mà trong khá nhiều chương trình khác, giá tác quyền nhạc Trịnh luôn cao hơn các tác giả khác trong một chương trình.

Trước đó, trong chương trình của Bằng Kiều ở Hà Nội và TP.HCM, cũng là một VCPMC nhưng cách thu phí tác quyền lại khác nhau. Cụ thể tại Hà Nội, phí tác quyền chương trình này được thu trọn gói 50 triệu đồng trong khi đó tại TP.HCM, VCPMC lại thu hơn 120 triệu đồng theo cách tính dựa vào số lượng ghế và bình quân giá vé.

Ngoài nguyên nhân từ phía VCPMC, vấn đề biểu giá không  thống nhất còn xuất phát từ một số đơn vị, cá nhân chủ sở hữu quyền như gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nhạc Trịnh Công Sơn; Công ty Phương Nam Phim với nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, Tuấn Khanh, Vũ Thành An; Công ty Bến Thành với ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương… Với những tác giả này, VCPMC không được quyền định giá tác phẩm cũng như không  được ủy quyền khai thác tác phẩm ở toàn bộ lĩnh vực. Vì thế không ít trường hợp không thương thảo được giá với VCPMC, người sử dụng lại quay về các chủ sở hữu này để xin giá tốt.

Chương trình Khánh Ly in Việt Nam gây nhiều tranh cãi về phí tác quyền nhất trong thời gian qua. Ảnh: TL

Sự chồng chéo của các chủ sở hữu quyền cũng như những xung đột giá tác quyền kéo dài, gây tranh cãi giữa các bên và cho thấy sự tùy tiện trong việc đưa ra biểu giá tác quyền tại Việt Nam.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, khẳng định: “Trung tâm không hề phân biệt người này giá cao, người kia giá thấp. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn là người nhận tiền tác quyền cao nhất bởi vì ông có nhiều ca khúc, ca khúc được sử dụng nhiều lần, nhiều nơi sử dụng nhạc Trịnh chứ không phải do trung tâm quy định mức giá nhạc Trịnh cao. Trong cùng một chương trình, giá tác quyền của các nhạc sĩ đều ngang nhau”.

Tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, khẳng định: “Biểu giá tác quyền ca khúc là một trong những vấn đề gây lúng túng hiện nay. Việt Nam cần tham khảo thêm các quốc gia khác”.

Cần một ủy ban trung gian

Thực tế, việc trả-nhận tiền để sử dụng ca khúc là quan hệ mua-bán vì thế sẽ dễ dẫn đến xung đột quyền lợi khi bên bán thì muốn giá cao, bên mua lại muốn mua giá thấp. Từ những xung đột đó, tại nhiều quốc gia họ thường lập những ủy ban hòa giải trước khi hai bên kéo nhau ra tòa. Như theo chia sẻ của ông Scot Morris, tại Úc có một ủy ban để nghe và đưa ý kiến cho các vụ án liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, còn Pháp có trung tâm hòa giải để giải quyết những xung đột quanh các quyền này.

Ông Vũ Ngọc Hoan và ông Phó Đức Phương đều cho rằng Việt Nam cần thiết có một ủy ban trung gian để hòa giải những xung đột như trên. “Nên có một ủy ban hòa giải chứ không thể chuyện gì cũng lôi nhau ra tòa hay phải nhờ đến cơ quan quản lý nhà nước. Như trong việc tranh chấp ca khúc Trịnh Công Sơn tại chương trình Khánh Ly năm ngoái, Thanh tra Bộ VH-TT&DL phải trở thành nơi trung gian giữa hai bên để giải quyết việc này” - ông Phó Đức Phương nói.

Ông Vũ Ngọc Hoan chia sẻ thêm: “Tại Hàn Quốc, thành phần ủy ban hòa giải có cả thành viên quản lý nhà nước và họ có cơ chế điều hành giá tác quyền. Chúng tôi muốn xây dựng hình mẫu như vậy, chứ hiện tại chúng ta không có một nơi điều phối nên dễ xảy ra những xung đột như lâu nay”.

Tan vỡ ý định đưa một biểu giá tác quyền chung

Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT&DL từng đưa ra dự thảo thông tư liên tịch về thanh toán tác quyền với tên gọi “Quy định biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khi sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố để phát sóng và trong hoạt động kinh doanh, thương mại”.

Ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, cho biết: “Giá tác quyền ở các nước xuất phát từ quan hệ cung cầu và tuân thủ theo kinh tế thị trường. Tại Việt Nam, Nhà nước không áp đặt giá cho các lĩnh vực dân sự như tác quyền ngoại trừ giá của những nhu cầu cấp thiết: thuốc, xăng, điện, nước… Các nước khác cũng thực hiện như thế, miễn làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích các bên như chủ sở hữu quyền, người khai thác tác phẩm, công chúng hưởng thụ và Nhà nước. Vì thế sau sáu lần dự thảo, thông tư trên đã bị hủy bỏ”.

__________________________________

Ở Úc, chúng tôi không đưa ra biểu giá cụ thể nào nhưng chúng tôi cũng không tạo ra sự chênh lệch giá tác quyền giữa các tác giả trong cùng một chương trình. Cứ mỗi chương trình sẽ trích 3% doanh thu để chi trả cho phí tác quyền. Và số tiền này sẽ chia đều cho tất cả tác giả.

Ông SCOT MORRIS, Giám đốc đối ngoại, Hiệp hội Quyền biểu diễn Úc; Chủ tịch Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương Liên đoàn Quốc tế các nhà soạn nhạc và soạn lời

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm