Đại nhạc hội “cặp” với nhãn hàng

SoundFest là cuộc chơi của hãng nước ngọt Coca Cola và hãng điện thoại Samsung; Lễ hội âm nhạc Cama 6 dựa vào thương hiệu thời trang Converse; Big Bang sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 10 bởi là đại diện hình ảnh của hãng hàng không Jeju Airline… Sự thành công của những “cặp đôi hoàn hảo” này chứng tỏ công nghệ PR của thương hiệu bằng nhạc hội đang đổ bộ vào Việt Nam và rất được lòng người hâm mộ.

Giải tỏa cơn khát thần tượng

Trong tình hình âm nhạc Việt thiếu vắng thần tượng, không có những bứt phá mới mẻ thì nhu cầu tìm kiếm thần tượng ngoại hình đẹp, hát được, vũ đạo tốt là một nhu cầu có thật. Cũng trong tình hình các nhóm nhạc, ngôi sao K-pop (Korea Pop - Nhạc pop Hàn Quốc) trở thành thần tượng trên thế giới thì sự có mặt của các nhóm nhạc Hàn và các nhóm nhạc quốc tế tại VN cũng là nhu cầu có thật của giới trẻ.

Các nhà tổ chức sự kiện mà đằng sau đó là các thương hiệu nắm rất rõ thực tế này và họ đã bỏ tiền mời các thần tượng của giới trẻ đến để biểu diễn với những ý nghĩa được những tưởng rất quan tâm đến giới trẻ kiểu như: đem lại cho giới trẻ phong cách tận hưởng phong cách đại nhạc hội quốc tế đích thực; giải tỏa cơn khát thần tượng; ăn âm nhạc, uống âm nhạc, ngủ âm nhạc, mãn nhãn và đã cơn khát âm nhạc bấy lâu… Ý nghĩa đó rất có lý với khán giả ở chỗ khi cuộc sống của các bạn trẻ nhàm chán thì thần tượng đến làm cuộc sống họ thú vị hơn dù phải ngất xỉu, phải chảy máu đầu…

Đại nhạc hội “cặp” với nhãn hàng ảnh 1

Buổi diễn của Á quân American Idol 2008 - David Archuleta trong chương trình Idol Music Event 2011 không phải là buổi diễn với hợp đồng của nhãn hàng và khán giả trẻ có được một bữa tiệc âm nhạc đúng nghĩa. Ảnh: QUỲNH TRANG

Không gian thưởng thức âm nhạc của giới trẻ với phông màn, thiết kế sân khấu, trang trí sân vận động… đều mang màu sắc của thương hiệu. Về khía cạnh kinh doanh, đây là những đầu tư có lời. Bởi với những tên tuổi các nhóm nhạc Hàn như Big Bang, Super Junior… thì không ít khán giả trẻ bỏ tiền mua chiếc điện thoại hay chai nước ngọt để mong có tấm vé đến xem thần tượng. Không chỉ bán sản phẩm mà chính các thương hiệu này còn được thụ hưởng từ việc bán vé xem chương trình.

Thế nhưng những siêu nhạc hội kiểu này cũng chỉ là hiệu ứng của kinh doanh giải trí. Tự thân những sự kiện này, những nhóm nhạc được mời đến này không mang giá trị nghệ thuật hay ý nghĩa xã hội lâu bền; hoặc xa hơn là… nâng văn hóa nền của khán giả lên một mức khác.

Âm nhạc không là sân chơi của nhãn hàng

Không ít chương trình âm nhạc của các nghệ sĩ nước ngoài đến diễn tại Việt Nam rất thành công và không phải là những cuộc làm ăn của các thương hiệu đằng sau. Hầu như những buổi diễn đó chẳng ai gọi tên là siêu nhạc hội nhưng khán giả thật sự được thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa. Như trong năm 2011, Bob Dylan chọn VN là một trong những điểm đến của chuyến lưu diễn Never ending tour; Backstreet Boys cũng chọn VN trong chuyến lưu diễn This Is Us; Á quân American Idol 2008 - David Archuleta đến diễn trong chương trình Idol Music Event 2011… Và với những buổi diễn như thế, VN được chính các nghệ sĩ chọn làm điểm đến chứ không phải đến và đi như một hợp đồng làm ăn giữa nghệ sĩ và nhãn hàng.

Hình thức lễ hội âm nhạc hoặc liên hoan âm nhạc (Music festival) xuất hiện trên thế giới từ cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Trong những lễ hội âm nhạc thì phần quan trọng nhất vẫn phải là âm nhạc.

Ngoài âm nhạc thì những điều làm nên lễ hội âm nhạc chính là thời gian tổ chức - thường từ một tuần trở lên với những khu bán hàng ngoài trời, máy bán hàng tự động, các hoạt động xã hội… Ngoại trừ các lễ hội âm nhạc thường niên thì các lễ hội âm nhạc khác đều có thông điệp gửi đến khán giả hoặc chí ít cũng là sân chơi cho các nhóm nhạc trên thế giới cùng giao lưu.

Không ít nhà tổ chức chương trình và người yêu nhạc Việt từng có ước mơ sẽ có những lễ hội âm nhạc. Thế nhưng với những yếu tố như các lễ hội âm nhạc trên thế giới thì sự xuất hiện của các nhãn hàng dường như không có, hoặc nếu có thì chỉ mang tính hỗ trợ chứ nhãn hàng không phải là đơn vị tổ chức để đem nghệ sĩ đến với công chúng. Và thực tế, khi âm nhạc không còn là sân chơi của nghệ sĩ và công chúng thì khó có thể có những lễ hội âm nhạc đích thực.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm