Học giả An Chi:

‘Đê tiện nhất trong tranh luận là chụp mũ chính trị’

Học giả An Chi, một người đến với lĩnh vực từ nguyên học hoàn toàn bằng con đường tự học. Cho đến giờ, dù đã 83 tuổi, ông vẫn chưa bao giờ ngừng việc đọc, học, nghiên cứu của mình. Và ông cũng là người hiếm hoi đi trên con đường tự học nhưng không bị sa đà vào những cuộc tranh luận khoác áo tri thức, mỗi khi đặt vấn đề và tranh luận thì đó lại thêm một hành trình tìm tòi nghiên cứu.

Tự sửa sai vì hiểu chính mình cố chấp

. Phóng viên: Thưa ông, sách về Chuyện Đông Chuyện Tây của ông từng xuất bản, vậy bốn tập sách lần này có bổ sung, chỉnh sửa nhiều không, thưa ông?

+ Học giả An Chi: Phần chỉnh sửa có nhiều bởi có những cái ở thời điểm trả lời mình hiểu biết chưa tới, có trường hợp tổ trác nhưng cũng có trường hợp mình cố chấp nên khi chỉnh sửa tôi phải viết thêm, sửa lại chính câu trả lời của mình.

Như trong việc dùng từ “cò”, hồi xưa trả lời tôi chỉ nhắc đến courtage (môi giới), tôi lại không nhớ tới từ “cò mồi” vốn có từ lâu trong tiếng Việt; khi sửa tập sách này tôi mới thêm 100 từ nghĩa cò là cò mồi. Tôi viết hẳn trong sách, “tôi ngu xuẩn khi chỉ nhắc đến courtage”.

. Hành trình học thuật của ông chủ yếu tự học, tự nghiên cứu, vậy với người trẻ ông nghĩ có nên tự học?

+ Thực tế có những người có điều kiện học nền tảng trước rồi sau đó đi làm và tự học; có những trường hợp do không có điều kiện mà phải tự học. Tôi nghĩ cách nào thì việc tự học vẫn tốt, như cụ thể với việc ngôn ngữ học của tôi, tôi hoàn toàn tự học. Hồi tôi học Chasseloup-Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) nếu tính theo hệ thống học 12 năm bây giờ tôi chỉ học tới lớp 10, còn khoảng một tháng mới bãi trường thì tôi đã nghỉ học, vượt tuyến ra Bắc. Tuy nhiên, từ thời 15 tuổi tôi đã rất mê sách, tủ sách tôi cũng được gọi là ngon lành. Học sinh trung học nhưng tủ sách của tôi nhiều người mê lắm: Cổ văn Việt Nam của Tân Việt xuất bản thời đó tôi không thiếu quyển nào; từ Truyện Kiều, Hoa Tiên truyện… cho tới những quyển ít người để ý như Bích Câu kỳ ngộ, Lục súc tranh công…, lẫn những bộ lớn như Histoire de la révolution Russe (Léon Trotsky); hai tập Chánh tả Việt ngữ (Lê Ngọc Trụ)…

Học giả An Chi hiện nay tại căn nhà nhỏ của ông ở TP.HCM. Ảnh: Q.TRANG

Gần đây trên mặt báo nhiều trường hợp gia đình khá giả cho con đi Tây học nhưng không học hành gì và ngược lại có những người vật lộn cuộc sống nhưng vẫn tự học với tinh thần học để thành tài chứ không để thành danh. Thành tài ở đây không phải là có học hàm, học vị mà có sở đắc thật sự đàng hoàng để hiểu về chuyên môn mình theo học thì với những người đó, tôi rất nể bởi ý chí rất cao.

Vào 9 giờ sáng nay (20-3), tại nhà hoạt động chuyên đề 1, Hội sách TP.HCM lần X - 2018 (Công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP.HCM), học giả An Chi sẽ có buổi giao lưu, trò chuyện cùng độc giả để giới thiệu bộ tác phẩm bốn tập Chuyện Đông Chuyện Tây

Không luyến tiếc 20 năm vượt tuyến ra Bắc

. Ông từng đối đầu nhiều học giả trong tranh luận, việc tranh luận xưa đến nay theo ông có khác biệt không, nhất là khi có mạng xã hội, mọi thứ nhanh hơn nhưng dường như thiếu chiều sâu?

+ Điều này tùy thuộc vào khả năng và ý thức từng người khi trả lời chứ không phải do Facebook hay mạng. Chính tôi cũng từng căng thẳng, cương quyết trong tranh luận. Tôi từng bị nhiều cuộc tranh luận mà người tranh luận với mình đi đến vấn đề khác nhưng theo tôi, cái đê tiện nhất trong tranh luận học thuật là khi cãi không lại về học thuật thì quay lại quy chụp về chính trị.

Trong tranh luận để không bị chi phối những râu ria, tôi nghĩ rằng mình tranh luận theo quan điểm của mình, bảo vệ quan điểm của mình tới cùng nhưng khi thấy mình sai thì phải nhận ngay mình sai. Như gần đây, trả lời cho ông Trần Trọng Dương về “nhà muống”, tôi nói thẳng tôi dốt về thuật ngữ kiến trúc, lúc đó Trần Trọng Dương là người đúng.

. Trong cuộc đời hơn 80 năm qua của mình, ông có bao giờ luyến tiếc những tháng ngày tuổi trẻ nào đó làm mình bị khó khăn hơn trong việc học, phải dừng việc nghiên cứu?

+ Tôi hoàn toàn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng việc nghiên cứu, cũng như không tiếc giai đoạn vượt tuyến ra Bắc. Nếu phải làm lại tôi cũng sẽ làm y như thế, nếu cùng thời điểm lịch sử là đất nước chia cắt làm hai miền.

Tôi vẫn nhớ sau năm 1975, khi về Nam tôi mua sách rất nhiều, ngoài giờ đi dạy tôi cứ mua sách tìm hiểu. Cậu tôi không hiểu sao tôi cứ rúc đầu vào sách, đến hồi ra mục đầu tiên Chuyện Đông Chuyện Tây, tôi đem báo biếu, cậu tôi mừng lắm vì biết việc mình làm.

. Xin cám ơn ông.

Ý chí vượt mọi nỗi gian truân

Những người như An Chi thường rất khó tính đối với bản thân. Rồi sẽ có ngày những chuyên luận ấy đủ chín muồi để tác giả thấy có thể đem nó ra đóng góp vào nền khoa học nhân văn của đất nước. Nhưng dù chỉ có mấy tập Chuyện Đông Chuyện Tây không thôi thì tôi cũng thấy học được của anh rất nhiều rồi. Vả chăng chính cuộc đời của An Chi cũng đã là một tấm gương sáng chói của ý chí vượt qua mọi nỗi gian truân để đạt đến một đỉnh cao của tri thức.

Nhà ngôn ngữ học CAO XUÂN HẠO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm