Đêm 31-1, UNESCO trao bằng Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An cho biết: lễ Vinh danh “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” sẽ diễn ra vào tối 31-1-2015 tại chân tượng  đài Bác Hồ, Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh), do tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.

 Biểu diễn văn nghệ Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh tại buổi họp báo.

Lễ Vinh danh được chia làm hai phần. Sau phần lễ đón bằng (đại điện UNSECO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) trao) sẽ là chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Về miền Ví, Giặm” nhằm mang đến cho khán giả cả nước (truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV4, NTV, HTV…) hiểu rõ hơn về những giá trị độc đáo của loại hình di sản này. Bên cạnh đó còn có các hoạt động chào mừng sự kiện: giao lưu với các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian, các nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Tại các huyện, thành, thị có thực hành di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như: biểu diễn văn nghệ của các Câu lạc bộ dân ca lồng trong Chương trình lễ hội đầu xuân để phục vụ nhân dân và du khách.

Lúc 23g10 đêm 27-11 (giờ Việt Nam), phiên họp lần thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO (diễn ra tại Paris, Pháp) đã chính thức vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Nguyễn Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và bà Đinh Thị Lệ Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, kế hoạch bảo tồn Dân ca Ví, Giặm trong thời gian tới là: tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê; tổ chức truyền dạy trong cộng đồng, đưa dân ca vào trường học (năm 2015 có 30-40% xã có Câu lạc bộ dân ca Nghệ Tĩnh); quảng bá và phổ biến, tổ chức giao lưu, liên hoan giữa các cộng đồng ở trong nước và quốc tế; ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân; bảo tồn, khôi phục lại một số bài bản, điệu hát truyền thống đã bị mai một; bảo tồn, phục dựng một số không gian văn hóa, môi trường diễn xướng của di sản; nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động và quản lý của các câu lạc bộ…

Ông Thiện cho biết thêm, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ sớm lập đề án "Bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với tư cách là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2020-2030" trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

 

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay, được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 26 huyện, thành phố, thị xã thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, đi củi, trèo non. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè, Giặm Cửa quyền, Giặm Đức Sơn… Dân ca Ví, Giặm không chỉ chiếm vị trí quan trong trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Hiện nay, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có gần 100 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm cùng 803 nghệ nhân; các nghệ sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp. Hai tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 12 nghệ nhân và đang tiếp tục đề nghị 12 nghệ nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm