Gần 10 năm gắn bó với các loài chim Sẻ

Cuốn Atlat gồm hình ảnh của 300 loài chim của 44 loài, thuộc bộ Sẻ của Việt Nam.

"Các loài chim thuộc bộ Sẻ có số lượng loài phong phú (khoảng 450 loài), chiếm một nửa trong tổng số hơn 900 loài chim, thuộc 19 bộ được ghi nhận tại Việt Nam hiện nay. Vì vậy, các loài chim trong bộ Sẻ là đối tượng thực hiện của cuốn Atlat ảnh này", tác giả chia sẻ.

Hình ảnh bìa cuốn Atlat. Ảnh: NVCC

Tác giả Phạm Hồng Phương hiện đang là cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Việc hoàn thành cuốn Atlat cũng là một phần kết quả trong hướng nghiên cứu Sinh thái của trung tâm.

Anh Phạm Hồng Phương là Thượng tá, cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng. Ảnh: NVCC

Anh chia sẻ: "Trong nghiên cứu động vật hoang dã nói chung và chim nói riêng, để thực hiện ghi nhận được các hình ảnh của chúng trong tự nhiên, cần phải tham khảo nhiều tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, hiểu được cả tập tính sinh học sinh thái của từng loài và cũng cần có sự may mắn mới bắt gặp được".

Hình ảnh một số loài chim trong cuốn "Atlat 300 loài chim thuộc bộ Sẻ của Việt Nam":

Hình ảnh về loài Bạc má đuôi dài, thuộc họ Sẻ. Ảnh:NVCC

Loài Đuôi đỏ đầu trắng, thuộc họ Đớp ruồi được tác giả chụp tại dãy Hoàng Liên Sơn. Ảnh: NVCC

Hình ảnh loài Khướu đuôi đỏ được tác giả ghi nhận tại vườn quốc gia Ngọc Linh. Ảnh: NVCC

Hình ảnh loài Đuôi cụt đầu đỏ được ghi nhận trong hai năm 2017 và 2019. Ảnh: NVCC

Hình ảnh của loài Khướu mỏ dẹt đầu hung. Ảnh: NVCC

Hình ảnh của loài Khướu đầu đen má xám - một loài đặc hữu của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Hình ảnh loài Họa mi đất mỏ đỏ được ghi nhận tại Di Linh (Lâm Đồng). Ảnh: NVCC

Hình ảnh loài Khướu đất đuôi cụt nhỏ được ghi nhận tại vườn quốc gia Ngọc Linh. Ảnh: NVCC

Loài Huyết đen cánh trắng được tác giả ghi nhận lần đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Hàng năm, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga tiến hành nghiên cứu dã ngoại về đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, các vườn Quốc gia. Chim là đối tượng quan trọng được trung tâm nghiên cứu. Nhờ đó, anh Phương có thêm nhiều thông tin và tài liệu quan trọng để tìm hiểu về tập tính của các loài chim Sẻ.

Trong quá trình thực hiện cuốn Atlat, anh cũng nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm và đồng nghiệp, bạn bè yêu thiên nhiên và có chung niềm đam mê chụp ảnh các loài chim trong cả nước. 

Đối với anh Phương, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện cuốn Atlat là các loài chim luôn có sự di chuyển liên tục, việc tìm gặp và chụp được hình rất khó, công phu. "Các loài chim thường phân bố ở những vùng xa xôi, hoang vắng, điều kiện đi lại phức tạp. Rất khó và vất vả để tiếp cận đối tượng. Để vượt qua những khó khăn đó cần sự đam mê với nghề, kiên trì và cả may mắn”, anh chia sẻ.

Trong số 300 loài chim được giới thiệu trong Atlat, Mi Langbian là loài chim Sẻ để lại cho anh ấn tượng sâu sắc nhất. Nó là một trong những loài đặc hữu của Việt Nam. Loài Mi Langbian có vùng phân bố hẹp nên việc tìm kiếm nó không dễ dàng. Mi Langbian cũng là một trong số những loài Sẻ được anh chụp đầu tiên trong cuốn Atlat.

Hình ảnh loài Mi Langbian trong cuốn Atlat. Ảnh: NVCC

Tuy vậy, đó không phải loài chim khó chụp nhất. Anh gặp phải khó khăn lớn nhất về thời gian khi thực hiện chụp loài Oanh Nhật Bản. Đây là loài chim di cư, có số lượng cá thể không nhiều và rất khó khăn trong việc ghi nhận hình ảnh của nó ở Việt Nam. Đến cuối năm 2019, trải qua thời gian 5 mùa di cư của loài chim này, anh mới ghi nhận được hình ảnh của nó tại Hà Nội.

Loài Oanh Nhật Bản là chim di cư, số lượng cá thể ở Việt Nam rất ít. Ảnh: NVCC

Cuốn "Atlat 300 loài chim thuộc bộ Sẻ của Việt Nam" là một phần kết quả của nghiên cứu sinh thái của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Đây là tài liệu phục vụ cho khoa học nên cuốn Atlat được xuất bản với số lượng ít.

Những độc giả "hiếm" của cuốn Atlat rất hào hứng khi đón nhận sách. "Sách được đánh giá là cuốn Atlat về chim của Việt Nam được thực hiện công phu, hình ảnh tự nhiên, đa dạng và là tài liệu tham khảo rất quý trong việc nghiên cứu", anh Hồng Phương tâm sự.

Tác giả cũng cho biết: "Trong tương lai nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ tập hợp các số liệu, hình ảnh đầy đủ hơn về các loài chim của Việt Nam".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm