Đạo diễn hình ảnh đang có giá

Nguyễn Nam - một trong những D.O.P sáng giá hiện nay. Ảnh: N.Thiện.
Nguyễn Nam - một trong những D.O.P sáng giá hiện nay. Ảnh: N.Thiện.

Trong phim truyền hình Tình yêu pha lê vừa phát trên HTV cách nay không lâu có đoạn nhân vật An Khê đứng múa điệu thiên nga trong vườn, bên mặt hồ nước long lanh.

Đây lẽ ra sẽ là một cảnh quay lãng mạn, tạo cảm xúc mạnh nơi người xem nếu đặt trong không gian ánh sáng hơi mờ ảo, thế nhưng trên màn ảnh, đèn được chiếu sáng trưng cả khuôn hình, làm lộ rõ cả những động tác múa vụng về, cứng ngắc của diễn viên đến phản cảm. Điều này sẽ không xảy ra nếu như phim có một đạo diễn hình ảnh chuyên nghiệp.

Nghề còn xa lạ

Làm phim là kể một câu chuyện bằng hình ảnh, vì vậy hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng dù là phim nhựa hay truyền hình. Ở các nước, trong ê-kíp làm phim, có chức danh đạo diễn hình ảnh (director of photography, gọi tắt là D.O.P). đây chính là người điều khiển quá trình đặt sáng, góc quay, chịu trách nhiệm cho các cảnh quay sao cho đạt hiệu quả cao nhất về mặt mỹ thuật lẫn kỹ thuật. Đôi khi trong nhiều trường hợp D.O.P cũng chính là quay phim.

Chức danh D.O.P được xem trọng có lẽ chỉ sau đạo diễn nhưng ở ta khái niệm này còn khá xa lạ, thậm chí với chính người trong nghề. Suốt một thời gian dài của hoạt động sản xuất phim ở VN, việc đặt góc máy, canh khuôn hình, bố cục, đặt ánh sáng... được giao hết cho quay phim bởi chẳng nhà sản xuất nào muốn tốn tiền thêm cho một người khác, khi người quay phim có thể làm thay tất cả công việc đó, dù hiệu quả không như mong muốn.

Chính vì không có D.O.P, người quay phim phải ôm đồm nhiều việc, có lúc vừa chỉ đạo đặt đèn, canh ánh sáng xong, chuẩn bị bấm nút quay thì có việc khác xảy ra lại phải rời máy để chỉnh sửa, bị phân tâm dẫn đến hiệu quả về mặt hình ảnh không cao. Màu sắc, ánh sáng trên phim nhựa “mờ mờ nhân ảnh”, phim truyền hình ngược lại, đến nốt ruồi nhỏ trên mặt diễn viên cũng lộ rõ. Chất lượng hình ảnh kém cũng là bước cản lớn lâu nay trên con đường đưa phim VN đi xa.

Quay phim lên đời

Đẳng cấp nghề nghiệp của D.O.P cao hơn quay phim một bậc nên thù lao cho vị trí này tất nhiên cũng cao hơn quay phim. tuy không nhà sản xuất nào chịu tiết lộ số thù lao cho D.O.P nhưng họ đều khẳng định tốn tiền song bù lại, hiệu quả kinh tế cũng không nhỏ.

Ông Trần Bình Trọng, Giám đốc sản xuất Hãng phim M&T Pictures, cho biết: “Hiện nay các phim truyền hình đều sử dụng hai máy quay, có D.O.P nhà sản xuất yên tâm vì bảo đảm hai góc máy đều thống nhất về phong cách thể hiện. Khi vào phần hậu kỳ, giả sử như có trục trặc kỹ thuật xảy ra với một góc máy thì đã có ngay góc quay khác thay vào, cũng đẹp không kém, nhờ vậy rút ngắn thời gian làm phim. Hình ảnh của phim được trau chuốt, giàu cảm xúc hơn”.

Bảy phim của M&T Pictures sản xuất từ trước đến nay, dù nội dung có người khen chê khác nhau nhưng khi xem Tuyết nhiệt đới hay Mưa thủy tinh, mọi người đều công nhận các phim trên có những khuôn hình đẹp, ánh sáng chuẩn không thua gì phim nước ngoài. Về phần đạo diễn, có D.O.P, họ yên tâm vì D.O.P triển khai, thể hiện đúng ý đồ của mình muốn chuyển tải lên phim. Nói như đạo diễn Lê Bảo Trung thì “D.O.P chính là con mắt của đạo diễn”.

Hiện ở VN chưa có trường lớp chuyên đào tạo về D.O.P, hơn nữa, ngay trong nước, tìm được một người quay phim giỏi cũng khó nên mời được D.O.P không dễ. Việc mời được D.O.P chuyên nghiệp nước ngoài chủ yếu nhờ vào mối quan hệ cá nhân. đạo diễn Phillip Noyce giới thiệu Coordelia Beresford cho đạo diễn Ngô Quang Hải khi biết anh làm phim Chuyện của Pao.

Tương tự, nhờ quen với Joel Spezeski khi đi học ở Hollywood, đạo diễn Lê Bảo Trung mới mời được anh sang VN làm D.O.P cho phim Mưa thủy tinh. Hiện tại M&T Pictures rất muốn cộng tác lâu dài với Joel Spezeski nhưng không được vì Joel Spezeski đã trở về Mỹ. Không có chuyên viên nước ngoài, nhiều tay máy trong nước, đã qua nhiều năm kinh nghiệm, hiển nhiên trở thành D.O.P và được nhiều hãng mời chào, nhất là trong tình hình phim truyền hình sản xuất với tốc độ vũ bão như hiện nay.

Có thể kể đến 4 tên tuổi nổi bật ở phía Nam hiện nay: Nguyễn Nam, Phạm Hoàng Nam, Nguyễn Tranh, Trinh Hoan. Tuy nhiên, không phải quay phim nào cũng thành D.O.P giỏi, có thể thấy điều này trong một vài phim truyền hình đang phát sóng, vẫn có chức danh D.O.P nhưng hình ảnh trên phim không cải thiện được bao nhiêu.

Có D.O.P, hình ảnh hấp dẫn hơn

Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng hình ảnh nên vài năm trở lại đây, một số nhà sản xuất phim đã chịu đầu tư về mặt hình ảnh cho phim của mình. Một số bộ phim gây tiếng vang như: Chuyện của Pao, Dòng máu anh hùng hay Áo lụa Hà Đông, Nụ hôn thần chết đều có bàn tay của D.O.P.

D.O.P kiêm quay phim Coordelia Beresford (Úc) của Chuyện của Pao làm người xem xuýt xoa trước những phong cảnh hữu tình của miền núi rừng sơn cước, những cánh đồng hoa cải vàng rực của Tây Bắc. Chẳng có gì ngạc nhiên khi tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2005 hạng mục Quay phim xuất sắc được trao cho bộ đôi Coordelia Beresford - Trần Hùng.

Dưới bàn tay của Dominique Pereira, Trinh Hoan, Dòng máu anh hùng hay Áo lụa Hà Đông có được những góc máy, khuôn hình đẹp, ánh sáng không chê vào đâu được đã góp phần làm tăng cảm xúc nơi người xem. Không chỉ với phim nhựa, ở mảng phim truyền hình, hãng phim Việt và M&T Pictures cũng là những người tiên phong trong việc sử dụng D.O.P.

HƯƠNG NHU - (Theo NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm