Đường làng êm đềm in dấu tuổi thơ

Con đường hoa

Con đường đất nắng thì bụi bay mù trời, mưa xói lở lầy lội, sao mà cứ thương cứ nhớ.

Rảo bước trên con đường làng, thấy mình như được hong mát giữa cái nắng hè như thiêu đốt, được dứt hẳn cái ồn ào đến ngột ngạt nơi phố thị.

Đường làng chạy giữa cánh đồng lúa. Ảnh: TRI TRẦN

Đường làng uốn lượn theo cánh đồng lúa bạt ngàn rồi chia thành nhiều nhánh dẫn về các xóm nhà. Nhiều xóm, chỉ vài mái nhà thấp tè, xiêu vẹo nhưng con đường dẫn về thênh thang, dày công đắp, bốn mùa hai bên cây cỏ tươi xanh như chào đón.

Gần đây, “con đường hoa” ở một số nơi như một phong trào hưởng ứng lối sống xanh, đưa thiên nhiên về gần hơn với con người. Người trồng hoa mười giờ. Nơi trồng hoa bướm, hoa sao nhái, hoa dâm bụt… như tô điểm thêm bức tranh làng quê yên bình, mộc mạc nhưng không kém thơ mộng như níu chân người.

 Đường làng, bức tranh quê thanh bình và yên ả.

Riêng những con đường làng quê tôi thì khác, bản thân nó đã là một “đường hoa” mà không phải trồng hay tô vẽ thêm. Con đường ấy có đủ màu sắc, mộc và đẹp đến khó cưỡng, từ màu hoa dại theo mùa, màu xanh của mạ non, màu vàng ươm của lúa chín… Cái đẹp ấy như thôi thúc gọi mời ong bướm đến với những bữa dạ tiệc mật ngọt.  

Những hàng cây cao, tán rộng dọc hai bên đường là thiên đường cho chim chóc về làm tổ, sinh sản. Tổ chim được làm dày đặc trên cây bạch đàn, me keo hay bời lời.

Mỗi trưa hè, đám trẻ thường xách ná cao su ra ngồi dưới bóng cây rình bắn chim, chán thì chia phe hái trái bồ lời làm đạn bắn nhau la chí chóe.

Đầu và cuối làng thi thoảng xuất hiện những nhóm học trò “giải quyết mâu thuẫn” sau giờ tan học. Trên con đường ấy cũng là nơi các cô, các chị ghé đôi gánh đổi chác con cá, mớ rau.

Mùa cấy, mạ non được bó lạt xếp thành hàng dài trên đường làng chờ các bà, các chị gánh đi. Hình ảnh đó đẹp lắm, thanh yên lắm nay chỉ còn trong ký ức bởi sau này không còn gieo mạ, nhổ mạ rồi cấy như trước.

Nhớ lần cô Tám làng bên đi nhổ cỏ, dặm lúa vần công, chẳng rõ cô cố tình vì ông Ba có tật dê xồm hay vô tình mà ném bụi cỏ mực còn dính đầy bùn vào mặt ông.

Cái mặt vốn đỏ kè chỉ toàn một màu đen của bùn, ông Ba tức khí, ném xe đạp vào bờ rào, hai tay chóng nạnh quát: “Bà bà bà…. nào nào nào… ném ném ném…”. Cái giọng cà lăm của ông liền bị chị nào đó nhại: “Là là là… cái cái cái… bà bà bà…” khiến ông Ba càng điên tiết.

 Con đường làng rợp bóng tre.

Các cô, các chị dưới ruộng người kéo nón lá che miệng cười, có chị không nhịn được bật ra thành tràng dài. Tức anh ách mà không làm gì được, ông Ba đưa tay lên mặt vuốt vệt bùn rồi leo lên xe đạp đi, miệng còn lầm bầm.

Ngay lúc đó, một cô vừa cười vừa nói: “Phải công nhận bà Tám siêu hạng, ịn nguyên đống bùn lên mặt ông Ba”, ai nấy lại được trận cười lồng lộn.

Con đường trở về

Vào mùa gặt, đoạn đường rộng được chọn làm nơi đặt máy tuốt lúa. Tuốt xong, lúa được xe bò chuyển đến sân phơi của hợp tác xã, còn rơm rạ thì được phơi phóng tại chỗ. Cũng vì thế mà hồi đó, cứ đạp xe được vài chục mét là phải xuống gỡ rơm quấn vào căm, vào líp xe không thể chạy được.

Tôi thích đi bộ trên đường làng khi mặt trời vừa ló dạng, lúc ấy những giọt sương đọng trên lá cỏ chưa kịp tan. Ở đó, thi thoảng bắt gặp tơ nhện giăng trên vạt cỏ, ngồi xuống đưa tay hứng, tay khều mạng nhện cho giọt sương vỡ ra, chảy vào lòng bàn tay mát lạnh.

Com đường làng in dấu tuổi thơ.

Từ con đường làng, chúng tôi tản đi nhiều nơi. Có thể là phố thị thênh thang, cũng có người đến một miền đất nào đó xa lắc có những con đường dầu trải dài tít tắp, những con đường bê tông hắt nắng đến ngạt thở.

Những bước đi đầu tiên trên con đường mới rộng thênh thang ấy đôi lúc tôi có cảm giác cô độc, để rồi cồn cào nhớ ngày thơ trẻ, nhớ con đường làng rợp mát chở che mưa nắng.

 Đường làng ngập sắc hoa, trái dại và cây lá.

Đường làng giờ khang trang hơn, nhiều đoạn trải bê tông sạch sẽ tinh tươm nhưng cảnh sắc hai bên đường vẫn gần gũi, thân thương như hồi nào. Đi qua biết bao con đường, êm đềm nhiều và chông gai cũng lắm nhưng có lẽ không có con đường nào êm đềm như con đường làng.

Có thể có nhiều con đường để đi nhưng chỉ có một con đường để trở về. Con đường đó có gió hát ban mai, có tiếng chim ríu rít chuyền cành, có sương đọng trên lá, có ong bướm vờn hoa, có ba má đợi con, đó là con đường làng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.