Đời chìm nổi lạ lùng của sao nối ngôi Huyền Trâm

Ở thế kỷ 21 này mà cuộc đời theo nghề hát của cô đào trẻ sinh năm 1989 Phạm Huyền Trâm lại giống hệt nghệ sĩ cải lương thời những năm đầu và giữa thế kỷ trước vậy.

Trôi nổi theo ghe hát và gánh lô tô

Ngoài đời thường, Huyền Trâm nói chuyện rặt chân quê bằng phương ngữ miền xa xôi ở miền Tây mà chẳng mấy ai biết. Bởi Trâm cũng chỉ vừa cùng gia đình lên TP sống hơn một năm thôi. Còn cả cuộc đời hơn 28 năm về trước, cô trôi nổi theo ghe hát, rồi gánh lô tô của gia đình khắp các vùng quê Việt để mưu sinh.

Trâm kể nhà nội cô theo nghề hát mấy đời, từ lúc ông nội bán nhà ở Bạc Liêu mua ghe, lập gánh hát Hương Mùa Xuân. Cả nhà từ ông bà, cô chú Trâm đều làm nghệ sĩ trong đoàn hát này, vốn là một đoàn khá lớn ở miệt tỉnh. Ngay cả mẹ Trâm và nhà ngoại không ai theo nghề cũng mê hát, trốn nhà theo đoàn của ông nội Trâm rồi làm con dâu ông bầu gánh. Vậy nên Trâm được mẹ đẻ rớt trên một ghe hát ở Vĩnh Hưng, Bạc Liêu. 

Trâm sống kiếp lang thang gạo chợ nước sông trên ghe hát của ông nội cho đến khi được bốn tuổi thì đoàn hát rã do cải lương xuống dốc, vắng khán giả. Ông nội Trâm phải bán ghe, từ đó cả nhà dắt díu nhau ra Hà Nội hát thuê cho những đoàn hát khác ở mọi vùng quê ngoài Bắc. Trâm kể tuy ngoài Bắc nhưng khán giả rất mê cải lương. Cha mẹ Trâm, cô chú, đào kép trong đoàn được ngưỡng mộ chẳng khác gì nghệ sĩ. Buổi sáng đi chợ khán giả kéo theo rần rần xem mặt và tặng quà. Vậy nhưng đời nghệ sĩ nghèo, gia đình Trâm cũng chỉ sống lay lắt.

Giọng ca “hơi Trời” Huyền Trâm chỉ vừa cùng gia đình lên thành phố sống hơn một năm nay. Ảnh: H.BÌNH

Năm Trâm 12 tuổi, chị cô trở về quê Bạc Liêu, Cà Mau lấy chồng rồi có nhà ở trên bờ. Từ đó Trâm mới được vô hộ khẩu và được đi học để biết chữ. 12 tuổi cô mới học lớp 1, rồi lây lất học đến lớp 6. Sau đó, Trâm nghỉ học, tiếp tục theo gia đình phiêu bạt giang hồ sống đời gánh lô tô.

Trâm kể về cuộc đời theo gánh lô tô của mình thật hồn nhiên, nhẹ bâng nhưng lại tràn ngập nỗi buồn tênh. Ban tối Trâm đi hát, ban ngày thì đi chợ nấu ăn cho những người trong đoàn. Rảnh thì phụ làm vé, cắt vé để tối bán, mua hột lựu, hột bẹt về tự may đồ hát bằng tay, thời gian còn lại thì cô học hát mấy câu rao lô tô cho hay, cho hấp dẫn khán giả. Hát ở đâu thì tối ngủ ở đó, có xin ngủ nhờ nhà dân được thì tốt, không thì ngủ ngoài trời, dưới gầm sân khấu. Niềm vui của Trâm, gia đình và cả đoàn chỉ là khi trời nắng đông khách thì mọi người có tiền uống cà phê, tán dóc. Mưa thì không bán được vé, đến cơm cũng không có mà ăn, phải nhờ những người trong chợ cho gạo, cho cá nấu ăn. Sống cảnh như vậy nhưng Trâm vẫn rất mê hát, không ai dạy nhưng cứ nghe nghệ sĩ nổi tiếng hát, diễn ra sao là bắt chước được hết như một thiên phú trời cho.

Trâm chỉ thoát cảnh sống đời lô tô phiêu bạt được vài năm gần đây. Cô và cha mình - nghệ sĩ Phạm Đằng Giao đi hát quán ca cổ, hát đám ở Cần Thơ. Cha cô đàn cổ nhạc, cô hát. Cho đến cuối năm 2016, tham gia một cuộc thi tìm kiếm giọng ca vọng cổ, xuất hiện trên truyền hình Trâm mới được khán giả biết đến và yêu thích ngay lập tức. Cô được nhiều sự giúp đỡ của các nghệ sĩ đi trước như Kim Tử Long, Tô Thiên Kiều… nên dời về TP.HCM sống để đi hát được nhiều hơn.

“Giọng ca hơi Trời”

Huyền Trâm có đôi mắt xếch khiến khuôn mặt có nét lạ. Cô đào sinh năm 1989 cũng có chiều cao khiêm tốn, số cân nặng đáng kể nên nhìn tròn ủm. Vậy nhưng khi bước ra sân khấu, Trâm duyên dáng, uyển chuyển trong vũ đạo, động tác. Trâm diễn xuất rất tự nhiên, linh hoạt. Đào thương, đào lẳng, đào độc, đào võ, đào con gì cô diễn cứ như không. Xem Trâm diễn, khán giả thường xuyên có những tràng cười thoải mái theo cái duyên diễn xuất của cô.

Không chỉ diễn được đủ loại vai, Trâm còn hát được đủ thứ nhạc. Nhạc trẻ, nhạc sôi động, nhạc trữ tình, bolero…, loại nào Trâm hát nghe cũng tốt với chất giọng khỏe, trong của mình. Song đặc biệt nhất là lúc Huyền Trâm hát cải lương. Khi cô cất tiếng ca vọng cổ hay bài bản cổ nhạc lên thì sự lảnh lót, ngân vang của giọng ca vang, khỏe, truyền cảm thu hút ngay người nghe. Giọng ca đẹp và cái duyên sân khấu của Huyền Trâm tràn trề đến mức ngay ở tập đầu cuộc thi Sao nối ngôi 2018, tiết mục của Trâm gặp sự cố đứt dây đàn trên sân khấu khi cha cô đang đàn cho cô hát mà Trâm vẫn cứ ca, diễn phăng phăng hết bản Duyên kỳ ngộ đến vô vọng cổ khiến khán giả vỗ tay liên tục. Đến mức các đồng nghiệp thi cùng Sao nối ngôi 2018 cũng như khán giả đặt cho cô danh hiệu là “thánh cải lương”.

Hiện Huyền Trâm đã có gia đình với một đứa con nhỏ xinh xắn lẫn một căn nhà trả góp. Cải lương tuy qua thời vàng son nhưng cũng đem lại cho một “thánh cải lương” có “giọng ca hơi Trời” như cô một tương lai nhiều hứa hẹn. Đó là sự kỳ vọng cô sẽ trở thành một nghệ sĩ tài năng tên tuổi như Ngọc Giàu, Hồng Nga dù không nổi bật sắc vóc như lời nhận xét của nghệ sĩ Hoài Thanh. Điều đó hoàn toàn có thể bởi Huyền Trâm có quá nhiều khả năng thiên phú và cả sự khổ luyện, trải nghiệm trong cuộc đời rồi mới đi đến thành danh, thành tài như lớp nghệ sĩ chân chính thời trước.

Giọng hát này là hơi Trời

Giọng hát này trong nghề gọi là hơi Trời. Tức là ở đâu cũng hát được. Trên bờ xuống ruộng gì cũng hát được. Nằm cũng hát, đứng cũng hát, chạy cũng hát.

 Cải lương chi bảo BẠCH TUYẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm