Đem lại “linh hồn” cho hình ảnh

...Trong buồng treo lơ lửng trên cáp treo phố núi Đà Lạt, tiếng gió rít ù ù mà khi đứng dưới nhìn lên ngỡ như trời lặng gió. Anh Đạo mở MR8 (multi-track recorder, loại máy ghi âm nhiều đường tiếng) để bắt lấy tiếng gió ghi vào máy. Trong nghề làm phim, điều quan trọng là “tạo không khí” mà người trong giới vẫn quen gọi là “ambiance”.

“Đi săn không khí”

Tên đầy đủ của anh là Lê Quang Đạo, vào khoảng năm 1995, anh là người Việt Nam đầu tiên qua Pháp tu nghiệp về âm thanh kỹ thuật số. Anh đã có hơn 30 năm làm chuyên viên âm thanh.

Lần đầu tiên biết đến anh, cách đây khá lâu khi tôi đến xem đoàn phim bấm máy Khi đàn ông có bầu tại bãi đất trống gần BV FV ở quận 7. Hôm ấy dân chúng đến xem rất đông, trước một cảnh ngộ nghĩnh: chiếc xích lô vút bay lên trời và người cầm lái “flying cyclo” là ca sĩ Phương Thanh. Trong khi đám đông ồn ã, xuýt xoa thì anh Đạo cứ lẳng lặng vác máy MR8 dùng micro thu tiếng.

Điều gì khiến anh Đạo im ỉm, chăm chú làm việc? Anh không chỉ thu tiếng lao xao của đám đông, anh còn phải tinh tế để nhận ra một chút gì đó xào xạc của bãi cỏ, một chút gì đó rền rĩ của bánh xe lăn xa xa, một chút gì đó ơi ới của dân ở chợ nằm khuất sau khu vực hiện trường thu hình. Tất cả tạo nên “ambiance” cho một cảnh quay.

Khi đi làm phim, trung bình một ngày anh Đạo thu được 25 phút. Sau khi thu, đem về nhà nghe lại, cắt đầu cắt đuôi, rồi đem đến studio để dựng âm thanh. Phần tiếng còn được back-up (dự phòng), làm tư liệu để nếu cần thì đem ra xài.

Tiếng vỗ cánh của chim, tiếng xào xạc của gió, tiếng mỉm cười khe khẽ… được thu bằng hệ thống Multi-track Recorder để tạo “ambiance”.

Việc cải tiến công nghệ phim ảnh trên thế giới hiện nay hầu như rơi vào khâu âm thanh. Giả sử đem lên... bàn cân vô hình thì “sức nặng” của tiếng đã từ 20% vọt lên 40%-50% so với hình. Âm thanh, tiếng động ngày càng trở nên quan trọng. Ở Việt Nam, sân chơi cho người làm tiếng động đã rõ nét hơn kể từ sau khi các nhà làm phim tư nhân nhảy vào cuộc (được đánh dấu bằng phim Những cô gái chân dài của Thiên Ngân). Còn trước đây...

Thực hiện hậu kỳ âm thanh cho phim Ngôi nhà trong hẻm.

Số là, nếu theo đúng bài bản của công nghệ làm phim, mỗi khi đoàn phim bấm máy thì đương nhiên phải bố trí người làm âm thanh cùng có mặt. Nhưng sự đương nhiên đó lại... không đương nhiên ở Việt Nam. Không biết từ lúc nào, âm thanh bị cho ra rìa, tuyệt nhiên trong đoàn phim không cơ cấu người làm tiếng cùng đi thực địa. Lý do là để... giảm chi phí! Thậm chí có lúc anh chàng ngồi chép băng (VTR = video tape recorder) ở studio kiêm luôn vai trò ghi âm, khá là tùy tiện.

Cuộc “tái hợp” giữa người làm tiếng và người làm hình sau một thời xa xách đã trở lại.

Anh Lê Quang Đạo có một thời gian giữ ghế phó giám đốc kỹ thuật của hai công ty, vậy mà anh xin nghỉ để quay lại làm “lính trơn” trong các đoàn phim. “Vì tôi khoái nghề này. Mơ ước cao nhất của tôi là được sống với phim”, nói ra như vậy thì anh Đạo mang tâm hồn nghệ sĩ rồi còn gì, miễn bình luận.

Thuộc thế hệ gọi là trẻ hơn thì phải nói đến “Trần Khải Ca”. Đó là biệt danh gọi riết thành quen mà anh em trong Hãng phim truyền hình TFS đặt cho Trần Khải. Năm nay đã khoảng 45-46 tuổi, được đào tạo làm dân quay phim nhưng Khải lại yêu thích làm âm thanh nên khi được gợi ý về phòng kỹ thuật thì Khải không đắn đo mà gật đầu cái rụp. Khoảng 16 năm trong nghề, “Trần Khải Ca” tạo dựng một thư viện âm thanh đáng nể, với hàng trăm băng DAT (Digital Audio Tape), hàng trăm đĩa CD âm thanh chuyên dụng. Trong thư viện đó lại chia nhỏ ra như “thư viện tiếng chim”, “thư viện âm thanh rừng”... Với dàn máy AVID cài đặt chương trình Protool đang có trong tay, Khải cho biết hiệu quả “đáng mê vô cùng”. Ví dụ, khi thu thoại hai người với nhau, Protool hoàn toàn cắt sạch những âm thanh nhiễu (noise). Đó là chưa kể công nghệ Vocalign có thể tự chỉnh sửa cho khớp giữa khẩu hình nhân vật trên phim với người lồng tiếng.

Với một bàn mix gọn gàng, một micro, một đầu ghi băng DAT, vậy là đủ hành trang để quảy gói lên đường. Có tinh tường hay không, có chất nghệ thuật hay không đều nằm ở chỗ cảnh phim đó, bộ phim đó có tạo nên những “ambiance” đặc trưng hay không. Người ta gọi những người chuyên trách “làm dày” các lớp âm thanh của bối cảnh, môi trường là “đi săn không khí cho phim”.

Một lần nọ, Khải đang làm hậu kỳ cho một bộ phim nhưng thiếu tiếng vỗ cánh của dơi trong một số phân đoạn. Vài âm thanh tiếng dơi trong thư viện tiếng động, khi nghe thử, không chuẩn so với yêu cầu. Vậy là Khải lên đường, lặn lội vào trong một hang dơi nằm sâu trong núi ở Phan Rang để thu tiếng.

Khải bày tỏ quan niệm: “Tôi cho là cốt cách nghệ thuật cần phải chiếm đến 70% trong một con người dựng âm thanh chuyên nghiệp, còn lại là phần kỹ thuật”.

Trong một lần qua Mỹ tham quan Universal Studio và xem tại chỗ một số phim như Công viên khủng long, Người nhện, Shrek..., Khải kể lại: “Họ có hẳn một cơ ngơi đồ sộ để làm tiếng động giả”! Khải - cũng như anh Đạo - là người làm tiếng động thật (sound effect) và họ không thể không cần đến chuyên viên làm tiếng động giả (foley), ví như sam biển với nhau.

Vâng, chúng ta đang bước đến...

... Ma thuật của cái giả

Xếp sòng về foley tại Việt Nam là anh Minh Khánh. Anh bước vào thế giới âm thanh từ cánh cửa của hãng Việt Phim tại Sài Gòn (trước năm 1975), dưới sự dẫn dắt của cố nghệ sĩ Năm Châu (về sau này được truy tặng NSND) lúc ấy đang làm chef plateaux (người phụ trách toàn bộ phần lồng thoại và tiếng động cho một bộ phim).

“Phải mường tượng được âm thanh trong đầu, tức là phải nhìn thấy âm thanh” - anh Minh Khánh bảo vậy, nghĩa là một năng khiếu đặc biệt. Ngoài ra, người làm tiếng động ở Việt Nam còn phải có thêm yếu tố… dũng cảm, vì cái nghề bọt bèo này không có mấy người theo, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Như Xuân Tâm, Hồng Tâm trong Nam đều là đệ tử ruột của anh Minh Khánh, ngoài Bắc có Mạnh Kiên, Minh Thu…

Một lần khi quay phim về đề tài chiến tranh, có cảnh nón sắt, súng ống rơi vãi trên đường. Tiếng động thật, khi vào phim, nghe bị “thô”. Vậy là phải dùng “đồ giả” mà hiệu quả lại nghe hay hơn. Anh Minh Khánh lấy muỗng dùa to, cưa đôi ra, làm rớt loảng xoảng, cùng lúc gõ muỗng dùa vào nón sắt. Đây là một dẫn chứng về foley, giả mà thật.

 

Nghệ thuật của im lặng

… Môi của cô gái (vừa điếc vừa câm) mấp máy nhưng đành chịu, không thể thành tiếng. Con mắt cô gái ấy núp sau hai bàn tay chụm lại tạo hình mái nhà - đó là ước vọng một mái ấm. Bàn tay mở ra ngang trước ngực - đó là ngôn ngữ của lời tạ ơn. Tiếng mưa rơi xuống đất, nghe làm sao? Tiếng gió nghe làm sao? Tiếng cười thì nghe như thế nào? Tất cả, đón nghe câu trả lời “vô thanh” từ sự diễn tả của đôi bàn tay hồng.

Trên đây là một phần trong bộ phim tài liệu Mùa xuân chim bay qua và cất tiếng hót của đạo diễn Tống Thành Vinh. Những khoảng im lặng đúng chỗ, nhiều khi lại tạo ấn tượng mạnh gấp hàng chục lần. Tiếc rằng… còn không ít phim Việt Nam lắm lời đến thừa thải mà không biết rằng nghệ thuật của âm thanh còn gồm cả nghệ thuật của sự im lặng.

Hoặc sẽ phải làm cách nào tạo ra tiếng giày chạy bì bõm dưới nước, đồng thời có thêm tiếng lúa xào xạc để tái hiện một cánh đồng lúa nước? Làm sao nghe ra âm thanh của một trận đá banh, trong đó có tiếng của trái bóng khi chạm phải cú sút thần tốc? Phải làm “foley” cả thôi.

Chị Minh Thu, một trong những người làm tiếng động giả (foley).

Bộ phim Mê Thảo thời vang bóng có cảnh bứng một gốc cây đại thụ đưa xuống bè, chở về hiện trường quay phim. Làm cách nào tạo ra âm thanh của những cội rễ bị đứt? Không thể nhờ ai khác, ngoài anh Minh Khánh. Anh được mời để bay ra Bắc thực hiện.

Trong bộ phim Bông sen, hợp tác giữa Việt Nam và Algeria, thầy trò nghệ sĩ Minh Khánh “trổ tài”: Tiếng vó ngựa trên sa mạc được tạo bởi hàng lô hàng lốc đạo cụ giấy bồi, muỗng dùa, cát, đá dăm, đất… va chạm vào nhau. Trong bộ phim Thương nhớ đồng quê, chỉ với một cảnh múc nước giếng cũng đã đòi hỏi hàng loạt thao tác, từ tiếng tay quay cho đến âm thanh của gàu chạm mặt nước, đặc biệt là tiếng “ùm” vừa sâu vừa vang vang để gợi ra sự bồi hồi của một chiếc giếng cũ xưa rêu bám thành mảng. Tất cả nhờ vào tài biến hóa của anh Minh Khánh.

Những đạo cụ linh tinh như thế này sẽ trở thành âm thanh tuyệt hay nhờ bàn tay người làm tiếng động giả (foley).

Bộ phim Thời xa vắng cũng là một kinh nghiệm đặc biệt cho người làm tiếng động. Với nhiều đường (line) thu tiếng, mỗi nhân vật mỗi line, vậy nên công việc của nhóm Minh Khánh nhiều hơn, cực hơn, gấp 5-6 lần so với bình thường. “Vậy mà… lúc vô làm phim lại không thấy mệt vì bị hình ảnh kéo mình đi” - anh Minh Khánh nói rồi cười. Tâm hồn nghệ sĩ đã quyện vào để tạo nên ma thuật của âm thanh.

Trong khi tiếng động thật đạt nhiều tiến bộ về công nghệ ghi âm, trái lại tiếng động giả gần như phải trông chờ vào bàn tay thủ công của con người chế tác. Không có những người như Minh Khánh thì giới làm phim Việt Nam… “chỉ có nước khóc ròng”.

Từ những mớ đạo cụ rất bình dân, tầm thường, đơn sơ, một thế giới tinh tế của âm thanh vụt hiện diện: đem lại “linh hồn” cho hình ảnh!

HOÀI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm