Đóa quỳnh sáng tạo làm ấm Nửa đời ngơ ngác

Chuyển thể truyện ngắn Chiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư thành vở kịch Nửa đời ngơ ngác, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã tạo ra sự chú ý của dư luận. Xem vở kịch, khán giả lại càng bất ngờ về hình tượng đóa hoa quỳnh không hề có trong truyện. Hiếm có vở kịch tạo được hình tượng kịch như đóa hoa quỳnh đầy xót xa trong Nửa đời ngơ ngác.

Kịch thoát ra khỏi truyện

Nguyễn Ngọc Tư thường nói dù có chuyển thể từ truyện thì một bộ phim hay một vở kịch vẫn là một tác phẩm độc lập. Khác những tác phẩm chuyển thể của Nguyễn Ngọc Tư còn bị lệ thuộc nặng nề vào câu chữ trong truyện, Nửa đời ngơ ngác đúng là một tác phẩm độc lập so với Chiều vắng. Truyện khốc liệt với những yêu thương, thù hận đầy u tối khiến người xem ray rứt không yên.

Vẫn giữ cái tứ yêu thương, thù hận quay quắt và đường dây kịch tính, song Nửa đời ngơ ngác thêm vài thay đổi về chi tiết, tình huống, có thêm nhân vật, kịch bỗng trở nên ấm áp, sâu lắng. Cái kết kịch không dằn vặt, tiếc nuối như truyện. Tư Nhớ vẫn xa lạ nhưng không thất vọng, hẫng hụt khi gặp lại Lê. Út Lý vẫn tràn đầy lòng yêu thương nhân hậu, bao dung làm thắt lòng người nhưng không là một bà cô già đơn côi tội nghiệp, đã rụng hết mấy cái răng.

Đóa quỳnh sáng tạo làm ấm Nửa đời ngơ ngác ảnh 1

Hồng Ánh với hình tượng đóa quỳnh đầy xót xa nhưng tràn ngập cảm xúc thăng hoa nghệ thuật trong vở kịch Nửa đời ngơ ngác. Ảnh: HÒA BÌNH

Với sở trường làm kịch tâm lý xã hội-tình yêu, đôi nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như cùng tác giả trẻ Trần Mỹ Trang đã tạo ra thêm cặp đôi Tư Hết và Hoài khiến cái tứ tình yêu chung thủy nhưng đau đớn của kịch vừa rõ hơn mà cũng vừa được cởi bỏ. Tư Hết yêu Út Lý dằng dặc gần chục năm trời nhưng Tư Hết vẫn biết cởi bỏ tình yêu đầy trói buộc đó để đi cưới vợ bởi không thể để tía mình khổ tâm và Hoài đợi mãi. Tư Hết đánh Tư Nhớ, làm Tư Nhớ phải đối diện với thứ tình cảm yêu thương bị thù hận che lấp đáng sợ nơi bản thân mình. Cái hay và sáng tạo của kịch còn nằm ở chi tiết tin về cái chết của Út Lý không đẩy về phía Lê như truyện, mà đẩy về phía Tư Nhớ để tạo bất ngờ và cởi cái gút tâm lý nan giải của nhân vật này. Xem đến đây, cả khán giả và nghệ sĩ trên sân khấu đều òa khóc với bao nhiêu cung bậc cảm xúc không nói nên lời. Những giọt nước mắt biến thành lời khen dành cho vở kịch và cái tài đạo diễn vừa tinh tế vừa ngọt ngào tình cảm của đạo diễn Thành Hội.

Hồng Ánh diễn như không diễn

Nửa đầu của vở kịch, khán giả có cảm giác tiếc và hẫng một chút bởi kịch dồn hết vào phía nhân vật Lê của Ngọc Lan. Là diễn viên phim lần đầu đóng kịch, Ngọc Lan đã thể hiện sự khổ luyện, nghiêm túc và nhiều tiềm năng trên sàn diễn. Nhưng vai diễn của cô có với quá một chút để vào tâm lý thật ngọt. Chỉ đến phần sau, khi kịch dồn trọng tâm về vai Út Lý của Hồng Ánh, khán giả mới thật sự được đãi một bữa tiệc ngon.

Đi từ nhân vật một cô gái trẻ vô lo vô nghĩ, hay nói hay cười, hay hờn hay giận đến một thiếu phụ trĩu nặng, giằng xé bên nghĩa, bên tình, Hồng Ánh diễn như không diễn. Giọng nói khào khào quê trớt. Cách nói chuyện dằn dỗi có một nửa vì một nửa còn lại không nỡ vì thương. Nụ cười dễ dãi, hồn hậu tràn ngập sự bao dung. Út Lý của Hồng Ánh không hề trau chuốt về hình thức mà có duyên và đẹp lạ lùng trong mắt người xem.

Ở kịch, tác giả và đạo diễn tạo thêm chi tiết bà Hai trồng một chậu hoa quỳnh với câu nói: “Nhà trồng hoa quỳnh như có con gái vậy. Trồng mà không tưới nước làm sao mà có hoa”. Bà Hai cho là Tư Nhớ nghèo, con gái bà theo hắn như sống khổ như cây không được tưới nước sẽ khô héo. Bởi thế bà đã tách Lê ra khỏi Tư Nhớ, khiến cô hư thai, cả đời đau xót vì mất tình yêu chân thật và chẳng thể bao giờ có con. Đóa quỳnh còn lại trong nhà bà, đứa con gái thứ hai thì gần 40 tuổi đầu vẫn lầm lũi, cô độc vì mối tình ngang trái với Tư Nhớ. Với sức diễn của Hồng Ánh, không chỉ bao nhiêu cái xót xa của cảnh ngộ nhân vật Út Lý được truyền trọn đến khán giả, mà còn gợi ra cả sự đau xót của nội tâm nhân vật Lê. Trong kịch, khi Út Lý bưng chậu hoa quỳnh khô héo dù được chăm sóc tốt ở nhà mình sang nhà Tư Nhớ khiến nó nở hoa, là lúc hình tượng kịch về đóa quỳnh của đạo diễn Thành Hội nổi rõ lên. Khi Út Lý tức tưởi gào khóc, bắt đền Tư Nhớ làm gãy cái bông quỳnh, làm tổn thương, đẩy tình yêu của cô vào tuyệt vọng là lúc vở kịch và Hồng Ánh làm nên một vẻ đẹp nghệ thuật có tính biểu tượng cao đầy rung động. Khúc nhạc Chuyện đóa quỳnh hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đưa vào kịch ngọt ngào. Hồng Ánh thật sự như một đóa quỳnh tỏa hương trên sân khấu, lưu dấu vào lòng khán giả trong nước mắt của cảm xúc thăng hoa.

Tóm tắt cốt truyện Chiều vắng

Bà Hai có hai cô con gái là Lê và Út Lý. Muốn nhằm bắt Lê lại gả chồng giàu, bà hại Tư Nhớ bất chấp việc làm chết cái thai trong bụng con. Tư Nhớ, hơn nửa đời người chôn chặt nỗi uất hận bị cướp vợ con trong lòng, không bao giờ chịu đi bước nữa để dằn vặt người gây oán, cả đời chỉ chờ gặp lại người xưa. Lý - nửa đời vì cảm thương người đàn ông bị mẹ hại, chị bỏ rơi mà tốt với Tư Nhớ để trả nợ thay, thành ra yêu thương trong mòn mỏi, ngậm ngùi.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm