Dấu ấn đặc biệt của đạo diễn Huỳnh Nga với cải lương

Khi sinh thời, đạo diễn Huỳnh Nga luôn được đồng nghiệp kính trọng mời ngồi tại hàng đầu ở bất cứ sự kiện nào trong giới. Tuy nhiên, ông luôn thể hiện sự khiêm tốn bằng cách ngồi im, ít nói. Vậy nhưng ở ông luôn toát ra sự sinh động ở cái lặng im quan sát xung quanh. Và nếu được ai hỏi đến, ông sẽ nói một cách rất dí dỏm mà sắc sảo, có đôi phần hào sảng của người miền Nam.

Từ Đời cô Lựu đến những vở diễn mang tính đấu tranh

Đạo diễn Huỳnh Nga theo cách mạng từ năm ông chỉ 13 tuổi. Không biết có phải vì vậy không mà trong hàng trăm vở diễn do ông dàn dựng, phần lớn những vở gây được tiếng vang, tạo được dấu ấn trong lòng khán giả nhiều thế hệ đều là những vở có tính đấu tranh.

Sự đấu tranh đó có thể là đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giai cấp giữa tầng lớp tá điền và địa chủ - cường hào như Đời cô Lựu. Hoặc đó là sự đấu tranh giữa các thế lực trung thần vì nước vì dân với thế lực những quan lại sâu mọt, câu kết, âm mưu hại dân hại nước trong Muôn dặm vì chồng, Tiếng sáo đêm trăng, Hoa độc trong vườn. Gần nhất, đó là cuộc đấu tranh của những người đi theo lý tưởng cách mạng với lực lượng đối nghịch trong Khách sạn hào hoa, Tìm lại cuộc đời.

Cái hay trong những vở diễn tên tuổi mang tính đấu tranh nói trên do đạo diễn Huỳnh Nga dàn dựng là tính đấu tranh bao giờ cũng hòa quyện cùng tình yêu mang đủ sắc thái để tạo ra mâu thuẫn ở nhân vật, kịch tính ở vở diễn, lôi cuốn người xem. Ở Đời cô Lựu, bên cạnh tính tố cáo sự hà hiếp, bất công giai cấp giữa địa chủ và tá điền, người xem bị ấn tượng bởi tình yêu nghẹt thở của ông hội đồng Thăng, quay quắt mà hà khắc đè nặng lên cuộc đời của cô Lựu. Ở Muôn dặm vì chồng, bên cạnh sự căng thẳng mang tính sinh tử khi ông Bùi Hữu Nghĩa quyết tâm chống lệnh trên bảo vệ dân, người xem ghi khắc tình cảm đằm thắm, son sắc mà bà Nguyễn Thị Tồn dành cho chồng, hay nhớ đến tình yêu sôi nổi của cô tiểu thư Thiên Hương giả trai dấn thân vào thế sự...

Với tài năng, bản lĩnh của mình, đạo diễn Huỳnh Nga đã dẫn dắt người xem đi qua những tranh đấu, những chuyện tình trong các vở diễn để chạm vào trái tim khán giả, để lại dấu ấn của riêng ông.

Đạo diễn Huỳnh Nga luôn được đồng nghiệp kính trọng mời ngồi tại hàng đầu ở bất cứ sự kiện nào trong giới. Ảnh: HOÀNG KIM

Từ cá tính riêng đến cá tính nhân vật độc đáo

Cá tính dí dỏm, sắc sảo, hào sảng Nam bộ mà khiêm tốn ở đạo diễn Huỳnh Nga đã tạo nên rất nhiều lời khen ngợi ở những nghệ sĩ từng làm việc chung với ông, nhất là ở những nghệ sĩ gạo cội tên tuổi lừng lẫy trước 1975. Bởi những nghệ sĩ này nói rằng ông biết lắng nghe và tôn trọng họ.

Đời cô Lựu là vở diễn nổi tiếng nhất của NSND Huỳnh Nga, được ông dàn dựng vào năm 1984. Thời điểm chính trị còn rất nhạy cảm đó, vở diễn này quy tụ rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi trước 1975 như Thành Được, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thủy, Bảo Quốc… Là một người tập kết từ Bắc trở về, đạo diễn Huỳnh Nga nhanh chóng hòa nhập vào lối làm việc của các nghệ sĩ miền Nam. Nghệ sĩ Ngọc Giàu kể ông rất khiêm tốn, tôn trọng để nghệ sĩ tự do thể hiện mọi sáng tạo của mình trong vở diễn. Nghệ sĩ Minh Vương nói đạo diễn Huỳnh Nga rất tình cảm, luôn ủng hộ sự sáng tạo của nghệ sĩ nhưng cũng tận tình chỉ vẽ, góp ý cho nghệ sĩ để có những lớp diễn hay. Nghệ sĩ Bạch Tuyết thì nhắc đến tài năng của đạo diễn Huỳnh Nga khi ông phân tích cho bà tâm lý dồn nén, im lặng rồi bùng nổ ở cô Lựu khi bị hội đồng Thăng chà đạp trong lớp bà diễn cùng nghệ sĩ Diệp Lang…

Sáng 21-2, đạo diễn - NSND Huỳnh Nga qua đời vì tuổi già, bệnh tật ở tuổi 88. Đồng nghiệp và khán giả cải lương thương tiếc, nhắc nhớ về ông với tài năng, tính cách riêng biệt và những cống hiến để đời của ông qua nhiều vở cải lương đi vào lòng khán giả. 

Với cá tính riêng, cộng với tài năng và cách làm việc khiêm tốn, tôn trọng diễn viên của mình, đạo diễn Huỳnh Nga đã tạo sức bật để các nghệ sĩ tham gia Đời cô Lựu trong bản dựng của ông vào năm 1984 để lại cho đời một vở diễn kinh điển với nhiều lớp diễn và những nhân vật, lối diễn mẫu mực, tràn đầy tính sáng tạo, dấu ấn cá nhân của mỗi người. Khán giả mãi không quên một cô Lựu bị trầm uất, dồn nén đến tột cùng của Bạch Tuyết; một hội đồng Thăng thâm hiểm, tà ác của Diệp Lang; một cô Bảy cán vá độc đáo của Ngọc Giàu; một Võ Minh Lâm ngô nghê của Minh Vương; một Kim Anh ngây thơ mà đáng thương của Lệ Thủy; một anh thợ bạc láu cá của Bảo Quốc. Và dĩ nhiên, khán giả sẽ nhớ mãi dấu ấn sắc sảo của đạo diễn Huỳnh Nga ở vở diễn.

Cũng vậy, với tài năng, cá tính, cách làm việc của NSND Huỳnh Nga, người xem sẽ không quên một Giang Châu rất đặc biệt trong vai Trần Hùng, cũng như sẽ nhớ mãi Ngọc Bích đau thương với Jackly Hương ở Tìm lại cuộc đời. Những dấu ấn của nghệ sĩ Mỹ Châu, Tuấn Thanh, Thoại Miêu, Thanh Tuấn trong Muôn dặm vì chồng; Khách sạn hào hoa, Tiếng sáo đêm trăng; hay dấu ấn của nghệ sĩ Lệ Thủy trong Hoa độc trong vườn… cũng đã ghi dấu trong lòng khán giả qua tác phẩm dàn dựng của NSND Huỳnh Nga.

Tang lễ của đạo diễn - NSND Huỳnh Nga sẽ diễn ra tại nhà tang lễ của chung cư Khánh Hội, quận 4, TP.HCM trong ngày 21-2. Lúc 9 giờ ngày 22-2 sẽ di quan ông về quàn tại Nhà tang lễ TP - số 25 Lê Quý Đôn, quận 3. Lễ truy điệu cố nghệ sĩ do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức lúc 5 giờ sáng 24-2. Lễ di quan, đưa ông đi an táng tại quê nhà Mộc Hóa, Long An diễn ra vào lúc 6 giờ ngày 24-2. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm