Điện ảnh Mỹ chiến thắng tại Cannes

LHP Cannes lần thứ 64 vừa khép lại vào tối 22-5 (tức rạng sáng 23-5 theo giờ Việt Nam) tại bờ biển French Riviera, TP Cannes (Pháp) với chiến thắng thuộc về bộ phim The Tree of Life (Cây đời) của đạo diễn Terrence Malick do Brad Pitt đóng vai chính.

The Tree of Life là đại diện duy nhất của điện ảnh Mỹ tại LHP Cannes năm nay. Kể từ chiến thắng Cành cọ vàng của phim Fahrenheit 9/11 (tạm dịch: Nhiệt độ 11-9) ở LHP Cannes năm 2004 thì đến nay điện ảnh Mỹ mới tiếp tục được giải cao nhất tại Cannes.

The Tree of Life là bộ phim do đạo diễn Terrence Malick viết kịch bản và đạo diễn. Ông từng chiến thắng ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes năm 1979 với bộ phim Days of Heaven. Bộ phim này thành công còn bởi sự tham gia của các diễn viên hàng đầu như Brad Pitt, Sean Penn, Jessica Chastain. Trước đêm trao giải, nhiều bình luận cho rằng nam diễn viên Brad Pitt trong The Tree of Life là một trong những ứng cử viên của giải Cành cọ vàng tại Cannes 2011, rất ít thông tin dự đoán bộ phim sẽ giành giải. Sau khi giải thưởng Cành cọ vàng cho bộ phim xuất sắc nhất được trao cho bộ phim, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nam diễn viên Robert De Niro, cho biết The Tree of Life đã giành chiến thắng Cành cọ vàng vì bộ phim “có kích thước, tầm quan trọng, ý tưởng và phù hợp với các tiêu chí của giải thưởng”. Tuy nhiên, đạo diễn Terrence Malick đã vắng mặt tại đêm trao giải và nhà sản xuất Bill Pohlad đã nhận giải thưởng Cành cọ vàng từ tay Robert De Niro.

Điện ảnh Mỹ chiến thắng tại Cannes ảnh 1

Nữ diễn viên xuất sắc nhất Kirsten Dunst, chủ tịch ban giám khảo Robert De Niro và nam diễn viên xuất sắc nhất Jean Dujardin (từ trái sang) trong đêm trao giải Cannes lần thứ 64. Ảnh: YVES HERMAN, REUTERS

Nữ diễn viên người Mỹ Kirsten Dunst đã giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc (Prix d’Interpretation Feminine) cho vai diễn trong phim Melancholia (U sầu) của đạo diễn Lars Von Trier. Đạo diễn người Đan Mạch, Von Trier vừa bị đuổi khỏi LHP Cannes hôm 19-5 do phát biểu trong một cuộc họp báo rằng ông “hiểu và chia sẻ” với trùm phát xít Hitler và Đức Quốc xã khi nói về ảnh hưởng của tinh thần Đức trong tác phẩm của mình. Vì thế, khi nhận giải thưởng, nữ diễn viên Kirsten Dunst đã phát biểu: “Đây là một vinh dự hiếm hoi trong cuộc đời. Cảm ơn LHP Cannes đã cho phép bộ phim tiếp tục được tranh giải. Tôi cũng cảm ơn đạo diễn Lars đã cho tôi cơ hội để tham gia bộ phim này. Đêm nay là một đêm rất đặc biệt với tôi”.

Nam diễn viên Pháp - Jean Dujardin đã chiến thắng ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc (Prix de l’Interpretation Masculine) do vai diễn ngôi sao điện ảnh George Valentin trong bộ phim câm The Artist (Nghệ sĩ). Giải Đạo diễn xuất sắc thuộc về nhà làm phim người Đan Mạch Nicolas Winding Refn với phim The Drive.

Bên cạnh các giải thưởng chính, LHP Cannes còn trao nhiều giải thưởng khác: Giải thưởng lớn dành cho phim The Kid with the Bike (Đứa trẻ với chiếc xe đạp) và phim Once Upon A Time In Anatolia (Ngày xửa ngày xưa tại Anatolia); kịch bản hay nhất cho nhà biên kịch Joseph Cedar với phim Footnote; giải thưởng của ban giám khảo dành cho phim Polisse của nữ diễn viên, đạo diễn người Pháp Maiwenn Le Besco và giải Phim đầu tay cho Pablo Giorgelli với phim Las Acacias. Bộ phim ngắn Cross Country của đạo diễn Maryna Vroda giành giải Càng cọ vàng phim ngắn.

Tự biên tự diễn vẫn đạt giải

Trước đêm trao giải chính thức, hai bộ phim đã được chọn cho hạng mục Một góc nhìn (Un Certain Regard) đó là Arirang của Kim Ki Duk (Hàn Quốc) và Halt Auf Freier Strecke (Ngừng theo dõi) của Andreas Dresen (Đức).

Dư luận đổ dồn chú ý về bộ phim Arirang của đạo diễn Kim Ki Duk bởi đây là bộ phim mà Kim Ki Duk nói: “Arirang là về Kim Ki Duk, chơi vai trò ba trong một” tức vừa là người phỏng vấn, người được phỏng vấn và cái bóng của chính mình. Một nghĩa khác, Kim Ki Duk chính là đạo diễn, diễn viên, quay phim, làm nhạc... và kiêm cả sản xuất.

Trong phần giới thiệu về Arirang tại LHP Cannes, Kim Ki Duk viết rằng: “Thông qua Arirang tôi trèo qua được một ngọn đồi của cuộc đời. Thông qua Arirang tôi hiểu con người, cảm ơn về bản chất cuộc sống và chấp nhận cuộc sống của tôi bây giờ...” và “Hãy giết chết tâm hồn của nhau không thương tiếc cho đến khi chúng ta chết”.

Kim Ki Duk đã chỉ trích đích danh những đồng nghiệp của ông trong nền điện ảnh Hàn Quốc. Và phim nêu ra những lý do từ những đồng nghiệp đã đẩy ông vào đường cùng điện ảnh. Và chính câu chuyện này tạo ra một dư luận trái chiều rằng ông đã chỉ trích quá mạnh tay điện ảnh Hàn Quốc.

NAM THANH (Theo Cannes, AFP, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm