Đổ xô về Bến Tre ngắm "lão bạch mai" 300 tuổi bất ngờ trổ bông

Hàng trăm năm qua, cây bạch mai cổ thụ 300 năm tuổi ở đình Phú Tự (ấp Phú Hào, xã Phú Hưng, TP Bến Tre) chỉ nở rộ vào dịp Tết nguyên tiêu. Nhưng ba năm nay cây bất ngờ trổ bông trắng ngần dịp giáp Tết nguyên đán khiến nhiều người ngạc nhiên xen lẫn thích thú.

Ông Đoàn Văn Mười, Trưởng ban khánh tiết đình Phú Tự cho biết khác với những loại mai khác, bạch mai nở 4 cánh trắng tinh, nhụy vàng tỏa hương thơm ngào ngạt và nở vào độ Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), kéo dài đến cuối tháng giêng mới tàn chứ không phải nở vào Tết Nguyên đán.

Hơn nửa tháng nay bạch mai cổ thụ đã trổ sớm và bông rụng trắng xóa dưới cội mai

Nhiều người ở xa đến đình Phú Tự ngắm bạch mai tỏ ra lo lắng khi “cụ mai” trổ sớm nghịch mùa sẽ không trổ nữa vào dịp Tết nguyên tiêu nữa. Tuy nhiên theo ông Mười, khoảng 3 năm nay liên tiếp bạch mai đều trổ bông sớm hơn 1 tháng rồi rụng dần. Sau đó sẽ trổ thêm nụ để khoe lứa bông khác đúng hẹn Tết nguyên tiêu.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (70 tuổi, xã Phú Hưng) cũng như nhiều người dân khác háo hức đến đình Phú Tự ngắm hoa. Ông Hoàng chia sẻ: “Dù cây bạch mai này đối với người dân xã Phú Hưng không còn xa lạ, nhưng mỗi năm đến mùa bạch mai trổ bông tôi đều đến đình Phú Tự để ngắm hoa. Năm nay có thể do thời tiết biến đổi, bạch mai trổ sớm. Tôi tranh thủ đến đình ngắm hoa, nhặt một ít bông mai về phơi khô ướp trà uống lấy lộc đầu năm”.

"Số lượng bông bạch mai trổ nghịch mùa năm nay nhiều hơn so với 2 năm trước. Tôi nghĩ mai trổ sớm vài năm nay là do ảnh hưởng của thời tiết", ông Mười nói.

Hoa bạch mai trổ sớm trước tết

Ông Mười kể mỗi năm sau tết vào mùa bạch mai nở, người dân địa phương đem vải bạt đến lót quanh gốc cây để lấy hoa mai rụng về phơi khô đợi tới lễ Kỳ Yên (ngày 16-3 âm lịch) sẽ chia thành khoảng 800- 1.000 phần nhỏ phân phát cho những người đến cúng đình lấy lộc đầu năm.

Cây bạch mai cổ thụ có một không hai này còn có tên gọi khác là cây mai khê, nam mai hay mai mù u vì có hoa giống hoa mù u.

Người dân địa phương cho biết, theo người xưa truyền miệng lại, khoảng 300 năm trước khi ông bà, tổ tiên đến đây khai hoang mở cõi đã thấy cây bạch mai mọc ở đây rồi. Bạch Mai có thân chính một người ôm không xuể, được bao bọc bởi nhiều thân phụ và nhánh mọc lên từ bộ rễ tạo thành tán rộng hàng chục mét vuông trước sân đình.

Bông bạch mai trổ sớm rụng đầy cội mai. Người dân đến nhặt hoa mai đem về phơi khô pha trà uống.

Do ảnh hưởng của mưa trái mùa, nhiều nụ bạch mai chưa kịp nở đã rụng

Những bậc cao niên trong vùng cho biết, ngày xưa cây bạch mai trổ ngay ngày 30 tháng Chạp (âm lịch) nên dân làng đến bẻ nhánh về chưng trong nhà mấy ngày Tết Nguyên đán. Cây mai ngày càng còi cọc nên những người cai quản đình tiến hành lập hương án, cầu xin “lão” bạch mai trổ nghịch mùa để người dân xung quanh không đến bẻ cành về chưng tết nữa. Từ đó cây bạch mai trổ rộ một mùa duy nhất trong năm.

Trải qua hơn ba thế kỷ, hiện thân cây bạch mai chính không còn nhưng từ gốc cây cũ đã mọc ra nhiều thân to, nhỏ, cao khoảng 14m, vươn dài ra 5-7 mét xòe ngang mặt đất tạo thành tán rộng tỏa mát khắp sân đình. Đầu năm 2014, cây bạch mai được Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam công nhận là “cây di sản quốc gia”.

Cây bạch mai 300 năm tuổi ở sân đình Phú Tự

Đình Phú Tự cũng là một trong những ngôi đình cổ xưa ở Bến Tre. Trải qua hàng trăm năm, đình đã xuống cấp và đã được nhiều lần trùng tu. Hằng năm, ngoài các lễ cúng kỳ yên, thượng điền, hạ điền, chạp miếu... đình Phú Tự còn là nơi nhân dân tổ chức các lễ hội văn hóa như Tết Nguyên tiêu, ngày thơ Việt Nam, giỗ Tổ Hùng Vương, ngày lễ thương binh liệt sĩ,…

Tại đình Phú Tự ngày nay vẫn còn lưu dấu 4 câu thơ xưa nhắc về cổ thụ bạch mai: “Khí thiêng nung đúc bạch mai thần. Phú Tự đình xưa bóng rợp sân. Xuân trổ ngàn hoa đơm trắng phếu. Đông đâm muôn lộc phủ trong ngần…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm