Gặp một người Hà Nội gốc

Tôi gặp bà Tuyết ở Công viên Lý Thái Tổ vào ngày khai mạc đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Là dân ngoại tỉnh đến sống ở Hà Nội gần 10 năm, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi thế nào là một người Hà Nội gốc. Ngày khai hội, gặp bà Tuyết, tôi nghĩ mình đã tìm được một định nghĩa về người Hà Nội.

Nền nếp, tài hoa

Bà Nguyễn Thị Tuyết năm nay đã 76 tuổi. Quê gốc ở huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội nhưng từ bé bà đã theo cha - một người sếp ga Hàng Cỏ - lên ở phố Khâm Thiên. Câu chuyện của bà về Hà Nội cứ vấn vít gắn với những nền nếp gia đình - hết gia đình lớn lại đến gia đình nhỏ của bà.

Bà là con thứ bảy trong một gia đình có 10 người con. Điều lạ lùng là giữa thời buổi người ta có quá ít thời gian dành cho gia đình, dòng họ “Nguyễn Đình” của bà vẫn có thời gian cho nhau. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, Hà Nội bao nhiêu đổi thay nhưng đại gia đình có tới 200 thành viên ấy vẫn đều đặn gặp nhau vào tháng 10 hằng năm.

Gặp một người Hà Nội gốc ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Tuyết đi dự lễ khai mạc đại lễ. Ảnh: BẢO PHƯỢNG

Bà Tuyết nói với nụ cười hồn hậu: “Các cháu nghĩ xem, hai cuộc kháng chiến, một lần chiến tranh biên giới - loạn lạc, mất mát nhiều nhưng cả 10 anh chị em cô vẫn còn được nhìn thấy nhau. Có mấy gia đình được như thế? Chị cả của cô đã 90 tuổi - năm nào cũng có thể là lần cuối cùng được gặp các em. Vì vậy mọi người cứ động viên nhau cố gắng tổ chức để gặp gỡ”.

Bà Tuyết kể vì gia đình có đông con nên các chị lớn thay mẹ dạy bảo các em. Người chị cả dạy các em từ cách khâu vá, cách xâu kim kết chỉ. Chị hai thì dạy bảo học hành. Bà nhớ mỗi ngày trước khi đến trường, bà cùng các anh em phải xếp hàng đọc thuộc bài cho chị hai nghe rồi mới được đi học.

Bây giờ, mấy anh chị em của bà đều đã đến tuổi thất thập cổ lai hy nhưng nếp nhà kính trên nhường dưới của đại gia đình vẫn giữ được. “Sáng mùng 1 tết, sau khi gia đình riêng của tôi họp mặt, tôi lại rủ hai cô em gái ở gần đây đi thăm các chị trước. Các chị lại đi cùng đến thăm các em. Năm nào cũng thế, thành nếp rồi” - bà Tuyết tự hào.

Ông bà về hưu đã hơn 20 năm, cụ ông ốm nặng đã tám năm nay. Cả ngày lúc nào bà cũng thấy thiếu thời gian nhưng khi tôi đến thăm nhà, bà vẫn đem khoe những bức ảnh bà tự chụp từ hồi còn trẻ. “Mấy ngày này Hà Nội nhộn nhịp, cô đi chơi với con gái thứ hai, vừa ngồi sau xe máy vừa chụp cũng được nhiều ảnh đẹp” - bà Tuyết vừa nói vừa khoe những bức ảnh bà chụp được trong những ngày đại lễ. Trong cách trò chuyện, cách bài trí căn nhà ông bà đang ở luôn toát lên tình yêu cái đẹp, sự tài hoa lạ lùng.

Gặp một người Hà Nội gốc ảnh 2

Cuộc gặp gỡ của gia đình bà Tuyết năm 2008. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhớ cái tình của người Hà Nội xưa

Ngày 10-10 năm nay, đại gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết lại hẹn nhau gặp gỡ. Những cuộc gặp có thể sẽ không đầy đủ các thành viên vì bệnh tật và tuổi già nhưng cái tình, cái hồn trong lối sống của gia đình ấy vẫn trọn vẹn, tươi tắn dù Hà Nội đã bước sang thiên niên kỷ thứ hai.

Tôi hỏi bà: “Cô nhớ gì nhất về Hà Nội xưa?”, bà Tuyết trầm ngâm một lúc rồi nhẹ nhàng nói như sống lại những ngày xửa ngày xưa: “Cô thường nhớ Hà Nội vào đêm. Những đêm cô đi sinh hoạt văn nghệ với anh chị em ở Tổng Công ty Dược phẩm trung ương, 11 giờ đêm mới từ Nhà hát lớn về. Đường vắng teo, vắng ngắt và ngan ngát mùi hương hoa sữa. Cô nhớ ngày còn nhỏ tuổi, đêm nào dưới đường cũng vẳng lên tiếng rao “phớ… ớ …ớ…” - ấy là người bán phở gánh, tiếng rao “lạc phá xa…a…a”, tiếng gõ “xịch tắc, xịch tắc” của những người bán đồ ăn đêm…”.

Bà Tuyết kể 20 năm rồi bà làm công tác Hội Chữ thập đỏ chỉ vì nhớ cái tình của người Hà Nội xưa. “Năm 1945, khi cô mới 10 tuổi, người đói đến nằm đầy trước cửa nhà ở phố Khâm Thiên. Mẹ cô cho mỗi đứa con một nắm cơm, bảo mang ra cho họ. Anh chị em cô không ai bảo ai, cứ tuần tự ngày nào cũng nhịn miệng để dành cơm cho người đói” - bà Tuyết hồi tưởng. Nhưng bà cụ cũng buồn vui lẫn lộn khi kể với tôi: “Phố nhà cô ở bây giờ cũng có nhiều người Hà Nội cũ. Gặp nhau chỉ cúi đầu chào, nhẹ nhàng như vậy là nhận ra nhau. Nhưng họ sống cũng không như ngày xưa nữa. Tết không nhà nào đi thăm nhà nào. Cô về đây ở đã đi vận động nhiều nhưng vẫn không thay đổi được…”.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm