Đam mê và kỳ vọng

Bá Niên (đứng) đang thử làm MC tại lớp học ở Trường JRP.
Bá Niên (đứng) đang thử làm MC tại lớp học ở Trường JRP.

Trong số các học viên đến với lớp học làm MC ở Trường John Robert Power (JRP) hay Nhà Văn hóa Thanh niên - TPHCM, có không ít người nuôi hy vọng sẽ trở thành một MC chuyên nghiệp. Tham gia các khóa đào tạo này là cách để họ trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để khi có cơ hội là có thể hành nghề hoặc chuẩn bị bước vào cuộc tranh tài nào đó, như cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình” năm 2008 của Đài Truyền hình TPHCM, vừa diễn ra vòng sơ tuyển trong hai ngày 17 và 18-8.

Háo hức chờ so tài

Bá Niên, học viên tại Trường JPR, là một gương mặt điển hình. Dù làm MC nhiều năm tại Đài Truyền hình Đà Lạt và đã 3 lần tranh tài tại cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình” do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức, song Bá Niên vẫn chưa chạm được ước mơ của mình. Vì vậy, Bá Niên quyết định tầm sư học nghề. Niềm đam mê và thời gian đầu tư cho cuộc tranh tài, Bá Niên có thừa, nhưng 2.000 USD tiền học phí lại là một vấn đề lớn đối với anh. Nhân dịp được làm MC tại cuộc thi “Nét đẹp sinh viên” do Nhà Văn hóa Thanh niên tổ chức, Bá Niên làm quen với chị Xuân Trang, Giám đốc Trường JRP và xin một suất học bổng tại lớp đào tạo MC chuyên nghiệp của trường này. Có lẽ “miệng lưỡi MC” đã phát huy tác dụng, Bá Niên được chị Xuân Trang chấp nhận và hiện đang là học viên được nhận học bổng của Trường JRP tặng.

Không có học bổng như Bá Niên nhưng mục đích tham gia lớp đào tạo MC của Vân Thanh cũng giống vậy. Đang theo học Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH-NV TPHCM và văn bằng 2 Khoa Quản trị kinh doanh Trường Clinton (Mỹ), nhưng Vân Thanh vẫn ấp ủ ước mơ trở thành một MC chuyên nghiệp. Thanh bộc bạch: “Từ thuở còn nhỏ, việc mà tôi cảm thấy rất mê là phỏng vấn các cô hoa hậu trên sân khấu. Vì vậy, mục tiêu duy nhất mà tôi hướng đến chính là nghề MC”. Còn một năm nữa Vân Thanh sẽ lên đường du học tại Mỹ. “Nhưng trước khi đi, tôi phải biến ước mơ của mình thành hiện thật”, Thanh quyết tâm. Học chuyên văn từ nhỏ lại khá thông minh trong việc nắm bắt các tình huống bất ngờ, Vân Thanh là một gương mặt kỳ vọng của Trường JRP trong cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình” năm nay.

Thanh Hồng, nhân viên bưu điện, học viên lớp MC của Nhà Văn hóa Thanh niên, cũng đăng ký tranh tài tại cuộc thi năm nay. “Tôi không đặt mục tiêu phải chiến thắng, nhưng trước khi tranh tài, tôi phải chuẩn bị bằng việc tham gia khóa đào tạo này. Dù rất tự tin với khả năng của mình, nhưng theo học, tôi mới biết MC là một công việc không hề dễ dàng, nhất là việc dùng từ ngữ thế nào cho đúng”.

Chỉ cung cấp kiến thức nhất định

Dù đến lớp với sự kỳ vọng to lớn sẽ giúp mình gặt hái thành quả cao tại cuộc thi tuyển MC nào đó hoặc bồi dưỡng kiến thức chờ cơ hội hành nghề hay đơn giản chỉ xuất phát từ nhu cầu thư giãn, các học viên cũng chỉ được cung cấp những kiến thức nghề cơ bản về lý thuyết. Vân Thanh cho biết: “Dù những người giảng dạy là các MC bậc nhất chăng nữa thì họ cũng chỉ cung cấp cho học viên những kinh nghiệm quý giá mà họ đúc kết được trong quá trình hành nghề. Quan trọng là cách tiếp cận thông tin và bản thân mình có thể biến những chất liệu ấy thành kiến thức riêng”.

Quả thật, ở tất cả các lớp học, nội dung đào tạo như: làm thế nào để trở thành một MC chuyên nghiệp, những tố chất cần thiết của một MC giỏi, những lời khuyên, bài giảng, các buổi chia sẻ kinh nghiệm... chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết. “Tất nhiên, kinh nghiệm, kiến thức về nghề là một yếu tố rất cần thiết. Thế nhưng, có trở thành một MC hay không lại phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Nếu chỉ biết tiếp nhận rồi thẩm thấu những gì được học mà không biến những kiến thức cơ bản đó thành nét riêng của chính mình thì rõ ràng kết quả chỉ là con số 0. Bởi, đơn giản, MC là nghề đòi hỏi rất nhiều ở sự sáng tạo và nét riêng”- Bá Niên đúc kết.

Dù khác nhau về đội ngũ giáo viên và cả phương thức giảng dạy nhưng tựu trung, các lớp đào tạo MC “bình dân” ở các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa hay lớp học “quốc tế” như ở Trường JRP cũng chỉ cung cấp một số kiến thức nhất định. Vân Thanh nhận định: “Cho rằng mình có học, thậm chí học ở một trường đắt đỏ như JRP là có thể trở thành một MC chuyên nghiệp là ý nghĩ sai lầm. Thầy giáo giỏi cũng chỉ có thể cung cấp những gì tốt nhất mà họ biết, nhưng họ không có đũa thần biến người bình thường thành một MC giỏi. Nói vậy để thấy rằng, muốn trở thành MC, mỗi người phải tự thân tập luyện và không ngừng học hỏi”.

Như vậy, việc đến lớp đào tạo cũng chỉ là cách để các học viên an tâm hơn trước khi bước vào cuộc tranh tài của mình. Bởi, 3 tháng là một thời gian quá ngắn để các học viên trau dồi tất cả những kỹ năng cần thiết cho một MC vì có đến 8 môn học. Tại lớp đào tạo ở Nhà Văn hóa Thanh niên, giao lưu với các MC, nhà tâm lý học chỉ có một hoặc hai buổi; nhiều nhất là môn nghệ thuật diễn cảm cũng chỉ có 7 buổi học, rất khó để học viên có thể có được những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết.

Học để giao tiếp

Bên cạnh những người muốn trở thành MC thực thụ, không ít học viên đến lớp học chỉ để tìm sự tự tin cho mình khi giao tiếp. Bích Châu, trưởng điều phối viên của quỹ tài trợ Vina Capital, rất đam mê nghề MC nên đã đăng ký tham gia học. Tuy nhiên, quan trọng hơn, như chị thổ lộ: “Tôi quyết định học MC để công việc diễn thuyết của mình được hoàn chỉnh hơn”. Huỳnh Văn Trung, sinh viên Khoa Quản lý khách sạn Trường Cao đẳng Du lịch TPHCM, thì học MC như một bước chuẩn bị cho công việc của một hướng dẫn viên du lịch tương lai. Hay như cậu bé Duy Anh, mới 7 tuổi, đến lớp MC ở Nhà Văn hóa Thanh niên chỉ để có những phút thư giãn sau giờ đến trường. Thậm chí, có người bỏ tiền đăng ký học MC nhằm chuẩn bị kỹ năng giao tiếp trước khi... mở tiệm bán điện thoại di động!

Kỳ tới: Tìm kiếm rồi... buông xuôi

Theo THÙY TRANG (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm