Đối mặt với ma túy: Tiếng nói từ những phận người

50 nhân vật, 50 cuộc đời đã được Phạm Hoài Thanh giới thiệu trong bộ sưu tập vừa được trưng bày tại 29 Hàng Bài (Hà Nội) trong triển lãm Đối mặt với ma túy diễn ra từ ngày 20 đến 25-6. “Triển lãm của tôi đưa đến một sự nhìn nhận khách quan và rộng lượng hơn đối với những người trót lầm lỡ trong cuộc đời” - nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh nói.

Những lát cắt của số phận

Nhân vật trong ảnh Phạm Hoài Thanh đa dạng trải dài từ Nam ra Bắc. Đó cũng là hành trình của anh trong suốt nhiều năm để cho ra đời bộ ảnh này. Ống kính của anh không đi sâu vào việc khám phá những góc khuất của số phận mà hướng nó đến những nẻo về tươi sáng, những khát khao tiềm ẩn trong mỗi con người nhưng vẫn bị ma túy chế ngự. Đó là Đặng Thị Hồng Nhung, người mẫu một thời ở TP Nha Trang. Từ lợi thế của vóc dáng, Nhung trở thành một người mẫu có nhiều sô diễn với một khoản thu nhập đủ để tìm đến những thú chơi hạng sang. Đó chính là khởi nguồn để Nhung dính vào ma túy. Sau khi được đưa đi cai nghiện, trở về Nhung lại tái nghiện, cái vòng luẩn quẩn ấy cứ cuốn lấy Nhung không dứt.

Nguyên nhân để những người trẻ bước vào con đường nghiện ngập cũng được đề cập khá rõ nét trong ảnh của Phạm Hoài Thanh. Người xem thấy một Nguyễn Thành Tuấn (TP.HCM) nhà khá giả, lại là con một nên từ năm 1992 Tuấn đã biết đến mùi cần sa, sedusen. Lớn hơn tí nữa, Tuấn biết heroin, rồi nhanh chóng trở thành một con nghiện nặng. Vốn có nghề quay phim nhưng Tuấn cũng đành bỏ dở giữa chừng vì những cơn vật thuốc.

Đối mặt với ma túy: Tiếng nói từ những phận người ảnh 1

Chị Nguyễn Ngọc Giàu: “Em thường bảo bọn trẻ mới tập tành “chơi” là: “Mày xem chị đây này, trót dính vào bây giờ tàn tạ mất hết tất cả””. (Ảnh chụp tại triển lãm)

Không xuất thân trong một gia đình giàu có, cũng chẳng là người thành phố như Nhung và Tuấn nhưng cô sơn nữ ở xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, Điện Biên đã làm quen với ma túy từ khi 13 tuổi. “Thuốc ở đây rẻ nên một ngày em chỉ cần 50.000-100.000 đồng là đủ, nếu thiếu thì xin ai đó” - em nói.

Chị Hà Thị Nhâm ở Thái Bình lại đem đến cho người xem câu chuyện xót xa về cuộc đời của mình, từng là ca sĩ của một đoàn nghệ thuật được cử đi học ở ĐH Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp, Nhâm theo đoàn đi biểu diễn ở nhiều nơi. “Cứ tối rảnh, các anh trong đoàn, có cả một vài chị mua thuốc về chơi… họ bảo nó chỉ như uống rượu thôi, chất nghệ sĩ cũng cần một tí cho nó phê” - chị Nhâm kể lại. Nhưng một tí đó cũng đã khiến chị phải từ bỏ con đường nghệ thuật và thả trôi sáu năm tuổi trẻ của mình ở các trung tâm lao động và cải tạo xã hội.

Tin ở ngày mai

Triển lãm Đối mặt với ma túy được chia thành bốn phần: Chuyện không của riêng ai”; Cuộc chiến cả đời; Tìm một lối raTrả nợ cuộc sống. Nếu hai phần đầu là cuộc sống của người nghiện ma túy với những phân trần về số phận, về cuộc đấu tranh chưa có hồi kết của họ với ma túy thì ở hai phần sau là nơi bản thân người nghiện thức tỉnh, tìm được cho mình một lối đi riêng. Đó là khoảng 20 chàng trai cùng rủ nhau lên một đảo nhỏ có tên là Quan Lạn (Quảng Ninh). Họ tự thiết lập nơi đó thành một doanh trại tập thể, sống cách biệt với cộng đồng, hằng ngày lao động, tăng gia và quan trọng nhất là họ động viên nhau đoạn tuyệt với ma túy để trở về với người thân.

Anh Lang Thanh Bình, ở TP.HCM, một người nghiện đã từng có lần ăn cắp cả cái máy đo huyết áp của mẹ đem đi bán, sau một thời gian “chiến đấu” với ma túy đã tự nguyện tham gia dự án tư vấn hỗ trợ hướng nghiệp và tìm kiếm việc làm. Từ kinh nghiệm của mình, anh Bình nhận ra: “Người nghiện mà có việc làm vừa giúp họ tăng thu nhập, hạn chế nhớ thuốc”. Còn chị Hà Thị Nhâm cũng đã trở thành tiếp cận viên cộng đồng. Chị nhớ tháng lương đầu tiên chị nhận đúng vào dịp tết. Khi mua quà về thăm gia đình, lần đầu tiên chị nhìn thấy bố khóc. Giọt nước mắt sung sướng của một người cha khi chứng kiến đường về của con gái mình đã tươi sáng hơn…

Nâng niu số phận

Sinh năm 1963 tại Hà Nội, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật năm 1985. Đầu những năm 2000, với tư cách là một nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế, trong chương trình xây dựng tài liệu truyền thông về HIV của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Hoài Thanh bắt đầu tiếp xúc và làm việc với những người có HIV. Anh đã dần thay đổi những suy nghĩ về HIV và người có HIV.

Sau thành công của hai triển lãm đầu tay Cuộc sống vẫn tiếp diễn 1 (tháng 11-2005) và Cuộc sống vẫn tiếp diễn 2 (tháng 11-2008) về những người bị nhiễm HIV, con đường mà Hoài Thanh chọn để đi là hướng ống kính vào những nhóm người cụ thể. Họ vì nhiều lý do đã sa chân vào con đường lầm lỡ nhưng ẩn sâu trong tâm hồn vẫn còn những khát khao vươn lên trong cuộc sống. “Điều quan trọng nhất là phải đến với họ bằng sự tôn trọng, chân thành… đó là chìa khóa để họ có thể giãi bày, tâm sự về cuộc đời mình” - Hoài Thanh chia sẻ.

HỒ VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm