Đồng diều giữa lòng ngoại ô

Giữa không khí ngột ngạt của thành phố, một đồng diều dài gần 1 km từ ngã tư Giếng nước (thị trấn Hóc Môn, TP.HCM) xuôi về hướng Củ Chi đã thu hút hàng ngàn lượt người đến thả diều và vui chơi mỗi ngày. Đây được xem là một trong những đồng diều hấp dẫn nhất ngoại ô thành phố.

Sân chơi tự phát

Khoảng 3-4 giờ chiều, khi nắng đã dịu bớt và gió bắt đầu thổi mạnh, những cánh diều đủ màu sắc, kích cỡ dần xuất hiện trên bầu trời. 5 giờ chiều, cả cánh đồng trở nên nhộn nhịp bởi lượng người kéo đến ngày càng đông và hình ảnh những con diều chi chít trên nền trời. Náo nhiệt nhưng không ồn ào, đó là không khí chung của những buổi chiều lộng gió nơi cánh đồng diều tự phát này.

Nói về sự “ra đời” của khu thả diều, một người dân ngã tư Giếng nước cho biết: “Đồng diều này có từ rất lâu nhưng vài năm trở lại đây, mỗi mùa lại càng đông người đến thả hơn. Cánh đồng này vốn rộng rãi, sau mùa gặt, ruộng khô, gió nhiều, một số người đã ra đây thả diều, dần dần đông lên, rồi “tiếng lành đồn xa”, nơi đây trở nên đông đúc, náo nhiệt như bây giờ. Thường thì mùa diều kéo dài từ hết tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch”.

Đồng diều giữa lòng ngoại ô ảnh 1

Cả gia đình tập trung ăn uống, vui chơi tại đồng diều (Nodi ngồi thứ hai từ trái qua). Ảnh: Huy Trang

Đỗ Thành Thuyên, sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Hiện nay, các khu vui chơi trong nội thành những ngày cuối tuần rất đông đúc, chật chội, có nơi còn quá tải. Giá vé vào cổng và vé trò chơi cũng không phải là rẻ. Tụi mình thích đến đây thả diều vì có thể “vào cổng” tự do, mang thức ăn theo thoải mái. Chỉ cần tốn vài chục ngàn đồng là có được một con diều ưng ý hoặc có thể tự tay làm diều theo ý thích”.

Nơi lý tưởng để họp mặt, hẹn hò

Người chơi diều ở đây rất đa dạng, không phân biệt ngành nghề, tuổi tác nhưng đông đảo hơn cả là các em thiếu nhi, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên... Đặc biệt, rất nhiều gia đình tập trung tại đồng diều thành từng nhóm, vừa xem thả diều vừa ăn uống, trò chuyện.

Anh Nguyễn Văn Nguyên ở quận 12, vừa cầm tay tập thả diều cho con gái vừa kể: “Hồi còn nhỏ, tôi vẫn thường làm diều để thả. Giờ đi làm rồi, thành phố cũng hiếm chỗ đủ rộng để chơi. Nên dù nhà cách đồng diều khá xa nhưng chiều làm về sớm, tôi lại tranh thủ chở vợ và con tới đây. Thả diều vừa giúp cho gia đình được chơi đùa bên nhau, mà tụi nhỏ có chỗ thả diều mới có tuổi thơ đẹp”. Còn Lê Thị Nga, sinh viên khoa Kế toán Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhà tại ngã tư Trung Chánh (quận 12), sau giờ học lại tranh thủ cùng cô em gái đang học lớp 10 ra đồng diều. “Tụi em là con gái nên không biết làm diều, chỉ mua để thả thôi. Ban ngày học, tối cũng phải học Anh văn nên tranh thủ chơi được một lúc là em lại phải về trường ở Gò Vấp để học nhưng phải có những lúc thế này thì về mới tiếp thu bài nổi” - Nga cười nói.

Với Lê Công Hải, sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, đồng diều không chỉ là một sân chơi lành mạnh, bổ ích mà còn là một địa điểm hẹn hò “không thể chê vào đâu được”. “Bạn gái mình ở gần đây mà. Cuối tuần, hai đứa lại ra thả diều, trò chuyện. Chỗ này rộng, mát lại chẳng bị ai làm phiền” - Hải nói.

Mưu sinh nơi đồng diều

Mỗi ngày hàng ngàn người tập trung tại khu vực đồng diều, kéo theo đó là đội ngũ bán hàng rong. Họ bán diều đủ loại và một số mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống của người chơi: bắp, khoai nướng, trứng cút chiên, nước giải khát...

Quanh đồng diều thường có hơn 50 điểm bán diều, tập trung chủ yếu tại đoạn đường song hành quốc lộ 22. Tùy kiểu dáng, kích cỡ mà giá diều dao động từ 20.000 đến 80.000 đồng, kèm theo dịch vụ tư vấn miễn phí cho khách hàng, làm sao để chọn loại diều hợp túi tiền, bay cao. Cô Trúc, một người bán diều, cho biết: “Khách hàng tới mua những ngày này khá đông, không chỉ tụi nhỏ mà phụ huynh trên đường chở con đi học về cũng ghé mua. Mỗi chiều tui bán được vài chục con diều, riêng những ngày cuối tuần có thể bán được gấp rưỡi”.

Chú Sương, một người bán dạo, cho biết mỗi ngày bán được vài chục xâu các loại cá viên, trứng cút chiên... Những ngày cuối tuần có thể bán hàng trăm xâu. “Mình đi bán vậy vừa có tiền, lại cảm thấy thoải mái. Tiếc là mùa thả diều chỉ kéo dài vài tháng. Mùa mưa đến, người ta không thả diều nữa cũng thấy buồn” - chú Sương nói.

Chị Linh bán bắp và khoai nướng dọc đường song hành cũng chia sẻ: “Mấy hôm nay cũng đông nhưng chưa bằng những ngày cuối tuần đâu. Nhiều lúc nướng bắp chẳng kịp bán. Mỗi chiều tranh thủ cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, thứ Bảy, Chủ nhật bán được hơn trăm ngàn là chuyện bình thường”.

Nhiều bãi thả diều tự phát ở TP.HCM

Ngoài đồng diều ở Hóc Môn còn có những bãi diều từ lâu trở thành điểm vui chơi quen thuộc của người dân thành phố: bãi đường ray xe lửa (huyện Bình Chánh), Đồng Diều (quận 8)… Một điểm thả diều không kém phần nhộn nhịp và quen thuộc của sinh viên là hồ Đá, cạnh Làng ĐH Thủ Đức. Ra đời gần đây nhất là bãi diều cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng và bãi diều cạnh chân cầu Ông Lớn (quận 7). Đoạn đầu cầu Thủ Thiêm giao với đường Lương Định Của và đại lộ Đông Tây ở quận 2 cũng tấp nập hàng trăm người đến thả diều mỗi chiều.

Chơi diều, hiểu thêm văn hóa Việt

Mình chỉ có khoảng hai tuần ở Việt Nam thôi. Ban đầu thấy chán nhưng một lần bạn rủ ra đây, thấy thoải mái và rất thú vị. Ở Nhật, trẻ em hầu như không còn thả diều nữa, nếu có chỉ là vào những dịp tết thôi. Qua đây, mình cũng biết thêm về văn hóa Việt Nam.

NODI, du khách người Nhật

KHẮC HUY - ĐÔNG TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm