Dấu ấn điêu khắc Chăm của 'con ma Hời Đoàn Xuân Hùng'

Đó là trường hợp Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng. Ông sinh năm 1960 tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), từng làm cơ khí giỏi nghề, đang sống tốt bằng nghề. Vậy mà năm 28 tuổi, theo sự thôi thúc tiềm thức, ông bỏ hết công việc đang hái ra tiền để thi vào Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là một quyết định dứt khoát nhưng không phải không gặp sự phản đối từ gia đình. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 33 tuổi (năm 1993) nhưng đến nay ông đã có gần nửa thế kỷ lao động nghệ thuật nghiêm túc, công phu và đầy dấu ấn sáng tạo.

Ông từng nhận rất nhiều giải thưởng Mỹ thuật quốc gia và khu vực; từng nhận kỷ lục bộ tác phẩm đất nung Đất và ngụ ngôn Kinh Thánh, bộ tượng Bác sĩ Yersin. Tác phẩm của ông được trưng bày tại Bảo tàng Hội Mỹ thuật Quốc gia, Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng. Nhưng điều lớn nhất ông đã làm được là khi nhắc đến tên Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng, giới mỹ thuật thừa nhận ông là một phong cách nổi trội và độc đáo.

Điêu khác gia Đoàn Xuân Hùng, một phong cách nổi trội và độc đáo. 

Từ khi hoàn thành đề tài Trăn trở trong sáng tạo ­– đề tài tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật – đến giờ, nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng không ngừng trăn trở, suy tư để sáng tạo.

Là một người con của đất Khánh Hoà – cái nôi của Tiểu vương quốc Kauthara thuộc Vương quốc Champa cổ – ông không ngừng khao khát vực dậy, làm sống dậy một nền văn minh đã chìm khuất do đặc điểm lịch sử

Từ quê cha đất tổ là một làng nghề làm gốm nổi tiếng của Khánh Hoà – làng gốm Lư Cấm (thôn Lư Cấm, xã Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang) – Đề tài Champa đã đến như một tia sáng loé lên trong đời nghệ sĩ và rạng ngời qua đôi bàn tay của Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng.

Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng đã làm sáu cuộc triển lãm cá nhân, chủ yếu về sự dung hợp giữa gốm Chăm và gốm Lư Cấm, nhanh chóng khẳng định tên tuổi, đồng thời gây được tiếng vang lớn.

Điều đáng nói là từ phong cách gốm vật dụng gia dụng của làng Lư Cấm xưa cổ, từ đặc điểm tượng di sản của dân tộc Chăm nghiêng về tín ngưỡng, tôn giáo thông qua biểu tượng các vị thần Ấn Độ giáo, qua hình tượng vũ nữ Apsara rất đặc trưng, ... tác giả Đoàn Xuân Hùng đã kế thừa-khai mở nhiều tác phẩm nghệ thuật đậm đà phong cách văn hoá Chăm mà giới nghệ sĩ mệnh danh ông là “người thổi hồn Chăm vào đất nung với nghệ thuật đỉnh cao”.

Tác phẩm Cầu Trời

Trên hành trình sáng tạo, người nghệ sĩ chân chính không bao giờ cho phép mình lặp lại chính mình. “Con ma Hời Đoàn Xuân Hùng” lại khắc khoải đi tìm một hướng khác cho cảm xúc trào dâng và thăng hoa, cho “những khối hình, lửa và đất hoà quyện, cựa mình tìm cõi sống” (Đoàn Xuân Hùng, Lời cảm tạ / Trích Đất và ngụ ngôn Kinh Thánh).

Trên hành trình ấy, ông tự chiêm nghiệm và đưa ra cho mình ba tiêu chí sáng tác: dấu ấn bản địa, dấu ấn thời đại và dấu ấn cá nhân. Chính vì thế, khi không cho phép mình dậm chân một chỗ, tuy chuyển hướng sang chất liệu gốm men, Nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng dường như vẫn sống trong thế giới nghệ thuật của hồn “muôn năm cũ”, tạo nên một sự hài hoà giữa cái đã khám phá được và cái cần cách tân, giữa thâm trầm và bay bổng, giữa tinh tế và mạnh mẽ,… Những bộ tác phẩm Đất – Huyền sử và Cổ tích Việt Nam, Đất – Tình hình thành trong bối cảnh và khát khao đổi mới đó.

Tác phẩm trong bộ gốm men Đất - Tình 

Nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng từng tâm sự, ông muốn hoàn thành nhanh nhất một Ngôi đền Tình Yêu ngay trong ngôi nhà cổ của ông tại đất Lư Cấm xưa cổ với bộ 50 tượng chồng vợ, nam nữ thăng hoa trong những tư thế yêu thương, yêu đương nhau. Dẫu đề tài rất nhạy cảm và dễ đi vào sự lặp lại hoặc dễ phản cảm nhưng qua một số tác phẩm đã hoàn thành, có thể thấy dự cảm và khả năng sáng tạo của Nghệ sĩ điêu khắc Đoàn Xuân Hùng là bất tận.

Điều đáng nói là đi vào đề tài không hề dễ dàng này, nói không dễ vì nếu tác giả không có thực tài và không làm chủ được cách thể hiện thì dễ đi vào sự tầm thường, thậm chí dung tục. Nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng đã làm chủ được khát khao nóng bỏng, tình điệu nồng nàn trong từng chi tiết góc cạnh nhưng bay bổng.

Có một chi tiết mà nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng đã nâng lên thành chi tiết nghệ thuật đặc sắc, in đậm triết mỹ Chăm, đó là vẻ đẹp phồn thực của những đường cong trên cơ thể con người, nhất là người phụ nữ – tuyệt tác của Tạo hoá. Bộ ngực trần của người nữ được nhà điêu khắc tạo thành điểm nhấn, phối ở cận cảnh của rất nhiều bức tượng đã làm thành một dòng chảy bất tận, trong suốt, phun trào như một mạch nước ngầm đã được khai mở. Chi tiết nghệ thuật ấy đã nhất quán từ đề tài Văn hoá Chăm sang đề tài Tình mẹ, Cổ tích Việt Nam, và giờ là đề tài Tình yêu, làm thành dấu ấn Đoàn Xuân Hùng.  

Một số chi tiết nổi trội khác nữa đã làm người thưởng lãm thụ cảm-rung cảm sâu sắc là đôi mắt, bờ môi của các nhân vật. Đôi mắt to với cái nhìn cúi xuống sâu thẳm hoặc khép hờ bí ẩn là vẻ đẹp rất Chăm được nhà điêu khắc tái hiện cẩn trọng. Cùng với mắt là môi – đôi môi hơi dày, mọng, hé mở – đi suốt hệ thống tác phẩm tạo thêm vẻ đẹp độc đáo, mang hồn cốt Chăm. Điều thú vị là Nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng trong các thao tác tạc tượng, ông hoàn toàn dùng đôi tay trần. Có lẽ, như thế, ông mới có thể lắng nhận được lồng ngực của các pho tượng đang phập phồng, bờ mi đang rung, vành môi ấm với hơi thở run rẩy…  

Tác phẩm Khao khát

Nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng từng tự phác thảo chân dung mình như sau: “Có người bảo tôi như một gã lang thang lem luốc bụi đường đi tìm cõi mộng. Tôi, một gã khờ đi tìm sự minh triết viết bằng ngôn ngữ tạo hình, khát khao nửa đời với những cung bậc thăng trầm trong sáng tạo. Và cô đơn trong chính niềm tin…”.

Nhìn những ngón tay đắp-ấn-miết từ sự điều khiển của tia mắt có lửa trên từng centimet đất sét, có thể cảm nhận được trạng thái cô đơn nghệ thuật của nghệ sĩ – sự cô đơn của tâm thế tập trung thấu suốt, muốn trò chuyện âm thầm cùng nhân vật, và cả muốn đối thoại ngầm với người thưởng thức vô hình đang dõi theo quá trình tạo đắp, nung qua lửa rồi hoàn thiện tác phẩm…

Vừa vượt thoát cơn bạo bệnh, sụt hẳn 10 kg, trông Nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng vừa suy tư, thâm trầm, vừa hồi sinh, yêu đời lại vừa sốt sắng, nóng lòng thực hiện những ý định nghệ thuật ngồn ngộn như muốn đón trước quy luật thời gian.

Ông trồng thêm hoa trên con đường đã khai mở thẳng tắp: tiếp tục thổi hồn Chăm vào những đề tài mới. Ông vừa tiếp nối tượng đất nung lại vừa chuyển hướng sang tượng gốm phủ men với khát vọng tác phẩm của mình sẽ có sinh mệnh không tính bằng con số trăm năm mà sẽ là nghìn năm. Tượng ông được nung trong sự kết hợp nung bằng lò và nung lộ thiên để tác phẩm tự nhiên nhất, để mỗi tác phẩm là một độc sáng, giống như hàng triệu, hàng tỉ lá cây trong rừng mà không bao giờ tìm thấy hai cái trùng vân lá bao giờ.

Lặng nhìn Nghệ sĩ điêu khắc Đoàn Xuân Hùng say mê sáng tạo trong một chiều cuối năm trong không gian Làng nghề Trường Sơn giữa lòng phố biển Nha Trang – ngay trên quê hương, nơi mà trong giấc ngủ ông cũng mơ ước được trở về sau bao năm lập nghiệp xa quê – mà lòng ngẫm ngợi về câu nói nổi tiếng của R.Garaudy (Nhà văn – Nhà triết học Pháp): “Sáng tác văn nghệ có nhiệm vụ không phải tái hiện thế giới mà là biểu hiện khát vọng của con người”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm