Đưa kịch sử vào trường học

Với Thánh Gióng - vở kịch thiếu nhi về truyền thuyết chống ngoại xâm của VN do Kịch Idecaf thực hiện, trẻ em đã bắt đầu đam mê Thánh Gióng hơn Na Tra! - Ảnh: A.T
Với Thánh Gióng - vở kịch thiếu nhi về truyền thuyết chống ngoại xâm của VN do Kịch Idecaf thực hiện, trẻ em đã bắt đầu đam mê Thánh Gióng hơn Na Tra! - Ảnh: A.T

Người đã trình đề án này lên Sở Văn hóa - thông tin, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, cho biết:

- Trước mắt chúng tôi sẽ dựng kịch về tám nhân vật: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Quang Trung, Lương Thế Vinh, Lê Quí Đôn để diễn không bán vé tại các trường học ở TP.HCM. Kịch sẽ làm theo hướng khái quát tính cách nhân vật và đưa ra những bài học bổ ích. Ví dụ bên cạnh lòng yêu nước, căm thù giặc, chúng tôi sẽ làm rõ Trần Quốc Toản là người có tính tự lập khi tuổi còn nhỏ, tự mình lập được hẳn một đạo quân nhỏ, nhờ mẹ may cờ đánh giặc. Nhân vật Lê Lợi sẽ được làm nổi bật tính kiên trì qua mười năm gian khổ kháng chiến chống quân Minh... Mốc thời gian của từng nhân vật, sự kiện cũng sẽ được nhấn mạnh để các em dễ nhớ sử theo hệ thống.

Mỗi vở kịch chỉ dài 35-40 phút, trong đó có 10-15 phút game show hỏi đáp về các nhân vật, tình huống lịch sử trong kịch. Buổi diễn cũng sẽ được thu hình tặng lại các trường làm tư liệu giảng dạy. Các em cũng có thể tham gia một số vở kịch như làm quân giữa hai bên... Tôi đã trình đề án khái quát về chương trình này lên Sở Văn hóa - thông tin TP để xin kinh phí 300 triệu đồng/vở diễn. Hiện sở đã đồng ý duyệt chi 200 triệu đồng cho vở đầu tiên của đề án này.

* Thưa ông, có một sự bảo đảm về tính chính xác, nghiêm túc về các sự kiện, các nhân vật lịch sử không khi đưa kịch sử vào trường học? Tính hấp dẫn của các vở kịch sử này - ở chất lượng đầu tư dàn dựng qua cảnh trí, phục trang, lực lượng biểu diễn... - có đảm bảo như ở những vở kịch thiếu nhi thuộc "Ngày xửa ngày xưa"?

- Kịch sử của chúng tôi trước hết là những bài học nghiêm túc về lịch sử - chỉ được thể hiện một cách sinh động bằng hình thức sân khấu để thiếu nhi thích xem, dễ nhớ - nên bảo đảm tuân thủ sử chính thống đến 80%. Phần còn lại là sự sáng tạo cài đặt tình huống kịch của tác giả, đạo diễn.

Không thể so sánh kịch sử với kịch "Ngày xửa ngày xưa" vì tính chất hai bên hoàn toàn khác nhau. Nhưng tôi xác định sẽ làm hết sức để có những vở kịch sử vừa dân tộc vừa hoành tráng, hấp dẫn thiếu nhi ở các yếu tố như cờ giong, trống giục khi đánh trận, các em có thể cùng reo hò; có trang phục cổ thu hút, có nhạc dân ca... Không có những ngôi sao như Thành Lộc, Hữu Châu... tham gia kịch sử, song sẽ có nhiều gương mặt trẻ cũng rất quen thuộc với khán giả thiếu nhi như Mỹ Duyên, Đình Toàn, Đại Nghĩa, Lê Khánh... Phải làm tốt thôi vì ở đây còn là uy tín của Kịch IDECAF, là trách nhiệm khi nhận tiền từ Nhà nước.

* Có thể hiểu đây là một cách làm ăn mới của ông bầu Tuấn vốn rất giỏi làm ăn?

- Nhưng đây không phải là chuyện làm ăn. Tôi luôn gắn với trẻ em, đam mê khi làm những việc gì về trẻ con, cả thấy có trách nhiệm phải làm việc phục vụ các em. Mà thực tế là học sinh bây giờ yếu kém kiến thức lịch sử quá, tôi thấy mình cần và có thể làm việc này.

300 triệu đồng kinh phí cho mỗi vở diễn bao gồm kinh phí dựng vở khoảng 50 triệu đồng; còn lại chia đều cho chi phí vận chuyển, âm thanh ánh sáng, tiền bồi dưỡng diễn viên, hậu đài... của trọn gói những buổi lưu diễn vòng quanh 50 trường học, diễn cho 50.000 học sinh xem. Kinh phí như vậy chỉ vừa đủ, song thực tế sở chỉ duyệt có 200 triệu đồng thử nghiệm cho vở diễn đầu nên chúng tôi khá gồng mình. Nói thật nếu sở không duyệt, chúng tôi cũng sẽ cố gắng tự thực hiện đề án này nếu thuyết phục được Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM hợp tác.

* Cảm ơn ông.

Học sử một cách sống động

Đề án đưa kịch sử vào các trường tiểu học được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đề xuất lên Sở VH-TT TP.HCM cách đây bốn tháng. Hiện Sở VH-TT đang kêu gọi sự hợp tác từ Sở GD-ĐT TP.HCM để đề án có thêm sức nặng và hiệu quả. Dù chưa chính thức nhận được tiền nhưng bầu Tuấn đã rất hào hứng và đang gấp rút thực hiện để đầu tháng 11-2007 chương trình sẽ chính thức được ra mắt. Theo đề án, giá tiền cho mỗi em học sinh khi được xem kịch là 6.000 đồng (nhân lên với 50.000 em là 300 triệu đồng/vở) - tương đương giá một cuốn truyện tranh nhưng lại hấp dẫn hơn nhiều, tính ra lại rất rẻ để các em có thể học lịch sử dân tộc một cách qui mô và sống động.

HÒA BÌNH-H.OANH - (Theo Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm