Gia sản 100 năm cải lương thật buồn

Liên hoan có mới, có cũ, có hay, có dở nhưng nhìn lại vẫn thấy một sự kiểm kê gia sản 100 năm thật buồn.

Một thời rực rỡ, một thời điêu linh

Nếu tính từ năm 1975 đến 1990, chỉ riêng tại TP.HCM thôi đã có 22 đoàn cải lương quốc doanh, biểu diễn tại 15 rạp trong thành phố hằng đêm. Chưa kể một số đoàn cải lương tập thể và có những đoàn có ngày phải diễn nhiều suất. Trong thời gian này, chỉ tỉnh Vĩnh Long thôi cũng có đến bảy đoàn cải lương quốc doanh, tập thể, tư nhân.

Điểm lại, trong những năm 1975-1990, tính gộp lại cả miền Nam có cả trăm đoàn cải lương lớn nhỏ, hoạt động khắp cả nước từ Nam ra Bắc. Gần hết các đêm diễn đều đông nghẹt người đi xem, có lúc sập cả sân khấu (gọi là sập giàn). Còn ở thời điểm này, khi cải lương đạt đến dấu mốc 100 năm ra đời và tồn tại, ở sự kiện mang tính tập trung mọi tiềm lực của cải lương cả nước này, có vét nồi giũ ống cũng chỉ có được 25 đơn vị hoạt động cải lương. Trong đó lại có đến tám đơn vị tư nhân hoạt động thời vụ khi có khi không, hoặc đến hội diễn mới làm vở để đi thi.

Đáng ngạc nhiên nữa, chỉ có vỏn vẹn chín đơn vị dù là đoàn nhà nước hoạt động chính quy bằng ngân sách còn giữ được cái tên có chữ cải lương trong đó. ở khu vực miền Nam - cái nôi của cải lương, số đơn vị giữ được tên cải lương lại ít hơn cả các đơn vị ở ngoài Bắc. Tại miền Nam, ở hội diễn này còn: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn cải lương Hương Tràm, Đoàn nghệ thuật cải lương Long An, Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang. Ở phía Bắc còn: Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Hà Nội, Đoàn nghệ thuật cải lương Nam Định, Đoàn cải lương Hải Phòng, Đoàn cải lương Thái Bình. Còn lại, các đơn vị khác tham gia liên hoan cải lương toàn quốc này đều không có chữ cải lương trong cái tên chính của mình. Tức các đơn vị này là một đơn vị hoạt động nghệ thuật tổng hợp, hoặc không chuyên về cải lương mà còn bao gồm các nghệ thuật truyền thống khác.

Với xu hướng xóa bỏ bao cấp trong nghệ thuật, sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, trong tương lai của Nhà nước, việc tồn tại những đoàn cải lương hoạt động chuyên biệt còn sẽ thu hẹp hơn nữa.

Cảnh trong vở Tổ quốc nơi cuối con đường ở liên hoan cải lương lần này. Ảnh: HÒA BÌNH

Quẩn quanh, hiếm hoi lực lượng kế thừa

Ngay trong Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, khi ngồi vào vị trí giám khảo, NSƯT Thanh Nam vẫn ngậm ngùi nói rằng: Cải lương đã đi vào ngõ cụt. Không chỉ ở thành phố cuộc sống giải trí sôi động, hiện đại, nhiều lựa chọn mà hiện ở các tỉnh, thành miền Tây, mảnh đất nuôi sống cải lương, khán giả cũng quay lưng với cải lương. Diễn phục vụ miễn phí người ta cũng không coi. Những lời chua xót của nghệ sĩ Thanh Nam là một thực tế được rất nhiều trưởng đoàn cải lương từ Nhà hát Trần Hữu Trang ở TP.HCM hay Đoàn văn công Đồng Tháp… đều thừa nhận.

Với một thực tế như vậy nên liên hoan cải lương toàn quốc năm nay không thoát khỏi một cục diện buồn. Gần nửa số vở diễn tham gia liên hoan đều là những kịch bản cũ nhiều năm đến vài chục năm về trước như: Thái hậu Dương Vân Nga, Rạng ngọc Côn Sơn, Thất trảm sớ, Hòn vọng phu, Phù sa đỏ, Chiếc áo thiên nga, Bến nước Ngũ Bồ… Và phần lớn sự hào hứng của khán giả đón xem lại rơi vào những kịch bản cũ này vì nó đã được đóng đinh trong lòng công chúng. Những kịch bản mới tại liên hoan, phần lớn lại rơi vào sự chuyển thể của soạn giả Hoàng Song Việt và quanh quẩn vài cái tên quen thuộc cho thấy lực lượng kế thừa am hiểu bài bản cải lương, có thể viết kịch bản cải lương vẫn chưa xuất hiện.

Một thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ bản lĩnh thuyết phục tạo được dấu ấn cũng chưa thấy xuất hiện ở liên hoan. Sự ấn tượng vẫn rơi vào những gương mặt nghệ sĩ cũ như Minh Vương, Thanh Điền…, đến những thế hệ sau như Tô Châu, Tấn Giao, Kim Tử Long, Vũ Luân, Trinh Trinh, Lê Tứ…

Ở liên hoan, có một số vở cải lương gây ấn tượng bởi thủ pháp mới như Cuộc đời của mẹ với hình thức màn hình điện ảnh hỗ trợ; Tổ quốc nơi cuối con đường với cảnh bóng ma hắc ám, đen tối phủ trùm tòa án, ngục tù với những nhân vật mang mặt nạ. Tuy nhiên, những cái mới này bên cạnh thế mạnh là hiện đại, song nó lại làm dấy lên nỗi lo đó là sự mất chất cải lương. Những thủ pháp này đem đến những trường đoạn rất dài nhân vật cứ nói và nói khiến không ít người ngồi xem phải phàn nàn xem cải lương như xem kịch nói đâm bài ca. Đó là những nhận xét đáng suy nghĩ. Những vở diễn mới đậm chất cải lương ở sự chân phương, ngọt ngào, nhân vật được thể hiện tâm tư tình cảm qua bài bản cải lương là chính như Hiu hiu gió bấc là khá hiếm.

Một mùa hội diễn sôi động

Ở liên hoan cải lương toàn quốc lần này, điểm sáng đáng ghi nhận nhất là sự tham gia nhiệt tình của tám đơn vị cải lương xã hội hóa. Nó làm màu sắc cải lương ở liên hoan đa dạng hơn, tính cạnh tranh nâng cao hơn, nỗ lực nghệ sĩ, đạo diễn, thiết kế, âm nhạc… cũng quyết liệt hơn. Cái mới, cái cũ, vở hay hay dở… tạo ra sự tranh cãi ở liên hoan này cũng sôi nổi hẳn lên xoay quanh một số vở diễn gây dư luận trái chiều như Thái hậu Dương Vân Nga… Sự sôi động này là rất tốt cho không khí liên hoan và không khí làm nghề bởi nó phản ánh được ý kiến của khán giả và những bài học rút ra cho người làm nghề.

Liên hoan Cải lương toàn quốc diễn ra từ ngày 5 đến 19-8. Có 25 đơn vị tham gia với 32 vở diễn tham dự liên hoan, trong đó có tám đơn vị hoạt động biểu diễn ngoài công lập. Cái tên cải lương xuất hiện khá ít ỏi, nhân tố mới cũng ít ỏi và nhiều gian truân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm